>> Xóa bao cấp tiền lương công chức
>> Muốn mua nhà: Nhịn... 21 năm không ăn uống
>> Muốn tăng lương công chức, phải cắt bớt những "kẻ ăn theo"

Lương công chức là một trong những điểm được thảo luận nhiều tại Hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng chương trình 10 năm tới, do Bộ Nội vụ và UNDP tổ chức hôm qua (6/10) ở Hải Phòng. 

Để công chức "đỡ tủi thân"

Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Vui mong làm rõ chính sách tiền lương và có chuyển biến, để công chức "đàng hoàng hơn, đỡ kém, đỡ yếu thế, đỡ tủi thân".

Cải cách hành chính không chỉ là cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: sggp.org.vn
Cải cách hành chính không chỉ là cải cách thủ tục hành chính.
Ảnh: VA

Liên quan đến một trong hai phương án nêu trong dự thảo chương trình CCHC cho 10 năm tới là năm 2015, tiền lương công chức sẽ ở mức trung bình khá của xã hội, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Trần Đại Khu thắc mắc "trung bình khá của xã hội là như thế nào?". Nếu dự kiến đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD thì "trung bình khá" có phải là hơn 3.000 USD hoặc 4.000 USD không?

Ông Khu cho rằng nếu không nêu cụ thể thì mục tiêu cũng "chỉ để đặt ra mà thôi".

Theo báo cáo tổng kết thực hiện cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010 của Bộ Nội vụ, một bộ phận cán bộ, công chức còn "thiếu trách nhiệm, chưa thạo việc, hạn chế về năng lực" hay "thiếu linh hoạt, máy móc", đặc biệt là "quan liêu, cửa quyền, hách dịch", thậm chí "suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân, của xã hội". Những hạn chế này đang là rào cản với tính công khai, minh bạch và hiệu quả của nền hành chính.

Vì vậy, cải cách con người được đặt là một trong những nội dung cơ bản của CCHC giai đoạn 2011-2020.

85% hài lòng - quá tham vọng?

Theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa, những mục tiêu đề ra từ năm 2001 chưa lường hết những khó khăn và còn hơi tham vọng, vì vậy vẫn còn nguyên giá trị trong 10 năm tới. 

"Những người có quyền quyết định cải cách triệt để chế độ tiền lương lại không sống bằng lương. Nên mới chỉ có những đợt cải tiến tiền lương chứ chưa có những cải cách thiết thân, sát sườn".

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên nói tại Diễn đàn Định hướng cải cách tiền lương công chức hôm 11/9

Ông Hòa nhấn mạnh dự thảo cho chương trình của 10 năm tới phải "ngắn gọn, súc tích, không dài dòng văn tự, không chung chung, xác định mục tiêu, kết quả phải định lượng chứ không chỉ định tính". Một trong những mục tiêu định lượng của CCHC 10 năm tới là "sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức 85% vào năm 2015".

 

Ông Trần Đại Khu e rằng mục tiêu này khó khả thi: "Với phần lớn dân số là ở vùng nông thôn, trong đó có vùng sâu, vùng xa, con số 85% là khó đạt được". Ông cho rằng mục tiêu này "để tuyên bố với quốc tế, với quốc dân đồng bào thì được", chứ không thực chất.

Chưa kể đến chất lượng người làm hành chính, ông Khu chia sẻ "không biết trong 5, 10 năm tới, chúng ta sẽ đào tạo cán bộ cấp xã như thế nào để có trình độ chuyên nghiệp về hành chính rất cao, nhưng với tốc độ này thì có tăng gấp 3 lần đào tạo, ở vùng sâu vùng xa cũng không thể đạt được mục tiêu này".

Không chỉ là cải cách thủ tục 

Báo cáo tổng kết chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến công tác CCHC chững lại là do sự chỉ đạo "chưa ngang tầm, chưa kiên quyết, chưa đồng đều và ráo riết" của Chính phủ.

Giai đoạn 2006 - 2010, Thủ tướng chưa chỉ đạo, điều hành toàn diện các mục tiêu và nội dung của CCHC mà chủ yếu thiên về cải cách thủ tục hành chính. Sự chỉ đạo "lệch trọng tâm" này dẫn đến công tác CCHC có phần đi xuống.

Ông Nguyễn Văn Vui chỉ ra: "Chương trình thì ghê gớm, to tát, xuống tới bộ chỉ còn hai người làm, thi thoảng mới có chữ ’cải cách’ trong đầu, không thành nếp vì còn kiêm nhiều nhiệm vụ khác, xuân thu nhị kỳ tập hợp báo cáo để gửi đi là coi như xong". Ông cũng lo ngại "cung cách làm kiểu phong trào này còn tiếp tục trong 10 năm tới thì không biết đến đâu?", nếu không thay đổi từ Chính phủ trở xuống.

Ông Phạm Huỳnh Công, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, thẳng thắn cho rằng sự chỉ đạo của Chính phủ là "không tập trung, không quan tâm". Ông phân tích, công văn số 915 của Thủ tướng đã giải tán các Ban chỉ đạo CCHC tại các bộ, ngành, địa phương, nhưng các lãnh đạo cơ quan được giao trách nhiệm này chỉ có thể bao quát một phần nhỏ trong rất nhiều nhiệm vụ của CCHC, dẫn đến sự "thiếu khâu nối, điều tiết", "các đơn vị tự làm với nhau, không làm thì thôi".

Chính vì vậy, theo ông Công, chúng ta "chỉ làm được một việc con con trong 69 việc là cải cách thủ tục hành chính"

Tuần tới, Bộ Nội vụ và UNDP tổ chức 2 cuộc hội thảo khác, lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cả nước có 1,6 triệu viên chức sự nghiệp. 370 nghìn công chức hành chính cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương đến cấp huyện. 300 nghìn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và công chức cấp  xã. Hưu trí 1,4 triệu người. Người có công 1,6 triệu.

Hàng năm, ngân sách chi khoảng 200.000 tỷ đồng trả tiền lương.

  • Thủy Chung