- Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh chiều nay (21/7) đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 629.187 tỷ đồng, tổng chi 715.216 tỷ đồng, trong đó chi trả nợ, viện trợ chiếm hơn 13%. Bội chi ngân sách là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP.

Trong báo cáo thẩm tra, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, báo cáo quyết toán của Chính phủ "hội đủ điều kiện cần thiết để trình QH xem xét, phê chuẩn".

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính, chi cho quốc phòng, an ninh năm 2009 ở mức 10,4% (58.593 tỷ đồng) tổng chi ngân sách.
Trong năm, Nhà nước đã bổ sung kinh phí từ nguồn tăng thu và nguồn dự phòng ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Tạo áp lực lạm phát

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2009 để chặn đà suy giảm kinh tế, nhưng UB Tài chính - Ngân sách của QH cũng cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cũng đã gây áp lực lên mặt bằng giá, tạo nguy cơ lạm phát cao.

Ông Vũ Văn Ninh: Chi cho quốc phòng, an ninh năm 2009 ở mức 10,4% tổng chi ngân sách. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo báo cáo thẩm tra của UB Tài chính - Ngân sách của QH, nhiều khoản chi tăng đột biến. Tổng chi ngân sách năm 2009 đạt 561.273 tỷ đồng, tăng 142% trong đó tăng chi đầu tư phát triển là 60,8%.

Dù việc giải ngân đã được đẩy nhanh hơn, chỉ còn 13% số dự án đầu tư chậm giải ngân, nhưng vẫn có những bộ, ngành giải ngân năm 2009 chưa đạt 50% kế hoạch. Đơn cử như: Đài truyền hình Việt Nam, Tổng công ty đường sắt, Bộ Xây dựng...

Riêng với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc bổ sung vốn khá lớn "chưa căn cứ vào khả năng ngân sách, chưa có cơ chế quản lý, phân cấp trách nhiệm phù hợp". Không ít trường hợp bổ sung nhiều hạng mục không đúng mục tiêu của chương trình, dàn trải đầu tư, nợ đọng lớn…

Số sai phạm về quản lý đầu tư vẫn nhiều và tăng so với năm trước. Sai phạm xảy ra ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quyết toán dự án.

Việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả chi đầu tư phát triển hạn chế. Tình trạng xây dựng cơ bản dở dang, nợ khối lượng xây dựng cơ bản… có xu hướng tăng đột biến, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Trong khi các lĩnh vực đảm bảo phá triển bền vững: y tế, giáo dục, khoa học công nghệ chi không đạt dự toán được giao thì khoản chi cần tiết kiệm như chi quản lý hành chính lại tăng 4,2%. 19/32 địa phương được kiểm toán chi quản lý hành chính tăng trên 30% so với dự toán.

Chưa trọng tâm

Ngay cả những chính sách được đánh giá tích cực, tạo chuyển biến trong nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng có những mặt hạn chế.

Ông Phùng Quốc Hiển: Kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Phùng Quốc Hiển đơn cử, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí còn mang tính bình quân, chưa thật trọng tâm. Còn nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN.

Chính sách hỗ trợ lãi suất tác động trên phạm vi hẹp, thiếu trọng tâm, trọng điểm, cho vay cả DN thừa vốn, sử dụng vốn sai mục đích, cho vay trùng lắp đối tượng, vay vốn hỗ trợ lãi suất rồi chuyển sang tiền gửi.

Nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ở một số nơi chậm, xảy ra tiêu cực. Mức và cách thức hỗ trợ người nghèo có mặt chưa hợp lý, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa khuyến khích người nghèo tích cực và chủ động vươn lên thoát nghèo.

Kỷ luật chưa nghiêm

Điều Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH lưu ý là kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Việc sử dụng ngân sách vẫn có tình trạng cho vay sai quy định, tạm ứng lớn, có số dư nợ phải thu lớn, kéo dài, quản lý nợ thiếu chặt chẽ, nhiều khoản tạm ứng khó thu hồi.

Đến hết tháng 3/2011, vẫn còn gần 1/3 số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa được thực hiện. Điều này, theo ông Hiển, "thể hiện ý thức chấp hành kỷ luật tài chính, pháp luật về lĩnh vực tài chính chưa nghiêm".

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH cho rằng "Chính phủ cần chỉ đạo và xử lý nghiêm các trường hợp, đơn vị và cá nhân có vi phạm, đảm bảo nghiêm minh trong lĩnh vực quản lý ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước".

Về thu ngân sách, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và giám sát ở địa phương cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều vi phạm về nghĩa vụ nộp ngân sách.

Trong khi đó, tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức diễn ra khá phổ biến. Tình trạng số chi chuyển nguồn vẫn lớn, ngân sách địa phương có số kế dư lớn, theo ông Hiển, là chưa hợp lý trong bối cảnh ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi.

Hơn nữa, ông Hiển cũng lưu ý, chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành.

Dự toán và kết quả thực hiện ngân sách nhà nước có khoảng chênh lệch khá lớn. Đơn cử, dự toán giảm thu ngân sách nhưng thực tế vẫn vượt 16,6%, trong đó thu cân đối từ xuất nhập khẩu vượt 19,8%, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 13,4% so với dự toán….

Theo ông Hiển, đây là thực tế đã tồn tại nhiều năm, QH đã có ý kiến, nhưng việc khắc phục vẫn chậm. 

Phương Loan