Sáng 10/8, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông khóa 12 Lê Doãn Hợp đã có buổi bàn giao công việc cho người kế nhiệm Nguyễn Bắc Son.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của Bộ trưởng khóa XII, Bộ chuyên ngành quản lý trải trên 5 lĩnh vực chính: bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí và xuất bản, đã hoàn thành cơ bản thể chế quản lý chuyên ngành với 4 luật được xây dựng (Luật xuất bản, Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện, Luật bưu chính) và có hiệu lực, tạo hành lang cơ sở pháp lý quản lý tốt hơn.
"Nợ" 15% kiến nghị của doanh nghiệp
Theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, trong bối cảnh Bộ được chia tách, mới thành lập, "vừa là chính trị nhạy cảm, vừa là kinh tế mũi nhọn, vừa là kỹ thuật thời đại" đòi hỏi quản lý cao, thì việc hoàn thành cơ bản xây dựng thể chế quản lý chuyên ngành như trong nhiệm kỳ qua là một nỗ lực lớn.
Ngoài nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hiện quản lý chuyên ngành với 3 luật mới (Luật xuất bản sửa đổi, Luật báo chí sửa đổi và Luật an toàn thông tin), ông Lê Doãn Hợp cũng gửi gắm "nợ 15% kiến nghị" của doanh nghiệp chưa giải quyết,. Ông cũng mong người kế nhiệm giúp giải quyết những bức xúc chuyên ngành còn chưa đủ thời gian thực hiện xong.
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son (trái) và người tiền nhiệm Lê Doãn Hợp. Ảnh: Minh Thăng |
Trong lĩnh vực báo chí, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị tiếp tục xúc tiến việc nghiên cứu thành lập Tổng cục báo chí để công tác quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực này có "tầng nấc" quy củ, chặt chẽ hơn, xử lý tình huống tốt hơn.
Cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí
Tân Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận nhiệm vụ bàn giao với lời hứa sẽ "mang hết nhiệt tình và trách nhiệm, sức lực của mình phấn đấu, cống hiến" cho sự nghiệp chung. Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và kỳ vọng về nỗ lực hợp tác chung của toàn ngành, ông khẳng định sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực.
Ông cũng cho hay sẽ đặc biệt tập trung thực hiện có hiệu quả Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020 và Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin... Đồng thời tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách một cách đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp... đưa thông tin - truyền thông trở thành ngành mạnh về kinh tế, cao về kỹ thuật công nghệ, vững vàng về chính trị, tư tưởng.
Dự lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý Bộ cần phấn đấu để đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý đa ngành với công tác thông tin, báo chí phải tiên phong để dẫn dắt dư luận, công nghệ thông tin tiên phong để phục vụ đất nước. Ông cũng lưu ý việc tổng kết, đánh giá 1 năm thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin, đặc biệt cần sớm xây dựng một chiến lược quốc gia về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, coi việc gìn giữ, bảo vệ không gian mạng như một chủ quyền quốc gia để đối phó với âm mưu phá hoại mạng từ bên ngoài.
Trao đổi với báo chí sau lễ bàn giao, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quy hoạch phát triển báo chí theo hướng khai thác mặt mạnh để báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với lực lượng báo chí đông đảo hơn 700 cơ quan cùng nhiều ấn phẩm, Bộ trưởng khẳng định báo chí được tạo điều kiện để cung cấp thông tin đầy đủ, trừ những thông tin có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như luật định.
X.Linh