- Thảo luận ở tổ sáng 4/8 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu QH lo lắng việc DNNN "làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần tăng giá lại báo lỗ".

Tăng giá ở chỗ nhạy cảm

Trong khi đánh giá Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều đại biểu QH vẫn lo ngại về lạm phát.

Thực tế, chúng ta đã làm khá quyết liệt, nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà nói. Việc tăng giá lại ở những chỗ nhạy cảm: nông sản, thực phẩm…

ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Tập đoàn lãi hay lỗ?
Với cùng một số tiền, tháng 6 năm ngoái có thể mua được một cân thịt lợn thì đến thời điểm này, chỉ còn được hơn nửa cân thịt, ĐB Trần Quang Chiểu, thành viên UB Tài chính - Ngân sách của QH dẫn chứng.

Điều này, theo ông Chiểu, cần hết sức chú ý quản cho chặt, vì gắn với an sinh và đời sống người dân.

Nghị quyết 11 được thế giới đánh giá cao nhưng thực tế lạm phát vẫn gia tăng, nhập siêu vẫn cao và ngân sách vẫn bội chi. Do vậy, cần nghiên cứu thấu đáo các giải pháp của Chính phủ trong những tháng cuối năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.

Theo đại biểu phân tích, lạm phát Việt Nam có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta phải tập trung khắc phục, nhất là khả năng dự báo tình hình hạn chế.

Vì dự báo không chuẩn, dẫn đến tình trạng như ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) nêu, mục tiêu đề ra không thực tế, chỉ tiêu tăng trưởng đề ra “không thể thực hiện được”.

Bên cạnh đó, theo TS Ngân, từ khu vực sản xuất đến tay người tiêu dùng, nhiều mặt hàng tăng giá gấp 3 lần, chứng tỏ khâu lưu thông phân phối đã bị buông lỏng.

Vừa nhận chiếc ghế nóng lo chuyện ngân sách, tiền bạc quốc gia, vị Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, việc tăng giá của Việt Nam nhiều khi yếu tố tâm lí, đầu cơ còn vượt trên các yếu tố kinh tế. Vì thế, các giải pháp càng cần phải quyết liệt, tập trung.

Hiện nay chúng ta chủ trương thắt chặt tài khóa - tiền tệ, thế nhưng, ngay đầu năm 2011, lại cho tăng giá một số mặt hàng, tăng lãi suất… Vì thế, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm bước đi, lộ trình thực hiện.

Theo ông Vương Đình Huệ, để chống lạm phát, chính sách tiền tệ phải đi trước, tiên phong và chủ lực. Trong khi đó, chính sách tài khóa là chất dẫn thuốc, là kẹo ngọt để giảm vị đắng cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải lưu ý, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cần tới sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chung tay cùng với Chính phủ chứ mọi vấn đề không thể giải quyết chỉ từ Trung ương được.

"Không phải họ cứ kêu là được"

Nền kinh tế hiện nay như một người bệnh vừa cần được uống thuốc trị bệnh, vừa cần được bồi bổ sức khỏe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví von. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc “liều lượng điều hành”.

“Kém hiệu quả - lãng phí - tham nhũng là 3 căn bệnh lớn khiến nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, nhất là khi bên ngoài nóng lạnh thất thường”.

Bàn về các giải pháp của Chính phủ, từ kinh nghiệm thực tế ở các địa phương, các đại biểu lo tư duy cào bằng trong gói giải pháp hỗ trợ lẫn cắt giảm đầu tư công.

Phó đoàn ĐB Bạc Liêu, Nguyễn Hồng Thoại cho rằng đang có chuyện cắt giảm đầu tư hàng loạt. Có những dự án địa phương rất cần, vừa triển khai nhưng buộc phải cắt giảm, làm ảnh hưởng đến phát triển lâu dài.

“Thắt chặt đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là đúng, nhưng phải cân nhắc ở mức độ nào. Nếu thắt chặt quá lại gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân”, ĐB Nguyễn Quốc Cường, Bắc Giang khuyến nghị.

“Cũng là giãn hoãn các công trình đầu tư công, nhưng không nên dàn đều, tập trung cho những công trình gần hoàn thành, 80-90% rồi, nếu hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, ĐB Đinh Thế Huynh nói. “Nếu dàn đều, tất cả sẽ dở dang, không công trình nào đưa vào phục vụ quốc kế dân sinh được”.

ĐB Trần Quang Chiểu, Nam Định lưu ý, chính sách điều hành sắp tới phải chọn lọc, thận trọng, không nên cào bằng. Hiện nay, ông Chiểu cho rằng, có cảm giác, tất cả các ngân hàng thương mại đang được chia một chỉ tiêu dư nợ tín dụng như nhau. Việc điều hành máy móc, dàn đều khiến sản xuất đình trệ…

Chính sách tiền tệ siết là đúng, nhưng siết quá cũng như cho uống thuốc quá liều, bệnh dứt nhưng cơ thể không khỏe lại được, ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Chuyện hỗ trợ cho DN sắp tới cũng như vậy. Đơn cử chính sách miễn giảm, giãn thuế cho DN kinh doanh chứng khoán, ông Chiểu cho rằng, ta cân nhắc, nhưng phải xem, lúc trước, bao nhiêu người nhờ chứng khoán trở thành tỉ phú, triệu phú đôla, mà ngân sách thu được bao nhiêu? DN sản xuất chưa thấy ai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trong khi toàn những người giàu lên nhờ chứng khoán, bất động sản.

Việc hỗ trợ cần phải cân nhắc thận trọng, "không phải họ cứ kêu là được”, ông Chiểu nói.

DNNN: Không thể mãi vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Một mối lo khác của các đại biểu là khối DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nói Quốc hội đã thảo luận và có hai cuộc giám sát lớn, nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều.

Ông đơn cử kì họp Quốc hội nào, có tập đoàn cũng báo cáo lỗ, nhưng khi cổ phần hoá lại báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng.

Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả? Đây cũng là băn khoăn của tân Bộ trưởng Tài chính, với ngành điện và Petrolimex, mà ông đang yêu cầu báo cáo thêm thông tin.

“Cứ điều hành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cứ lỏng lẻo như thế này thì các ông ý làm mình làm mẩy, cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ, cần tăng giá lại báo lỗ”, ĐB Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền lại trăn trở, mô hình quản lý DNNN cho thí điểm mà thí điểm thì khung pháp lý lỏng, cho phép vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên mới có vấn đề như Vinashin.

Ông Quyền cho hay, theo thông tin từ UB Kiểm tra Trung ương, có những đơn vị trong tập đoàn này có triệu chứng như Vinashin.

“Đã đến lúc khung pháp lý về DNNN phải tổng kết để xem có tiếp tục duy trì DNNN không và nâng khung pháp lý thành luật”, ông Hùng khuyến nghị. “Không thể thí điểm mãi được”, nếu muốn tránh có những Vinashin phẩy.

Phương Loan - Thủy Chung


Tân Bộ trưởng Tài chính muốn minh bạch giá cả, lỗ lãi
Với kinh nghiệm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ minh bạch hơn.