- Hiến pháp chính là biểu hiện bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta, nay trong cuộc sống có yêu cầu, QH cần cân nhắc đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật hoặc chương trình chuẩn bị của năm 2012 - ĐBQH đề xuất trong buổi thảo luận tại hội trường đầu tiên của Quốc hội khóa mới chiều 3/8.
Dự án Luật Biển: tháng
10/2011
Với nhận định thời gian qua, công tác xây dựng luật của QH vẫn còn tình trạng “dễ làm khó bỏ’, nhiều dự luật "đưa vào rồi lại rút ra", các đại biểu đã chỉ ra một loạt dự luật quan trọng cần ưu tiên làm sớm để kịp điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
ĐB Dương Trung Quốc tán thành ý kiến của UB Thường vụ QH rằng “chậm Luật biển là một thiếu sót” và đánh giá cao việc Chính phủ chủ động đề xuất sớm đưa dự luật này vào để QH thông qua.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tin tưởng Luật Biển sẽ là cơ sở pháp lý góp phần giải quyết tình hình Biển Đông đang dậy sóng hiện nay. “Đây là vấn đề cử tri cả nước hết sức quan tâm, QH đưa vào thông qua tại kỳ họp thứ 2, tuy có chậm nhưng cho thấy một sự quyết liệt”, ông Phong nói.
Luật Biểu tình cũng được các đại biểu tha thiết yêu cầu đưa sớm vào chương trình làm luật của QH.
ĐB Dương Trung Quốc chỉ ra “do những mối quan hệ trong sự phát triển của đất nước dẫn đến hiện tượng là người dân muốn bày tỏ chính kiến một cách có tổ chức và đúng luật, nhưng gặp khó khăn, cũng là khó khăn của chính các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan đảm bảo an ninh trật tự xã hội, là không có luật điều chỉnh, dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của người dân”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng nhận định trong đổi mới chính trị, bên cạnh yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, cuộc sống cũng đề ra nhiều vấn đề mà nếu chậm có luật điều chỉnh sẽ gây ra ách tắc, cản trở.
Ông Quốc phân tích “không phải ngẫu nhiên mà trước khi thông qua Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh về quyền biểu tình, chỉ rõ biểu tình là một trong những quyền cơ bản của con người”.
“Sắc lệnh ấy đã huy động được quần chúng nhân dân đứng đằng sau nhà nước cách mạng để vượt qua rất nhiều những khó khăn thử thách của lịch sử”, ĐBQH cũng là nhà sử học nói. “Thời đại có thể thay đổi, nhưng quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến một cách có tổ chức, có mục tiêu chính đáng vẫn là cơ sở để nhà nước bảo vệ được trật tự an ninh xã hội cũng như quyền công dân”.
Ông Nghĩa thì chỉ ra trong Hiến pháp 1992, chương 5 đã quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. “Từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã đưa vào cuộc sống một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa được luật hóa để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng những quy định này trong Hiến pháp chính là biểu hiện bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta, nay trong cuộc sống có yêu cầu, QH cần cân nhắc đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật hoặc chương trình chuẩn bị của năm 2012.
Theo ông Nghĩa, cũng là một luật sư, QH không nên ngại vì đã có kinh nghiệm tốt là Luật đình công. “Chỉ cần chúng ta mạnh dạn”, ông Nghĩa nói. “Đến nay vấn đề đình công đã có hành lang pháp lý điều chỉnh, quốc tế nhìn vào cũng thấy ta nghiêm túc thực hiện các công ước quốc tế, tôn trọng quyền của người lao động”.
Luật Thủ đô: Chuẩn bị không khá hơn thì chưa nên trình
Một trong những dự luật gây tranh cãi nhất từ trước đến nay - Luật Thủ đô - lại bị đề nghị lùi lại.
Chính phủ đề xuất tiếp tục trình dự luật này để QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012), tuy nhiên có nhiều ý kiến không ủng hộ.
Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh thấy “Luật Thủ đô rất cần thiết song nếu lần này trình ra QH chất lượng chuẩn bị không khá hơn so với lần trước thì không nên trình”.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, Luật Thủ đô được đưa ra bàn thảo nhiều lần mà vẫn chưa được thông qua chính là do luật này chưa có nền tảng, hạ tầng là Luật đô thị.
“Thủ đô dù có đặc thù gì thì cũng là một đô thị phát triển với những đặc thù của riêng mình. Tôi hoan nghênh việc tiếp tục bàn thảo Luật Thủ đô, nhưng không thể làm Luật Thủ đô trước Luật Đô thị, trong khi Luật Đô thị lại bị bố trí rất xa, không nằm trong chương trình chính”, ông Quốc nói.
Ông Quốc đề nghị QH cố gắng hoặc xem xét song hành hai dự luật, hoặc đưa Luật Thủ đô thành một phần của Luật Đô thị.
ĐB Trần Du Lịch cũng đồng tình đưa Luật Đô thị vào chương trình chính. “Luật Thủ đô có mặt liên quan đến đô thị, mặt về địa vị chính trị và pháp lý của thủ đô thì nằm trong luật tổ chức các chính quyền địa phương sẽ có trong tương lai”, ông Lịch nói.
Nhiều dự luật khác cũng được các ĐB đề nghị đưa vào chương trình chính thức hoặc đẩy lên sớm: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Quy hoạch...
Tại phiên bế mạc kỳ họp ngày 6/8, QH sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Thủy Chung