Thái Lan đang đón chào một nữ Thủ
tướng đầu tiên trong lịch sử. Yingluck Shinawatra và Đảng Pheu Thai đang thành
lập một chính phủ liên minh dù phải mất cả tháng để cấu trúc nên các bộ và những
chính sách của liên minh.
Dưới đây là bài viết của Pongphisoot Busbarat, nhà
nghiên cứu tại khoa Thay đổi chính trị và xã hội, đại học Quốc gia
Australia:
Pheu Thai có thể sẽ từ bỏ ghế trong một số bộ, nhưng rõ ràng là giữ chắc ghế ở các Bộ An ninh và Ngoại giao. Trong một cuộc họp báo, bà Yingluck Shinawatra tuyên bố, khôi phục quan hệ đối ngoại của Thái Lan sẽ nằm trong số những ưu tiên lập tức của chính phủ mới.
Thái Lan đang đón chào nữ Thủ
tướng đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: AP
Mặc dù Yingluck không đưa ra nhiều bình luận về chương trình nghị sự cho chính sách đối ngoại, nhưng các định hướng của nó có thể suy diễn được từ phác thảo chính sách mà bà đưa ra trước cuộc bầu cử mang tên “Tầm nhìn Thái Lan 2020”. Chính sách này cho thấy, chính phủ mới dường như theo đuổi nỗ lực nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Thái Lan trong trường quốc tế. Nó làm tái sinh mong muốn của Thái Lan khi trở thành một trung tâm khu vực của rất nhiều hoạt động như hàng không, tài chính, y tế và sản xuất lương thực.
Tầm nhìn chính sách này được cho là tương đồng với chính sách đối ngoại của anh trai bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, trong thời kỳ đảm nhận cương vị Thủ tướng Thái. Ông thúc đẩy vai trò của Thái Lan trong khu vực thông qua việc tạo lập một chiến lược kép dựa trên các diễn đàn khu vực và hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương. Bà Yingluck nhấn mạnh rằng “có quá nhiều công việc khó khăn phía trước”, khi kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy đảng của bà giành ưu thế đa số.
Ở tầm khu vực, Yingluck sẽ cần khôi phục vai trò của Thái Lan trong ASEAN và xa hơn nữa, vốn bị sụt giảm kể từ cuộc đảo chính năm 2006. Một động thái như vậy chỉ có thể thực thi nếu các vấn đề của Thái Lan với Campuchia được giải quyết một cách hữu nghị và kèm theo đó là các nguyên tắc dân chủ trong nước được minh chứng.
Chưa rõ là Yingluck sẽ làm thế nào để ổn định quan hệ Thái Lan - Campuchia. Có cơ hội tốt để bà có thể đảo ngược một số quyết định của người tiền nhiệm, Abhisit Vejjajiva, ví dụ như việc Thái Lan rút khỏi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. Bà có thể xem xét việc ủng hộ cùng quản lý đền Preah Vihear. Thách thức chính với bà là tìm ra con đường để nối lại các cuộc đàm phán song phương với Campuchia trong vấn đề quản lý biên giới mà không vấp phải sự phản đối của các nhóm bảo thủ.
Là Thủ tướng, Yingluck có thể sử dụng vị trí của mình để khôi phục vị thế của Thái Lan như một nước ủng hộ dân chủ trong khu vực. Tuy nhiên, bà sẽ phải đối mặt với những phức tạp khác trong quan hệ của Thái Lan với Myanmar.
Với sự tham gia của Mỹ vào phát triển dân chủ khu vực, thì nền dân chủ ổn định của Thái Lan sẽ là mối quan tâm. Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á và là đồng minh lâu dài của Washington, Mỹ sẽ cần giữ cho Thái Lan đi đúng hướng. Các tiếp cận của Mỹ với chính trị Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2006 được coi là cách phụ thuộc vào phương pháp can thiệp, ví dụ trong trường hợp cuộc gặp giữa trợ lý ngoại trưởng Mỹ với các lãnh đạo phe Áo đỏ tháng 5/2010. Chiến dịch dân chủ của Yingluck sẽ chắc chắn thu hút sự can dự của Mỹ vào việc củng cố dân chủ của Thái Lan.
Cùng lúc đó, tầm nhìn của Yingluck với Thái Lan, khó tránh khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước này cũng như khu vực. Bà muốn đạt được mục tiêu cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của Thái Lan bằng cách phát triển các khu vực đô thị tỉnh, cũng như mạng lưới đường sắt nội địa. Chính sách này có vẻ ăn khớp với kế hoạch của Trung Quốc nhằm mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc tới Đông Nam Á.
Sự gia tăng hiện diện của cả Trung Quốc và Mỹ còn có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh, giành giật quyền lực. Thái Lan cần nuôi dưỡng quan hệ với cả hai cường quốc này, và sẽ cần đạt được sự cân bằng. Đó là sứ mệnh khó khăn.
Các thách thức đặt ra sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của Yingluck ở vị trí người quản lý các quan hệ đối ngoại Thái Lan. Thái Lan cần xây dựng một chính sách đối ngoại rõ ràng và đa dạng để đối phó với những thách thức ấy. Nước này cũng cần một vị ngoại trưởng không chỉ biết cách làm thế nào bán hàng hóa Thái Lan mà còn hiểu sự nhạy cảm của các vấn đề chính trị nội địa trong chính sách đối ngoại Thái, và sự phức tạp của môi trường chính trị - kinh tế khu vực.
Thái An (theo
thejakartaglobe)