Thiếu tướng Vũ Hùng Vương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ công an) trao đổi với PV sau công bố của một tổ chức quốc tế về tham nhũng tại Việt Nam.

Tổ chức minh bạch quốc tế dẫn kết quả khảo sát khẳng định có tới 62% người dân cho rằng tham nhũng đang gia tăng ở Việt Nam trong 3 năm qua. Nếu chấp nhận con số này, có nghĩa là cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang rất hình thức, thưa ông?

Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng vừa diễn ra đã khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Trong 4 năm qua, cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 39 trường hợp.

Hội nghị lần thứ 13, BCH TƯ đã xem xét và ra quyết định kỷ luật đối với 18 cán bộ và tướng lĩnh cao cấp, trong đó có không ít các trường hợp liên quan tới tham nhũng.

Riêng năm 2010, lực lượng cảnh sát đã điều tra, xử lý hình sự 10.690 vụ vi phạm pháp luật bằng kinh tế, trong đó có 238 vụ án tham nhũng. Tất cả những đánh giá và những việc làm đó cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cuộc chiến chống tham nhũng đã có những thành tựu đáng kể.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ (trái) - nguyên PGĐ Sở Giao thông bị phạt tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Ảnh: TT&VH

Nhưng thưa ông, Tổ chức minh bạch quốc tế vẫn dựa vào ý kiến người dân để nói "tham nhũng đang có chiều hướng tăng ở VN"?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế.

Tôi không hiểu họ điều tra thế nào và căn cứ vào cái gì để đưa ra đánh giá đó. Nhìn nhận từ các con số cho thấy việc xử lý được nhiều cá nhân, nhiều vụ việc tham nhũng hơn đang chứng tỏ cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đang được thực hiện rất nghiêm túc, chứ không phải là tham nhũng đang có chiều hướng tăng. Việc người dân tin tưởng mạnh mẽ vào quyết tâm của các thể chế chính trị như Đảng, Quốc hội... thì không thể có chuyện họ cho rằng "tham nhũng đang gia tăng".

Có một chi tiết liên quan đến lực lượng cảnh sát. Tổ chức minh bạch quốc tế đưa ra nhận định đây là lực lượng tham nhũng nhiều nhất?

Tỉ trọng các vụ tham nhũng liên quan đến lực lượng cảnh sát không lớn. Có vẻ như những ấn tượng không hay về một số trường hợp cảnh sát vòi vĩnh đã làm cho những nhìn nhận đánh giá là không khách quan và thiếu chính xác. Bởi đôi khi "cảm nhận" về tham nhũng không hoàn toàn là sự thật. Hơn nữa việc điều tra dư luận bên ngoài, thậm chí lấy vài vụ tư lợi cá nhân, không phải là hành vi tham nhũng, của một số cán bộ chiến sĩ để đánh giá toàn bộ lực lượng cảnh sát là không xác đáng.

Tôi còn nhớ tại Hội nghị Công an toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định "Chính phủ hoàn toàn không bao giờ dung thứ cho tham nhũng". Ở một số vụ việc như vụ Năm Cam, 2 Ủy viên TƯ Đảng, trong đó có 1 Thứ trưởng Bộ công an đã bị xử lý hình sự chỉ vì thiếu trách nhiệm.

Hoặc trong vụ án ma túy Thanh Nhàn, có cảnh sát khu vực nhận có 50.000 đồng nhưng đồng chí bộ trưởng vẫn kiên quyết yêu cầu bắt giữ, khởi tố.

Ngành công an là một trong số những ngành kiên quyết nhất với việc xử lý tham nhũng. Năm 2010, cả lực lượng chỉ có 0,6% cán bộ chiến sĩ bị kỷ luật, mà kỉ luật ở đây bao gồm cả vi phạm hành chính, thậm chí vi phạm điều lệnh. Nói cảnh sát tham nhũng là hoàn toàn không có cơ sở.

Có một vụ việc xử lý kéo dài đã lâu như vụ tiền polymer, phải chăng đã ảnh hưởng đến nhận định về công tác phòng chống tham nhũng?


Đối với vụ tiền polymer, Thủ tướng đã chính thức giao Viện KSND Tối cao làm đầu mối liên hệ với phía cảnh sát Úc và Viện kiểm sát Thụy Sĩ. Khi có thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng các nước, chúng ta sẽ điều tra xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật Việt Nam.

(Theo Dân Việt)