Vẫn với phong cách giản dị và lối nói hay đúc kết thành các chữ ngắn gọn, dễ hiểu, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã thẳng thắn chia sẻ với VietNamNet về nhiệm kỳ của mình trên cương vị Tư lệnh ngành thông tin – truyền thông.
Thủ lĩnh báo chí, thích nhất là biết nhiều
Trên cương vị Bộ trưởng suốt nhiệm kỳ vừa rồi, việc làm nào ông cho là đã để lại dấu ấn đáng kể nhất?
- 5 năm trên cương vị Bộ trưởng, tôi và các cộng sự đã làm được 25 việc lớn có dấu ấn. Tôi xin nhấn mạnh 4 việc ý nghĩa nhất.
Một là, sau 18 tháng kiên nhẫn chuẩn bị, chúng tôi đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Đề án xuyên suốt từ nay đến 2020. Thực hiện thành công sẽ góp phần nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế, làm tròn khát vọng của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với với các cường quốc năm châu.
Hai là xây dựng và bảo vệ thành công trước Chính phủ và QH Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Đây là Chương trình vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong tất cả những việc Nhà nước cần làm cho nông dân thì đưa thông tin để chuyển đổi nhận thức và hành động là quyết định.
Thứ ba là, với 4 năm trên cương vị Bộ trưởng tôi đã làm trưởng ban soạn thảo trình Quốc hội thông qua 4 dự án Luật chuyên ngành: Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, Luật Bưu chính và nhiều văn bản dưới Luật
Đây là công cụ pháp lý quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, đưa ngành Thông tin và Truyền thông phát triển nhanh, bền vững, góp phần đổi mới Đất nước thành công và hội nhập thắng lợi.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp |
Cuối cùng là bảo vệ và thông qua Thường trực Chính phủ “Quỹ bù đắp tiền lương”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để có nguồn lực chính đáng giữ, thu hút và động viên nhân tài hành động quyết liệt vì sự phát triển nhanh, sáng tạo, táo bạo và đúng hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong tương lai.
Khó khăn, thách thức lớn nhất của Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực truyền thông, báo chí và thông tin trong thời đại mới là gì? Còn những việc gì trong kế hoạch định làm nhưng chưa làm được còn khiến ông thấy day dứt?
- Khó khăn thách thức lớn nhất của người phụ trách lĩnh vực truyền thông, báo chí và thông tin trong thời đại mới là chịu nhiều áp lực.
Đưa thông tin sai một sự việc đúng thì thù hận suốt đời. Đưa thông tin đúng một sự việc sai thì ấm ức kéo dài.
Làm thủ lĩnh báo chí, thích nhất là biết nhiều. Lăn tăn nhất là những điều mình đã làm chưa tương xứng với những gì mình biết.
Việc tôi quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ của mình là thành lập và đưa vào hoạt động Trường ĐH Thông tin và Truyền thông QG. Nhưng thời gian ngắn, thủ tục rườm rà và khó khăn nhiều.
Tôi và các đồng nghiệp đã làm được 4 việc mở đầu quan trọng nhất. Đó là, báo cáo Thủ tướng sự cần thiết lập trường và được Thủ tướng Chính phủ thông báo có tên gọi: Trường ĐH Thông tin và Truyền thông quốc gia.
Sau đó là xây dựng đề án kêu gọi đầu tư, quy hoạch và chọn xong địa điểm xây dựng trường. Rồi tiếp cận và xin tài trợ 50 triệu USD vốn ODA của Hàn Quốc đã được Bạn và Chính phủ ta ưu tiên đưa vào kế hoạch tài chính năm 2013.
Cuối cùng là định hướng đào tạo cán bộ quản lý và giáo viên đầu đàn, yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của trường.
Từ 4 việc khởi động trên, tôi tin rằng Bộ trưởng kế nhiệm sẽ rất thuận lợi để triển khai thành công trong tương lai gần.
Món nợ với người làm báo
Bộ trưởng từng nói khi mới nhậm chức là sẽ tạo cho báo chí một lề đường và các nhà báo sẽ đi vào lề đường đó nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm điều gì về mục tiêu này sau một thời gian ở vị trí quản lý?
- Để báo chí tác nghiệp thông thoáng hơn, tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cơ quan tham mưu quyết tâm xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, đã chỉnh sửa đến 16 lần, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cao nhất thông qua.
Tuy vậy, những gì cần làm cho báo chí chủ động hơn tôi đã làm hết sức mình. Như: Cung cấp thông tin, trả lời những vấn đề nhạy cảm mà báo chí quan tâm, trả lời phỏng vấn, trả lời trực tuyến trong nước và quốc tế, định hướng dư luận xã hội, tập huấn, bồi dưỡng biên tập viên, phóng viên và tổ chức thi biên tập viên .v.v…
Tuy chưa thỏa mãn, nhưng đó cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận trong điều kiện có thể.
Một trong những mục tiêu Bộ trưởng đề ra ở đầu nhiệm kỳ là hoàn chỉnh và sửa đổi Luật báo chí để báo chí tự do hơn, nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý và tạo điều kiện hình thành các tập đoàn báo chí mạnh, nhưng đến nay Luật báo chí vẫn chưa được sửa. Bộ trưởng có thấy mình đang để lại một “món nợ” với những người làm báo? Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính vì sao Luật báo chí vẫn chưa được sửa đổi?
- Luật Báo chí (sửa đổi) chưa ban hành là một tồn tại của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu.
Lý do tôi đã đề cập một phần ở trên, đây là “món nợ” của tôi với những người làm báo. Mong đồng nghiệp thông cảm.
Tuy vậy, tôi cũng đã làm tờ trình đăng ký với Chính phủ và UBTVQH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa 13 là: Thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi) vào năm 2012; thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) vào 2013; thông qua Luật an toàn thông tin vào 2014.
Đó là một tin vui với các bạn đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ xuất bản và báo chí nước nhà.
Nhiễu thông tin: Có lúc tôi cũng là nạn nhân
Bộ trưởng từng nhiều lần phát biểu rằng trong thời đại thông tin sợ nhất hai điều là “nhiễu thông tin” và “thiếu thông tin”. Suốt nhiệm kỳ làm Bộ trưởng vừa qua, đã có trường hợp nào thông tin về ông bị nhiễu hay chưa? Nếu xảy ra chuyện thông tin về Bộ trưởng thất thiệt thì ông sẽ ứng xử với điều đó thế nào?
- Ví dụ về thông tin nhiễu thì có quá nhiều. Bản thân tôi cũng có lúc là nạn nhân của thông tin nhiễu.
Cuộc sống đang diễn ra quá phức tạp. Thực tiễn cho thấy cùng một con người, một sự việc, một hoàn cảnh vẫn có nhiều cách đưa thông tin khác nhau, vì dụng tâm và thiện chí của mỗi người khác nhau.
Thực tế, tình cảm khác nhau sẽ nói khác nhau. Nhận thức khác nhau sẽ nói khác nhau. Lợi ích khác nhau sẽ nói khác nhau. Đó là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong cơ chế thị trường.
Cái chính là mình phải nhận thức đúng mình và tin vào chính mình. Tôi cho rằng nói xấu một người chưa tốt, mình cũng chẳng tốt hơn. Nhưng nói xấu một người tốt thì mình sẽ xấu hơn nhiều.
Đúng như đồng chí Tô–đo Gip–cốp, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Bungari đã tổng kết: “Điều quí giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”.
Tôi luôn là người lạc quan, ít lời, nhất là khi phải nói về mình, bởi nguyên soái Zhukov (Liên Xô cũ) cho tôi một niềm tin: “Người ta có thể tìm mọi cách để xuyên tạc lịch sử, nhưng không ai có thể làm lại lịch sử. Dẫu sao, sự thật vẫn toàn thắng”.
Từ đó, điều mong muốn cao nhất của tôi là: Tính trung thực và hướng thiện của con người phải được đề cao. Một xã hội trung thực là một xã hội lành mạnh. Một đất nước hướng thiện là 1 đất nước nhân văn. Nhờ đó mà những người thủ đoạn, né tránh, hữu khuynh sẽ giảm dần. Tạo môi trường tốt cho những người trung thực, thẳng thắn có nhiều cơ hội cống hiến và trưởng thành.
Cấp nào chịu trách nhiệm, cấp đóphải được ra quyết định
Theo đánh giá của Bộ trưởng, những việc vừa qua ông chưa kịp làm hoặc làm mà chưa đạt kết quả như mong muốn có phải do quá thẩm quyền, quá sức của ông hay không? Do trong tầm tay mình, nhưng mình chưa giải quyết hay như một số bộ trưởng vẫn cho rằng, “quyền hạn thì hữu hạn mà trách nhiệm gần như vô hạn”. Theo Bộ trưởng, người kế nhiệm ông có cần trao nhiều quyền hơn không?
- Những việc mình muốn làm, so với những việc mình đã làm luôn luôn là một khoảng cách, vì cơ chế chính sách không đồng bộ, phải phối hợp và lệ thuộc quá nhiều.
Khuyết điểm chung của bộ máy công quyền chúng ta là chậm trễ, thậm chí là “chậm, chờ, chán, chạy”.
Một trong nhiều hướng cần khắc phục là phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới. Đây là đíều tôi mong muốn thay cho Bộ trưởng kế nhiệm.
Hai nguyên tắc cơ bản để tiến hành phân cấp là: Thứ nhất, cấp nào nhận đủ thông tin và chịu trách nhiệm trực tiếp nhất thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định.
Thứ hai, cấp nào hiểu cán bộ nhất thì để cấp đó ra quyết định. Tránh tình trạng một cấp rất hiểu cán bộ lại phải bẩm trình một cấp không hiểu cán bộ ra quyết định. Nên mới nảy sinh tiêu cực.
Phân cấp để đạt được 4 mục tiêu là giảm sự vụ cho cấp trên, tăng thực quyền, tự chủ và năng động cho cấp dưới. Thứ ba là đẩy tiến độ công việc nhanh hơn vì không phải chờ đợi. Cuối cùng là làm giảm phiền hà và tiêu cực hơn.
Cố nhiên phân cấp phải đi đôi với chọn người đứng đầu, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra để có tri thức, điều kiện và môi trường cho cán bộ được phân cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nếu sắp tới đây không còn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng thì ông sẽ chia sẻ gì với người kế nhiệm để người đó có thể đảm nhận công việc mới một cách tốt nhất?
- Một phần câu hỏi này, tôi đã đề cập ở trên.
Điều tôi muốn nhắn gửi với người kế nhiệm mình là: Tận tụy để cấp dưới thương; Gương mẫu để cấp dưới trọng; Dân chủ để cấp dưới dễ gần, dễ cung cấp thông tin; Sáng tạo để cấp dưới có việc làm và có thêm thu nhập chính đáng; Kỷ cương để người tốt có chỗ dựa và người xấu không dám chi phối, lộng hành.
Mong thế hệ sau kế thừa thành quả các thế hệ trước và thực thi trách nhiệm tốt hơn.
“Thương hiệu” riêng
Nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến "Bộ trưởng hay cho chữ", cụ thể là ở các hội nghị, cuộc gặp mặt, trả lời phỏng vấn, ông hay đúc kết vào một số từ, cụm từ rất dễ nhớ. Như mấy cụm từ ông vừa nói ở trên. Hình như ở đất học Nghệ An người ta hay nói chữ?
- Tôi hay tổng kết thành ít chữ để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Cũng có người thích, cũng có người chê.
Với tôi nếu thấy có ích thì làm, đúng thì làm bằng được, không lùi bước. Tôi không bao giờ tự phủ nhận mình và đánh mất những gì mình có, như là dấu ấn, tính cách và thương hiệu của riêng mình.
Người Nghệ An có đặc điểm tình đồng hương rất cao. Chữ "tình" này đã theo ông ra Trung ương như thế nào? Ông xử lý ra sao?
- Tôi luôn sống hết mình với quê hương và mong quê hương hiểu hết công sức của mình. Đối với tôi quê hương không chỉ là “chùm khế ngọt, khó khăn nhảy vọt khắp nơi” mà quê hương là dòng sữa mẹ, chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai. Quê hương là mối tình dài mà không bao giờ phai nhạt.
Tới đây nếu rời ghế Bộ trưởng, ông có kế hoạch cá nhân gì không? Ông tự nhận định thế nào về mình?
- Rời ghế Bộ trưởng tôi đã xác định phương châm sống cho mình là: 2 quên, 2 nhớ, 1 có.
Đó là: Quên tuổi tác, quên bệnh tật. Nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp chí cốt với mình. Tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tôi coi đây là cơ hội tốt để có điểu kiện làm tốt hơn những việc mình thích và chăm lo cho bản thân, gia đình và bạn hữu nhiều hơn sau 43 năm liên tục công tác và 41 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Theo tôi trong cuộc sống có chức danh, con đường duy nhất để tự thanh thản với chính mình là: Phấn đấu nhìn lên, hưởng thụ nhìn xuống.
Lên chức hay nhất là bị động, thôi chức tốt nhất là chủ động. Suy đến cùng: Lương là của vợ. Nhà là của con. Sức khỏe là của mình. Địa vị là tạm thời. Vẻ vang là quá khứ. Mọi chức danh đều có hạn định. Mọi vinh quang đều có điểm dừng. Mọi cuộc vui đều đến lúc chia tay.
Điều quan trọng nhất là trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất, phong độ và tín nhiệm của mình như thế nào trong lòng anh em, đồng nghiệp, đồng đội và bạn hữu. Với tôi, điều này tôi tin là đã được khẳng định. Bởi: Tâm, Trí, Tín, Tình ai trọn, ai vơi đã được cân đong trong lòng đồng đội.
Xin gửi đến bạn đọc VietnamNet lời chào trân trọng!
- Xin cảm ơn bộ trưởng!
Lê Nhung (thực hiện)