Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay (24/7), ông Nguyễn Tiến Thoả, cục trưởng cục Quản lý giá, bộ Tài chính cho rằng rất khó đạt tới mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17%.
Còn theo Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lưu ý là tháng vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng cao hơn tháng trước: tăng 1,17%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do giá cả một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước tăng cao, nhất là các sản phẩm chăn nuôi.
|
Các thành viên Chính phủ chụp ảnh lưu niệm |
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khẩn trương tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi… bảo đảm đáp ứng nhu cầu, không để thiếu hàng, sốt hàng, giá thực phẩm tăng cao hoặc diễn biến bất thường. Chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai dịch bệnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí về nguyên nhân lạm phát tháng 7 tăng cao, ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng cục Quản lý giá, bộ Tài chính cho rằng, bởi hầu hết các nhóm hàng đều tăng nhưng cao nhất là thực phẩm kéo theo nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng.
“Ba tháng đầu năm có hiện tượng mua gom, mua vét lợn nhưng không lớn lắm. Bộ trưởng Cao Đức Phát công bố là chỉ có khoảng 20.000 con. Nhưng 3 tháng trong quý 2 vừa qua, đặc biệt tháng 7 thì hầu như không có chuyện đó mà lại xảy ra hiện tượng nhập lợn từ cửa khẩu về", ông Thoả cho biết.
Do từ nay đến cuối năm, tình hình còn nhiều tác động xấu nên việc kiên trì mục tiêu giữ mức lạm phát ở con số 17% là rất khó, ông Thỏa lý giải.
Nhận định này cũng trùng với nhận định của Ủy ban Kinh tế mới đây, khi thẩm tra báo cáo Chính phủ về kinh tế, xã hội, Ủy ban Kinh tế QH cũng đưa ra khuyến cáo là rất khó đạt tới mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17%.
- Lê Nhung