Mặc dù Trung Quốc theo đuổi một "chính sách láng giềng tốt" ở châu Á, nhưng nước này lại đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng lớn từ các quan chức, báo chí và người dân trong khu vực. Dường như đã tới lúc Bắc Kinh cần xem xét và cải tổ chiến lược châu Á của họ.

Thách thức mới nhất đến từ Nhật Bản. Vào ngày 10/8, Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano tuyên bố, Nhật Bản sẽ triển khai Lượng lượng Phòng vệ nếu nước ngoài xâm chiếm quần đảo Senkaku (đây là nơi tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). "Nếu nước khác xâm chiếm các đảo, Nhật Bản sẽ viện tới quyền tự phòng thủ và loại bỏ kẻ xâm chiếm bằng bất cứ sự hy sinh nào", Edano nói tại Tokyo, rõ ràng là đề cập tới các hành động hải quân của Trung Quốc trong khu vực.

Tuyên bố của ông Edano đưa ra sau khi Nhật công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2011, cuốn sách được nội các của Thủ tướng Naoto Kan thông qua một tuần trước đó. Sách trắng mô tả lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng là "quả quyết".

"Việc hiện đại hoá lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc trong những năm gần đây, phạm vi ảnh hưởng có vẻ đã phát triển ra ngoài vùng biển lân cận... Dự kiến Trung Quốc sẽ cố gắng mở rộng phạm vi hoạt đông, và làm cho các hoạt động hải quân trở nên thường xuyên hơn ở các vùng nước xung quanh Nhật Bản bao gồm biển Hoa Đông và Thái Bình Dương cũng như Biển Đông", sách trắng viết. Trung Quốc được mô tả trong cuốn sách là "tắc trách" khi liên tục phủ nhận quá trình hiện đại hoá quân sự làm ảnh hưởng tới láng giềng trong khu vực.



Trước khi Nhật công bố sách trắng quốc phòng, một nhóm các nghị sĩ Philippines và quan chức quân sự đã tới đảo Pagasa ngày 20/6. Khi các quan chức này tới đảo, hát quốc ca với người dân, thì ngoại trưởng Trung Quốc đang tham dự diễn đàn ASEAN ở Bali, Indonesia nhằm tìm kiếm biện pháp tháo gỡ căng thẳng ở Biển Đông.

Trước đó, cả Philippines và Việt Nam đều mạnh mẽ phản đối việc các tàu Trung Quốc quấy nhiễm, làm hư hại tàu thăm dò, tàu cá của hai nước ở Biển Đông.

Chỉ trích thậm chí còn xuất phát từ cả Singapore, là nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và được xem có quan điểm khá thân thiện trong Đông Nam Á. Đầu năm nay, vị chính khách cấp cao Lý Quang Diệu cho biết, ông thích Mỹ hơn là Trung Quốc chiếm ưu thế ở châu Á, vì ông thấy Mỹ "tốt bụng" hơn.

Khắp khu vực, những tuyên bố phản đối Trung Quốc có thể thấy một cách thường xuyên trong các phát ngôn của quan chức chính phủ cũng như bình luận báo chí.

Không một cường quốc nào khác như Mỹ, EU hay thậm chí là Ấn Độ lại là tâm điểm của quá nhiều cáo buộc bất lợi như vậy từ các nước láng giềng. Những tuyên bố như vậy không hề có lợi có các nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hữu nghị với láng giềng theo "chính sách láng giềng tốt".

Chính sách ngoại giao dựa trên bốn nguyên tắc chiến lược: các siêu cường lớn là đối tác chủ chốt, các nước láng giềng là đối tác chính, các nước đang phát triển là nền tảng của chính sách ngoại giao Trung Quốc và các thể chế đa phương là nền tảng quan trọng.

Để thực hiện chiến lược các nước láng giềng là đối tác chính, Bắc Kinh tuân thủ các nguyên tắc "coi các nước láng giềng là đối tác và đối xử với họ một cách thiện chí" và "xây dựng một vùng lân cận thiện chí, yên bình và thịnh vượng".

Trong tháng 4, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao - một nền tảng của hội nhập kinh tế khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, để xây dựng một châu Á hoà hợp, các nước cần tôn trọng những nền văn minh đa dạng và thúc đẩy quan hệ láng giềng. "Chúng ta cần chuyển đổi mô hình phát triển và thúc đẩy phát triển toàn diện... Chúng ta cần chia sẻ các cơ hội phát triển và cùng nhau đối phó thách thức... Chúng ta cần tìm kiểm nền tảng chung trong khi giải quyết các bất đồng và tăng cường an ninh chung... Chúng ta cần bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy hợp tác khu vực", ông Hồ Cẩm Đào phát biểu.

Theo "chính sách láng giềng tốt", Bắc Kinh vốn dĩ coi việc cải thiện quan hệ với ASEAN là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Trung Quốc đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với 10 nước thành viên ASEAN kể từ 2003, với một số thành viên trong khối...

Mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực để cải thiện quan hệ với láng giềng, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á, nhưng dường như còn quá nhiều nghi ngại tồn tại. Dường như là Trung Quốc mở rộgn ảnh hưởng thông qua tăng trưởng kinh tế và quân sự thì càng khiến láng giềng càng không thích Trung Quốc hơn nữa. Tại sao Trung Quốc lại thất bại trong cuộc "ve vãn" các nước. Ở đây có mọt số lý do: một số bắt nguồn từ nỗi quan ngại của các láng giềng, số khác lại từ chính Trung Quốc.

Đầu tiên, có những lý do lịch sử. Trong suốt thời kỳ cổ xưa, một số quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của Nho giáo, sẽ phải cống nạp cho các vương triều của Trung Quốc bao gồm Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản bây giờ. Những nước Đông Nam Á khác không chịu ảnh hưởng (gồm Philippines, Indonesia, Campuchia và Thái Lan ngày nay) cũng có ghi nhận phải cống phẩm cho Trung Quốc theo yêu cầu từ các vị vua của họ. Ngoài ra còn có những ràng buộc gần cận hơn khi một số quốc gia Đông Nam Á dưới sự đe doạ "xuất khẩu cách mạng" của Trung Quốc vào những năm 1950-1960, rồi sự kiện năm 1979.

Nhưng có lẽ nhân tố lớn nhất đang phá huỷ lòng tin lẫn nhau và làm xói mòn nỗ lực xây dựng các quan hệ đối tác là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc có tranh chấp lãnh hải hoặc các đảo ở Biển Đông hay Hoa Đông với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Nhật Bản.

Với nhiều quốc gia Đông và Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở châu Á nhắc nhở họ về một chế độ triều cống trong lịch sử, về sự tồn tại của các chư hầu quanh Trung Quốc xưa từng thừa nhận ưu thế của Trung Quốc trong khu vực. Lo ngại về sự trở lại của một chế độ triều cống kiểu mới có lẽ vẫn là một rào cản tâm lý với một số quốc gia để khiến họ có thể tin tưởng vào chính sách láng giềng tốt của Bắc Kinh.

Quan hệ không tốt giữa Trung Quốc và láng giềng một phần còn là bởi những điều kiện nội tại của Trung Quốc, về quan niệm giá trị dân chủ giữa các nước trong khu vực. Dù Trung Quốc cam kết về một sự trỗi dậy hoà bình, dù từ lâu đã từ bỏ "xuất khẩu cách mạng", nhưng họ lại chưa làm rõ mục tiêu chiến lược của việc hiện đại hoá quân sự. Với nhiều nước láng giềng, một siêu cường như vậy mà thiếu tuyên bố rõ ràng là đáng lo ngại.

Lẽ tự nhiên với kích cỡ và dân số Trung Quốc cũng như ảnh hưởng văn hoá sâu rộng, sức mạnh kinh tế và quân sự thì những quốc gia châu Á tương đối nhỏ và yếu hơn sẽ hoài nghi và lo ngại về những gì "con rồng lớn" sẽ nắm giữ.

Để giải quyết việc này, ngoài những cam kết bằng lời nói, Trung Quốc phải có những nỗ lực thực tế để thể hiện hiện rằng, họ sẽ đóng góp vào lợi ích và ổn định khu vực khi cần thiết. Ví dụ, trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính hiện tại, Trung Quốc nên giữ vai trò dẫn dắt để cùng xây dựng một hệ thống tài chính khu vực mạnh mẽ nhằm ổn định thị trường tài chính khu vực.

Trung Quốc nên tôn trọng các cam kết gia tăng hoà bình bằng những biện pháp cụ thể để góp phần đảm bảo an ninh và hoà bình khu vực. Cũng như ở Trung Quốc, quan điểm dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng khắp châu Á, thúc giục các chính phủ đưa ra các bước đi chính sách mạo hiểm và thách thức Trung Quốc. Không cần phải nói rằng, căng thẳng chính trị hiện tại của châu Á, chạy đua vũ trang, tranh chấp lâu dài không phải là chọn lựa lý tưởng cho khu vực. Vì mối quan hệ phức tạp giữa các quốc gia, Trung Quốc và những nước láng giềng cần dành thêm nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng các quan hệ đối tác đích thực.

Trung Quốc nên hành động như một người chơi có trách nhiệm luôn tuân thủ những nguyên tắc chung; họ nên có một chiến lược châu Á rõ ràng, thực thi và thực tế. Theo chính sách này, Bắc Kinh nên hoạt động như một cường quốc kinh tế ổn định, nó đòi hỏi Trung Quốc sáng tạo hơn trong các lĩnh vực tài chính quốc tế, và can đảm hơn trong sáng kiến cải tổ các hệ thống tài chính hiện hành.

Trung Quốc cũng nên góp phần đảm bảo an ninh khu vực với khả năng quân sự đang gia tăng của mình. Bắc Kinh nên rõ ràng hơn so với láng giềng trong việc sử dụng quân sự để duy trì ổn định khu vực thông qua chống hải tặc, khủng bố và tội phạm quốc tế khác ở Thái Bình Dương. Thay vì phô diễn sức mạnh quân sự trong tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc nên khuyến khích sự hội nhập chính trị, kinh tế và văn hoá ở Đông cũng như Đông Nam Á.

Sau tất cả, Trung Quốc nên định hình lại chiến lược châu Á của mình với mục tiêu hoạt động như một lực lượng ổn định, trong khi vẫn duy trì chiến lược để giữ sự cân bằng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này.

Trung Quốc phải thể hiện thiện chí và sự chân thành của mình bằng lời nói và hành động. Chỉ bằng cách này, thì sự trỗi dậy hoà bình của họ mới không đáng báo động và Trung Quốc mới được các láng giềng châu Á coi là một người bạn.

Chiến lược châu Á của Trung Quốc nên đi xa hơn việc chỉ là tìm kiếm những lợi ích kinh tế chung và bao gồm trách nhiệm góp phần duy trì ổn định tài chính, hàng hải và chính trị.

*Jian Junbo, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc.

Nguyễn Huy theo atimes