- Với dân, không cần sự tế nhị mà cần tin cậy, thẳng thắn... Đừng tạo những khoảng cách không đáng có giữa Chính phủ với dân, ĐB Dương Trung Quốc nói trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 6/8.

Nhiều đại biểu đã dành buổi sáng cuối cùng của kỳ họp để phân tích thực trạng kinh tế Việt Nam và đặt câu hỏi về điều hành của Chính phủ. Bao nhiêu phần trăm những bất ổn kinh tế là do yếu tố khách quan, bao nhiêu phần trăm từ chủ quan nền kinh tế và sai sót trong điều hành.

Giữ bằng được chủ quyền kinh tế

Chuyển sang nền kinh tế thị trường mới hơn 20 năm, sai sót là không tránh khỏi, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) nói. Việc điều hành kinh tế như người đi trên dây.

Chính phủ cần tổng kết ưu điểm, hạn chế trong điều hành thời gian qua, rút bài học cho thời gian tới. Như chuyện lạm phát, báo cáo Chính phủ nêu có nguyên nhân từ gói kích thích kinh tế. Cụ thể như thế nào? Do chủ trương hay điều hành?

Nhiều đại biểu lo lắng mức độ phụ thuộc của nền kinh tế
Sau lạm phát năm 2008 lại đến suy giảm 2009, tác động dễ thấy là do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng liệu có nguyên nhân từ những chính sách chống lạm phát trước đó không? Bởi CPI 3 tháng cuối 2008 âm. Giá cả giảm đột ngột có tốt không vì đi đôi với CPI như vậy là GDP tháng 1/2010 thấp hơn nhiều so với năm trước đó. Hiện nay, chỉ số giá chưa giảm nhưng tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.

ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) thì lo dự báo của Việt Nam vẫn yếu. Việc lập kế hoạch vẫn theo kiểu kinh tế tập trung, chỉ có một phương án. "Cần nhiều phương án cho nhiều tình huống, với giải pháp thích hợp".

Một lo lắng nữa của các đại biểu, đó là mức độ phụ thuộc của nền kinh tế.

Không giải quyết được những vấn đề như nhập siêu - nhất là từ Trung Quốc, nợ nước ngoài, kinh tế Việt Nam sẽ bị lệ thuộc lớn vào nước ngoài. Cần làm rõ kinh tế Việt Nam có lành mạnh không, có lệ thuộc không.

"Muốn giữ chủ quyền chính trị phải giữ được chủ quyền kinh tế", ĐB Dương Trung Quốc lưu ý.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận nhập siêu lớn, nhưng nói nhập khẩu là cần thiết. Trong tỷ trọng nhập khẩu, 93% là máy móc, nguyên vật liệu. Hàng tiêu dùng chưa đến 7%.

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, giảm dần nhập siêu. Năm 2007: 18 tỉ USD, 2008: 14 tỉ, 2009: 12,9 tỉ, 2010: 12,6 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay  là 6,4 tỷ USD.

Vấn đề theo Bộ trưởng Hoàng là tâm lý chuộng hàng ngoại ở người tiêu dùng. "Việt Nam là nước thu nhập thấp nhưng ô tô, điện thoại sang nhất đều có cả".

Học Bác trong ứng xử với dân

Bên cạnh mối lo kinh tế, theo ĐB Dương Trung Quốc, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xã hội, nhất là lòng tin của dân.

Việt Nam có truyền thống đồng thuận giữa dân và Nhà nước, phải giữ điều đó.

ĐB Dương Trung Quốc: Nếu nói với dân, chỉ có tốt
Vấn đề Biển Đông được ông Quốc đưa ra để nói đến việc chưa thực quan tâm đến lòng tin của dân.

Tranh chấp, đe dọa, không ổn định trên biển được cả thế giới quan tâm. Báo cáo Chính phủ có đề cập nhưng chưa nêu đúng mức.

"Không thổi phồng, kích động, gây hoang mang, nhưng chúng ta cũng không thể xem là bình thường được. Cần nêu vấn đề ở đúng tầm mức của nó, để nhân dân tin tưởng, thông suốt", ông Quốc nói.

ĐB Quốc lưu ý, không thể chỉ quan tâm đến bàn hội nghị mà không quan tâm đến lòng dân.

Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong phiên họp kín, không có thảo luận trong gần 1 tiếng, theo ông Quốc, "nếu nói với dân, chỉ có tốt".

"Dân tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm, làm sáng tỏ những băn khoăn của dân, sự ủng hộ của dân được huy động đầy đủ và hiệu quả".

Ông nhấn mạnh, cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân, không cần sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng trong ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong nội giao. Đừng tạo những khoảng cách, cảnh giác không đáng có giữa Chính phủ với dân.

Ông Quốc cũng nhắc lại sự kiện cách đây 65 năm, trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nước cờ táo bạo: ký Hiệp định sơ bộ 6/3. Dân chưa hiểu, thắc mắc, hoang mang, chính quyền cách mạng tổ chức cả một cuộc biểu tình hàng vạn người tham gia ở quảng trường Nhà hát Lớn. Đủ biết dân quan tâm đến việc nước như thế nào. Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp giải thích trước dân mấy tiếng đồng hồ. Chủ tịch nước đứng trước toàn dân nói: Đồng bào hãy tin tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước.

Chúng ta phải "học Bác trong ứng xử với dân, khi vận nước khó khăn".

"Tại sao phải là ĐBQH mới được dự phiên họp kín mới được biết, còn dân thì không được biết?".

Theo ông, QH "nên có hành động, không phải nghị quyết riêng thì trong nghị quyết chung của kỳ họp, nói rõ quan điểm, lập trường, sự ủng hộ của QH với Chính phủ, mang hiệu quả tích cực trong sự đồng thuận của dân".

     Không dùng vốn nhà nước để vận chuyển bô-xít

Ông Trần Xuân Hòa, TGĐ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khẳng định sẽ không dùng vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho việc vận chuyển bô-xít ở hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Tập đoàn sẽ giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện, trên cơ sở đảm bảo hai nguyên tắc: chủ phương tiện chấp hành pháp luật như về tải trọng xe, nộp phí, và có giá cả cạnh tranh.

Sau khi có ý kiến của Đồng Nai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải triệu tập nhiều cuộc họp, gần nhất là 2/8. Tiếp tục chỉ đạo Bộ GTVT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 theo hình thức BOT, tỉnh lộ thì giao Bộ GTVT, Cục Giao thông đường bộ và Tập đoàn phối hợp khảo sát, tính toán lập phương án vận chuyển, báo cáo Phó Thủ tướng trước 15/8. 

Phương Loan - Ảnh: Lê Anh Dũng

Để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước
Mong Chính phủ sớm tạo các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển... - ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói.

"Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước"
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nhận định các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội thời gian qua là mang tính chất yêu nước.
 
Sửa Hiến pháp: Giải mã 'quyền lực nhà nước thuộc về dân'
Thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và lập UB dự thảo sửa đổi, các ĐBQH đề nghị làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".