- Góp ý cho dự thảo báo cáo rà soát Bộ luật Hàng hải Việt Nam, một bộ luật rất chuyên sâu, ông Nguyễn Thâm, giám đốc công ty vận tải biển Tân Tiên Phong, chỉ ra một vấn đề khá phổ biến trong không ít các quá trình xây dựng luật khác.

Vận dụng quốc tế nhưng chưa Việt hóa

Bộ luật Hàng hải Việt Nam ra đời năm 1990 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005 theo hướng tiếp cận và chuẩn hóa các điều ước quốc tế về hàng hải. Báo cáo đánh giá Bộ luật không quá khác biệt với các chuẩn mực phổ biến của quốc tế, không ít điều khoản được lấy nguyên văn từ các công ước hàng hải quốc tế.

Có lẽ chính vì thế mà ông Nguyễn Thâm, giám đốc công ty Tân Tiên Phong, người cho biết mình đã có 18 năm lăn lộn thực tiễn trong lĩnh vực vận tải biển, thấy nhiều chỗ trong Bộ luật chưa được Việt hóa.

Một loạt các khái niệm như người thuê tàu, người thuê vận chuyển, người gửi hàng, người giao hàng, người xếp hàng, chủ tàu, chủ tàu danh nghĩa, người vận tải, vận đơn, vận tải đơn, chứng từ vận tải... theo ông là đang mắc mớ, "lúng túng loạn xì ngầu", có nhiều cách hiểu khác nhau.

"Thuật ngữ tiếng Việt chưa được dùng hợp lý, phần dịch tiếng Việt khác với phần tiếng Anh", ông Thâm nhận định. "Cần phân định và sử dụng từ tiếng Việt thích hợp, những thuật ngữ không thông dụng thì không đưa vào văn bản".

Lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển đang ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp. Ảnh: Vinalines

Sửa luật để tránh "xin-cho", mâu thuẫn

Chịu trách nhiệm rà soát Bộ luật Hàng hải Việt Nam và một loạt bộ luật, luật, nghị định, thông tư và quyết định liên quan để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật nhằm đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển đang ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp, luật sư Võ Nhật Thăng, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh đến yêu cầu đảm bảo công bằng, bình đẳng cho tất cả các bên tham gia vận tải biển.

Báo cáo đánh giá việc tập trung tất cả quyền phân cấp tàu biển vào Cục Đăng kiểm Việt Nam - không phải là một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mà chỉ là một "tổ chức đăng kiểm của Việt Nam" - là chưa hợp lý. Bên cạnh việc tạo ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", điều này còn làm phát sinh cơ chế "xin - cho" và tạo thêm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho chủ tàu, luật sư Lê Khắc Lễ, thành viên nhóm soạn thảo, nhận định.

Báo cáo khuyến nghị sửa đổi các quy định để đưa các chức năng kiểm tra, phân cấp, cấp giấy chứng nhận tàu biển về Bộ trưởng Giao thông - Vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải.

Tương tự, báo cáo khuyến nghị cần có chế tài xử phạt đối với đăng kiểm viên để xảy ra tình trạng không ăn khớp giữa nội dung giấy tờ kỹ thuật đã cấp với thực trạng của con tàu tại thời điểm các giấy tờ vẫn còn hiệu lực. "Không ít trường hợp tàu biển được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để đi biển nhưng thực tế lại không ăn khớp, khi xảy ra tai nạn dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho các bên thứ ba liên quan", ông Lễ nói.

Báo cáo cũng khuyến nghị bỏ một quy định đang khiến tòa án Việt Nam không có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhóm soạn thảo nhận định rằng sau một thời gian thực hiện, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 đã bộc lộ nhiều vấn đề cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để trở thành công cụ hữu hiệu hơn trong quản lý và hoạt động hàng hải.

Chung Hoàng