- Sau 9 năm chúng ta vẫn chưa thống nhất được nội dung thực thi DOC. Mọi chuyện đâu cần phải chậm chạp đến vậy - Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phát biểu khai mạc hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 44 (AMM44) hôm nay (19/7) ở Bali.
ASEAN phải tăng tốc
Chào mừng Bộ trưởng Ngoại giao và đại biểu các nước ASEAN đến tham dự hội nghị quan trọng này của khối, Tổng thống Yudhoyono nói: “5 ngày tới đây sẽ là thời gian làm việc vất vả khi chúng ta cùng nỗ lực tìm cách định hình tương lai của khu vực”.
“Hội nghị này diễn ra chỉ 10 tuần sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta tháng 5 vừa rồi”, ông Yudhoyono nói, “Như vậy chúng ta đã không phí phạm thời gian”.
“Đó cũng là một thông điệp rõ ràng rằng ASEAN đang tăng tốc”, Tổng thống nước chủ nhà nhận định. “Chúng ta không còn bước ung dung nữa, chúng ta đang bắt đầu chạy, và chạy nhanh hơn. Và chúng ta nên chạy nhanh hơn, vì khu vực và thế giới đều đang tăng tốc”.
|
Tổng thống Indonesia phát biểu tại lễ khai mạc AMM44. Ảnh: Thủy Chung |
Chỉ ra các thách thức toàn cầu vẫn đang bế tắc như châu Âu và Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, giá nhiên liệu thế giới tăng cao, tình hình Bắc Phi chưa ổn định, Nhật Bản vẫn đang phải nỗ lực tái thiết, các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chưa được nối lại… Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh đến “kỳ vọng lớn lao rằng ASEAN sẽ khẳng định lập trường của mình và trở thành một lực lượng thúc đẩy hòa bình, phát triển và hợp tác quốc tế cả trong và ngoài khu vực”.
“Đó là kỳ vọng mà tôi biết là chúng ta có thể hiện thực hóa”, ông Yudhoyono tự tin.
DOC đang quá chậm chạp
“Trước hết, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc củng cố hòa bình, hợp tác và ổn định trong khu vực”, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh.
Ông Yudhoyono chỉ ra những thách thức an ninh mà ASEAN đang phải đối mặt như cuộc xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia, các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, việc thiết lập khu vực không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Nam Á, chống nạn buôn người…
Đối với vấn đề Biển Đông, Tổng thống nước chủ nhà khẳng định: “Chúng ta cần đạt được tiến bộ trong vấn đề Biển Đông”.
“Tuyên bố đầu tiên của ASEAN về Biển Đông đã có cách đây rất lâu - từ năm 1992. Phải mất 10 năm sau đó để ASEAN và Trung Quốc thống nhất một Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Nhưng sau 9 năm chúng ta vẫn chưa thống nhất được nội dung thực thi DOC”, ông Yudhoyono nói, “Mọi chuyện đâu cần phải chậm chạp đến vậy”.
Cho biết đã yêu cầu các bộ trưởng Ngoại giao nỗ lực hoàn thành chặng cuối cùng của văn bản tạo dựng lòng tin quan trọng này, Tổng thống Indonesia chỉ ra: “Chúng ta phải phát đi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng tương lai của Biển Đông là có thể dự đoán, có thể kiểm soát và là một tương lai lạc quan”.
Nhắc đến yêu cầu đối với một Bộ quy tắc ứng xử (COC), ông Yudhoyono nhận định: “Càng nhanh có được COC, chúng ta càng có thể kiểm soát được tình hình Biển Đông”.
Đề cao vai trò của các đối tác đối thoại trong việc biến ASEAN thành động lực cho cả khu vực Đông Á, Tổng thống Yudhoyono tin tưởng “sự hợp tác này sẽ cải thiện sự phối hợp của quân đội các nước trong các hoạt động chung thay vì chiến tranh”.
ASEAN đang chứng kiến một thực tế rằng mức độ và phạm vi giao tiếp của công dân - qua truyền hình cáp, thư điện tử, các công cụ giao tiếp qua mạng - đang vượt xa mức độ giao tiếp của các quan chức, Tổng thống Indonesia nhận định. “Chưa Chính phủ nào trên thế giới có mọi câu trả lời cho xu hướng mới này”, ông Yudhoyono nói. “Vì vậy ASEAN phải hành động: chúng ta phải sáng tạo và cởi mở trong việc tận dụng sức mạnh của công nghệ nhằm tăng cường giao tiếp liên nhân dân”.
|
Thủy Chung (từ Bali)