Chính sách đối ngoại của Washington cần chuyển khỏi Trung Đông và tập trung hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhận định của ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ The Australian, ông Kurt Campbell nói: ”Một trong những thách thức quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là việc thực hiện sự chuyển dịch từ những lực cản trước mắt ở Trung Đông sang những vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài tại châu Á”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell. Ảnh: AP |
Rất ít quan chức Mỹ có thể đưa ra sự lựa chọn rõ ràng như vậy. Ông Campbell không có ý xem nhẹ trách nhiệm của Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhận định trên của ông phản ánh quan điểm rộng rãi và đầy tham vọng trong chính quyền Tổng thống Obama là Washington quyết tâm tăng cường và mở rộng sự hiện diện ở châu Á.
Trước những khó khăn kinh tế mà nước Mỹ đang phải đối mặt, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell hiểu rằng ông phải diễn đạt rõ với châu Á một thông điệp cốt lõi là: Mỹ ở lại châu Á và những cam kết về an ninh - kinh tế của Mỹ với châu Á vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Khi công du cùng Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á, trước và sau Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), chúng tôi nhận thấy rõ ràng rằng điều mà nhiều người châu Á quan tâm là tính hiệu quả liên tục và sự liên quan của Mỹ trong khu vực”, ông Campbell nói.
Ông Campbell không cho là khó khăn kinh tế của châu Âu và Mỹ làm sứt mẻ các nền kinh thị trường tự do ở châu Á. Ông tin tưởng với nền tảng kinh tế vững chắc và chính trị ổn định, nước Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường thế giới và lời đồn đoán về sự suy yếu của Mỹ chỉ là sự thổi phồng.
Thực tế, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu quyền lực của Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung có đang giảm sút tại châu Á? Trả lời tờ The Australian, ông Mike Green - cựu Giám đốc về châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống G.Bush và hiện là giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington - cho rằng ngoài Bắc Kinh, quan điểm về sự suy yếu của Mỹ không được nhìn nhận rộng rãi ở châu Á. Ông nhấn mạnh: ”Tại Bắc Kinh, có một tâm lý rõ ràng rằng Mỹ đang xuống dốc nhanh chóng và rằng thế kỷ bẽ bàng của Trung Quốc đã đi qua”.
Năm ngoái, một loạt vụ việc hàng hải đã xảy ra, khi các tàu thương mại và tàu chiến Trung Quốc chạm trán hoặc quấy rối các tàu thuyền khác của Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là sự khiêu khích có tính toán, là phép thử áp lực lên các nước láng giềng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự gây hấn của quân đội Trung Quốc đã hủy hoại thế đứng ngoại giao của nước này trong khu vực và khiến cho các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần hơn với Washington.
Về sự đương đầu và bố trí lực lượng của Trung Quốc ở châu Á, ông Campbell cho rằng có sự áp đặt quyền lực không thể chối cãi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Người ta có thể thấy chính sách này đang được triển khai ở Biển Đông, cũng như một số nơi khác trên thế giới. “Hàng loạt quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng để thúc giục Trung Quốc cần minh bạch hơn nữa (trong các vấn đề quốc phòng) nhằm mang lại lợi ích cho khu vực”, ông Kurt Campbell nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ không coi ngoại giao Mỹ ở châu Á là một cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không” giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ông, Mỹ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường đối thoại với Trung Quốc. Nhưng cùng lúc, Mỹ cũng mở rộng quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc. “Tôi nghĩ cái chúng ta thấy là nỗ lực đồng bộ (của Mỹ) nhằm kết nối để Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại châu Á, đồng thời mang lại sức sống mới trong các mối quan hệ với ASEAN, trong tư cách một khối, và cả với các thành viên chủ chốt của ASEAN, như Indonesia, Việt Nam và Singapore. Mỹ cũng nỗ lực phục hồi mối quan hệ vốn rất quan trọng với Philippines”, ông phát biểu.
Ông Campbell, được coi là một trong những người dẫn dắt nỗ lực điều chỉnh chính sách của Mỹ hướng về Nam Thái Dương, tin rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ - Australia đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây và đang trên đà ngày một “mật thiết hơn”. Tuy nhiên, ông Campbell cũng cho rằng Australia cần thể hiện sự quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Bản thân Trung Quốc khá quả quyết trong việc thúc đẩy các lợi ích của họ ở mọi diễn đàn, tạo ra những cuộc đối thoại chiến lược quốc tế mà không cần lo lắng tới việc các quốc gia khác nhìn nhận như thế nào. Trung Quốc cũng đang tích cực hoạt động ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Báo chí Australia đưa tin, cuối tuần qua, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell đã có mặt tại nước này để tham dự cuộc Đối thoại Lãnh đạo Mỹ - Australia được tổ chức tại thành phố Perth. Ông Campbell thực hiện nhiệm vụ phục hồi sự can dự tích cực của Mỹ ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
“Mỹ có lợi ích chiến lược lớn ở Nam Thái Bình Dương. Chúng tôi biết hoạt động đang gia tăng của Trung Quốc. Chúng tôi hoan nghênh điều đó miễn là nó có sự minh bạch và mang tính xây dựng”, ông Campbell nhấn mạnh.
H.Giang (theo The Australian)