- Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An bày tỏ góc nhìn riêng, với mong muốn góp thêm một tiếng nói để lựa chọn được những nhà lãnh đạo có bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới.

LTS: Những ngày này, Hội nghị TƯ 14 đang nhóm họp nhằm thống nhất phương án nhân sự và dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI vào năm sau.
Dư luận nhân dân đang trông đợi và tin tưởng vào Hội nghị 14 sẽ đưa ra phương án lựa chọn được những nhà lãnh đạo xứng tầm, đảm đương trọng trách mà dân tộc đã giao phó cho Đảng.
Từng nắm giữ vị trí Trưởng Ban Tổ chức TƯ, lo công tác cán bộ của Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An bày tỏ góc nhìn riêng, với mong muốn góp thêm một tiếng nói để lựa chọn được những nhà lãnh đạo “có bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, …” như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu yêu cầu.

Thưa ông, vừa rồi ông đã góp ý với Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ về hai vấn đề cốt yếu trong dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội XI, đó là vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu và vấn đề xây dựng Đảng. Hôm nay, xin ông tiếp tục góp ý kiến về tiêu chí nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đại hội XI - vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian Hội nghị Trung ương 14 đang nhóm họp?

Vâng. Trong bài trả lời phỏng vấn lần trước về hai vấn đề cốt yếu đó, tôi mới đề cập đến cách lựa chọn nhân sự, chứ chưa đề cập đến tiêu chí nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Thật ra, cách làm, cách lựa chọn nhân sự cũng quan trọng không kém gì tiêu chí nhân sự cả. Trong thực tiễn của chúng ta, thậm chí lúc này nó còn quan trọng hơn cả tiêu chí.

Vì sao vậy, thưa ông?

Vì tiêu chuẩn, tiêu chí chúng ta đã làm quen rồi, đã có kinh nghiệm rồi. Còn cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường là không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ, trong Đại hội và trong Quốc hội.

Theo quan sát của ông, liệu lần này cách bầu chọn nhân sự có thay đổi gì mới, khác với những lần trước đây không?


Có đấy. Tôi nghe phong thanh là Bộ Chính trị vừa rồi lựa chọn nhân sự chủ chốt để giới thiệu ra Ban chấp hành TƯ có sự đổi mới đấy. Phần nhiều các chức danh chủ chốt đều đã được giới thiệu từ hai đến ba người, Bộ Chính trị lựa chọn bỏ phiếu theo danh sách đó để giới thiệu ra Ban chấp hành TƯ xem xét.

Như vậy là rất tốt. Bộ Chính trị đã mở đầu cho sự đổi mới trong cách lựa chọn nhân sự.

Cần chọn người theo hai tiêu chí kép: Đổi mới và Hành động,
Cầm quân và Phát triển

Nếu Ban chấp hành TƯ cũng làm như thế và Đại hội XI cũng làm như thế, tức là mỗi chức danh chủ chốt trong danh sách bầu cần có số dư hợp lý để có điều kiện lựa chọn khi bầu, thì Ban chấp hành TƯ và Đại hội XI sẽ đánh dấu một mốc đổi mới về cách làm nhân sự. Đây sẽ là một sự đổi mới quan trọng, một bước tiến bộ đáng mừng trong công tác xây dựng Đảng, từ đổi mới trong  Đảng sẽ dẫn tới đổi mới trong nhà nước và ngoài xã hội.

Tôi cũng vui mừng về sự đổi mới như ông vừa nói. Nhưng bây giờ xin ông quay trở lại vấn đề tiêu chí của lãnh đạo cấp cao?


Vâng. Tiêu chuẩn của ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các chức danh lãnh đạo cấp cao đã ghi khá rõ, khá đầy đủ trong đề án nhân sự của Ban chấp hành TƯ trình Đại hội XI.

Những tiêu chuẩn đó thì khá đầy đủ rồi, nhưng có vẻ hơi dài nên khó nhớ. Ông có thể diễn đạt sao cho ngắn gọn giúp độc giả VietNamNet dễ hiểu, dễ nhớ được không?

Được chứ, nhưng phải trên tinh thần các tiêu chuẩn đó, tôi diễn đạt bằng hai tiêu chí kép như sau :

-   Đổi mới và Hành động,
-   Cầm quân và Phát triển.

Cần chọn người theo hai tiêu chí kép này, tất nhiên là tương đối, chọn cột cờ trong bó đũa.

Có lần ông đã trả lời phỏng vấn của VietNamNet là chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới, nay ông lại nói tới hai tiêu chí kép, tức là bốn tiêu chí cụ thể, điều này nên hiểu thế nào?

Đúng, có lần tôi đã trả lời phỏng vấn như vậy, là chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới, vì lúc đó tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tiêu chí đổi mới tư duy, còn bây giờ phải nói cả hai tiêu chí kép thì mới đầy đủ, mới toàn diện.

Xin ông nói rõ thêm về từng tiêu chí cụ thể?

Đổi mới và Hành động

Bây giờ tôi nói về tiêu chí kép thứ nhất: Đổi mới và Hành động.

Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh đến tiêu chí đổi mới, chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới, vì người có tư tưởng đổi mới là người không bằng lòng với hiện tại, không bằng lòng với những thành tích đã đạt được, người đó luôn đòi hỏi, luôn thúc đẩy phong trào tiến lên phía trước. Với người đó thì đổi mới đồng nghĩa với phát triển, ngược lại là trì trệ, là tụt hậu. Tất nhiên là đổi mới phải vững chắc, phải có nguyên tắc như Đảng ta đã chỉ rõ.

Còn tiêu chí hành động là nói lên việc làm của người đó. Đổi mới và hành động, nói và làm. Nói theo tư duy đổi mới đã khó, song làm lại còn khó hơn rất nhiều, và làm mới là khâu quyết định. Cũng như học và hành thì hành mới là khâu quyết định. Học đạo và hành đạo thì hành đạo mới là khâu quyết định. Muốn đi hết một chặng đường chỉ có một việc là tiến bước.

Chỉ có người đổi mới tư duy, dám nói và dám làm thì mới biến nghị quyết thành hiện thực, mới thúc đẩy xã hội phát triển, ưu điểm cũng như khuyết điểm của người đó chúng ta thường dễ thấy. Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này bị phê phán gay gắt và được số phiếu tín nhiệm thấp.

Ngược lại, có người không nói gì, cũng không làm gì, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái, quan tâm tới mọi chốn, mọi nơi, có vẻ chịu khó lắng nghe, song không bầy tỏ quan điểm riêng của mình, cũng không dám chịu trách nhiệm giải quyết một việc gì mắc mớ cả. Có người lúc nào cũng nói tròn vo như sách vở, làm theo sách vở, gọt chân theo giầy. Ưu điểm và khuyết điểm của những người này chúng ta thường khó thấy. Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này lại được phiếu cao vì không có khuyết điểm gì.

Đổi mới và hành động, nói và làm, làm là khâu quyết định. Đó là hai tiêu chí để xem xét khi lựa chọn nhân sự cho sự phát triển của xã hội, để không bị tụt hậu, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới ngày nay.

Cầm quân và Phát triển

Bây giờ tôi nói về tiêu chí kép thứ hai: Cầm quân và Phát triển.

Người xưa thường nói, làm vua thì phải biết cầm quân và chăn dân. Ngày nay Đảng ta thường nói có hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngôn ngữ tuy có khác nhau, song nội dung đại thể là giống nhau. Cầm quân là để bảo vệ Tổ quốc, chăn dân là phát triển mọi mặt đời sống xã hội.

Người cầm quân là người phải chăm lo công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Có người học rộng tài cao song lại không thể cầm quân được, Nguyễn Trãi và Lê Lợi là một ví dụ. Người cầm quân phải là người có bản lĩnh vượt trội, vững vàng như cột trụ trước mọi phong ba bão táp, trước mọi uy hiếp của kẻ thù. Bản lĩnh đó chỉ có được thông qua tôi luyện trong cuộc sống thực tiễn, không thể chỉ có qua sách vở.

Quan sát trong thế giới tự nhiên cũng thấy như vậy. Những con vật đầu đàn bao giờ cũng chăm lo và đứng đầu trong đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của đàn, vì lãnh thổ cũng có nghĩa là cuộc sống, mất lãnh thổ là mất nguồn thức ăn, nước uống, nơi ở…, mất lãnh thổ là mất tự do, hạnh phúc, là mất sự yên dân.

Còn tiêu chí Phát triển là lo việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, là lo việc ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, vui chơi giải trí,, tức là lo việc yên dân về mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Cầm quân và Phát triển, đó chính là hai tiêu chí để lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao nhằm bảo đảm hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi lựa chọn nhân sự để giao trọng trách hẳn là rất khó khăn. Vậy theo ông  nên lưu ý những gì?

Khi lựa chọn nhân sự, phải đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, tránh cảm tính, yêu ghét phiến diện, cá nhân, cục bộ, vùng miền.
 
Ai cũng có ưu có khuyết, nhân vô thập toàn, vấn đề là lựa chọn được người tương đối hơn, khả dĩ hơn so với tiêu chuẩn, tiêu chí đã nêu.

Cuộc sống luôn cần sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn.

Lựa chọn đúng là phát triển mạnh và bền vững, lựa chọn sai là tụt hậu và lủng củng.

Sự lựa chọn đồng nghĩa với trách nhiệm.

Kết thúc buổi trò chuyện, ông An đọc cho tôi nghe đôi câu đối Tết của cụ Giáo sư Vũ Khiêu tặng ông khi ông còn đương nhiệm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương như sau:

"Đan tâm phụng Tổ quốc"
"Thanh nhãn tuyển hiền tài".

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ cùng VietNamNet.

Thu Hà