Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12 vừa diễn ra hôm nay, các thành viên Chính phủ đã tổng kết quy chế làm việc của Chính phủ khóa 12 và chuẩn bị cơ cấu Chính phủ khóa 13.
Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo chiều nay (24/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, theo đánh giá của Thủ tướng, nhiệm kỳ vừa rồi, các thành viên Chính phủ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, nổi lên một số nội dung lớn.
Quốc hội vừa bỏ phiếu bầu Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Các thành viên Chính phủ đã làm việc trên tinh thần đoàn kết lẫn nhau.
Theo đánh giá, của Thủ tướng, chưa nhiệm kỳ nào lại đầy rẫy phức tạp, thách thức như nhiệm kỳ này. Chẳng hạn, lạm phát toàn cầu ảnh hưởng, rồi việc tổ chức các hoạt động chính trị xã hội như Đại hội Đảng, các cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND…
Các thành viên Chính phủ cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua là một nhiệm kỳ đầy thách thức nhưng các thành viên Chính phủ đã đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định về một số tồn tại. Chẳng hạn, chức năng nhiệm vụ ở một số bộ ngành chưa được phân công rõ, còn chống chéo.
Mặt khác, vấn đề dự báo kinh tế vĩ mô, quản lý đất đai, khoáng sản hoặc chủ động đối phó thiên tai, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính còn chưa đạt yêu cầu.
Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của báo chí suốt nhiệm kỳ vừa qua trong việc tạo đồng thuận xã hội. Chính phủ đánh giá cao trách nhiệm giải trình trước nhân dân của các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt là việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, nhất là Văn phòng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ cũng đã bàn về việc hoàn chỉnh bộ máy và cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ tới. “Số lượng các bộ ngành như thế nào, chúng tôi sẽ thông báo trước thời điểm trình ra kỳ họp Quốc hội hiện đang diễn ra”, ông Phúc nói.
Như đánh giá của Thủ tướng tại cuộc họp, Chính phủ khóa 13 cần làm tốt hơn việc phân định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tránh trùng dẫm, nhất là phải cải tiến, đổi mới mạnh mẽ công tác dự báo kinh tế - xã hội. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng cần chú trọng công tác cung cấp thông tin đến các tầng lớp nhân dân phải chủ động, nhanh nhạy, kịp thời, đầy đủ hơn.
-
Lê Nhung