- Trong khi người tiền nhiệm Nguyễn Quốc Triệu nói ông thấy 'nhẹ nhõm', nữ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không đưa ra lời hứa nào ở lễ bàn giao công tác chiều nay (8/8).

Bộ Y tế đã tổ chức lễ trao Huân chương lao động hạng nhất cho ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Y tế khóa 12 (2007-2011) đồng thời tổ chức lễ bàn giao công tác nhiệm kỳ 12 cho nhiệm kỳ 13 (2011-2016), với sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
'Như anh nông dân cày xong thửa ruộng'
Phát biểu tại lễ bàn giao, Bộ trưởng y tế khóa 12 Nguyễn Quốc Triệu cho biết ông rất vui trước những đánh giá cao của Đảng, Nhà nước dành cho ngành y tế và khẳng định việc chuyển giao nhiệm kỳ là chuyện "bình thường, theo quy luật của tạo hóa".

Bộ trưởng Y tế khóa 12 ký bàn giao công việc cho người kế nhiệm

Vì thế, kết thúc nhiệm kỳ, ông Triệu cho biết ông cảm thấy "nhẹ nhõm", "vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng". Tuy xác định là vậy nhưng ông vẫn nhấn mạnh sự chuyển giao sẽ khiến người ta có cảm giác khó quen nên cũng không tránh khỏi những giây phút "bâng khuâng".

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Triệu, thuận lợi lớn trong nhiệm kỳ này là tân Bộ trưởng từng là Thứ trưởng của Bộ. Do đó, mọi công việc thời gian qua đều có sự tham gia của Bộ trưởng cũ và Bộ trưởng mới. Tất cả các quyết định được đưa ra trong nhiệm kỳ 12 đều có sự đồng thuận cao.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Nguyễn Quốc Triệu sẽ đảm nhận vị trí Trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương. Sắp tới, có thể ông sẽ còn nhận thêm một vài nhiệm vụ khác và sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến cho những vấn đề mà Bộ Y tế cần giải quyết.

Toàn bộ các văn bản liên quan đến công việc của toàn ngành trong nhiệm kỳ 12 được "đóng gói" cẩn thận trước khi trao cho tân Bộ trưởng

Không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành

Tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi tiếp nhận nhiệm vụ mới đã khẳng định: "Đối với ngành y tế, có những nhiệm vụ có thể giải quyết dứt điểm ngay trong một nhiệm kỳ nhưng có rất nhiều nhiệm vụ phải mất đến mấy thập kỷ có lẽ mới giải quyết được".

Bà cũng nêu 5 thách thức "khó có thể giải quyết trong một nhiệm kỳ", đó là: Tình trạng quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải; Vấn đề tự chủ, đổi mới cơ chế tài chính y tế, giao quyền tự chủ và đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, trong đó y tế công lập là chủ đạo; Vấn đề bảo hiểm y tế tiếp tục được triển khai khoa học, mạnh mẽ, sâu rộng; Phát triển tốt y tế cơ sở làm xương sống cho hệ thống y tế Việt Nam. Cuối cùng là vấn đề nhân lực y tế (hiện đang có nhiều bất cập).

Trao đổi với VietNamNet bên lề buổi lễ chuyển giao, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết vì những đặc thù như trên nên bà không đưa ra lời hứa nào trong nhiệm kỳ 13 nhưng bà cùng các cộng sự sẽ cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề nóng bỏng, bức xúc hiện tại. Đó là vấn đề quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải, y đức của thầy thuốc, đổi mới cơ chế tài chính của các bệnh viện, trong đó mấu chốt là viện phí cần phải được tính đúng tính đủ, tạo điều kiện thực thi công bằng trong y tế.

Tân Bộ trưởng cho biết việc cần làm ngay trước mắt là kiểm soát tình hình phức tạp của các loại dịch bệnh trên cả nước (tay chân miệng đang bùng phát và khó kiểm soát, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam; dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa và có dấu hiệu gia tăng…).

Trước khi buổi lễ chuyển giao công tác nhiệm kỳ chính thức diễn ra, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng khi chủ trì hội thảo Nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức y học tại Hải Dương sáng 7/8. Tại đây, bà nhấn mạnh: "Cần có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành".

Cẩm Quyên


Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi
Thủ tướng nào cũng muốn có một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực, trình độ để tham mưu cho mình và để có một chính phủ mạnh...

Làm bộ trưởng vừa khó vừa dễ
Muốn trở thành bộ trưởng, hai trong số tiêu chuẩn phải đáp ứng: là ủy viên TƯ và kinh qua vị trí lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh. Điều này đã loại đi khá nhiều người có năng lực thực sự, đủ sức làm bộ trưởng.
Trao thực quyền cho bộ trưởng
Cần đánh giá định kỳ hiệu quả điều hành của các bộ trưởng, nhưng muốn vậy, họ phải được trao quyền thực và ngân sách thực - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Nguyễn Đức Chiến nói.