Báo chí và tin tức truyền hình giờ đây hầu như tập trung vào Thaksin, một cựu tỉ phú truyền thông, đúng vào lúc cô em gái Yingluck của ông lên nắm quyền. 

Bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và sống ở nước ngoài để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từ lâu đã không được coi là một lực lượng chính trị đối lập.

Nhưng trong những ngày kể từ khi em gái ông là bà Yingluck thắng cử và trở thành Thủ tướng, Thaksin trở lại nóng hơn bao giờ hết, gây khó khăn cho chính phủ mới trong việc giành được sự chấp nhận của công chúng và làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội.
Cựu thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan, Thaksin Shinawatra. Ảnh: guardian
Là một chính khách mới mẻ, bà Yingluck từng thổ lộ muốn hòa giải đất nước bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi anh trai bị hất khỏi chiếc ghế quyền lực.

"Dường như ông ấy vẫn không thể tự kiềm chế. Đó là một cuộc chơi rất nguy hiểm", Michael Montesano, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói.

Từ khu biệt thự của mình ở Dubai, Thaksin được xem là người có công trong chiến thắng bầu cử của bà Yingluck, đóng một vai trò "lái buôn chính trị" đầy quyền lực nơi hậu trường và một nhà cố vấn, bất chấp bản án tham nhũng cách đây ba năm.

Hầu hết đều cho rằng, Thaksin - người từ nơi lưu vong bằng webcam và điện thoại sẽ tập hợp hàng nghìn người biểu tình chống lại chính phủ cũ của Abhisit Vejjajiva, cho phép các đồng minh chính trị của mình củng cố quyền lực và lát đường cho quyết định ân xá để cuối cùng có thể đưa ông trở về đất nước.

Nhưng những gì ông làm chính xác lại ngược lại, với kế hoạch những chuyến viếng thăm Nhật Bản và Campuchia làm Yingluck bối rối và suy giảm sự chú ý vào các chính sách bà đưa ra. "Sự vội vàng và hấp tấp từ phía Thaksin đến sớm hơn tôi dự kiến", Montesano nói. "Hành xử của ông gây khó cho Yingluck. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa và những rắc rối của Yingluck trong việc kiểm soát anh trai sẽ trở nên tồi tệ hơn". 

Cố vấn luật pháp của Thaksin là Noppadol Pattama hôm thứ năm nói rằng, cựu Thủ tướng Thái Lan đã quyết định hoãn chuyến đi tới Campuchia mà không đưa ra lý do gì. Trước đó, dự kiến trong chuyến thăm, Thaksin sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen.

Báo chí Thái Lan đưa tin, vào hôm thứ năm, Thaksin đã ở Macau nơi ông dự kiến sẽ gặp các nghị sĩ trong đảng của bà Yingluck. Với bà Yingluck, hậu quả của những nỗ lực xuất hiện công khai từ anh trai nhằm tái khẳng định bản thân sẽ sớm có thể gây bất lợi.

Những vòng xoáy mới

Kể từ sau cuộc đảo chính, Thái Lan rơi vào khủng hoảng bằng những cuộc biểu tình đường phố, phong tỏa sân bay và văn phòng chính phủ, sự can thiệp của quân đội và tòa án vào bộ máy chính quyền.

Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhưng uy tín của Thaksin ở vùng nông thôn vẫn được đảm bảo bởi các đảng ông dẫn dắt hoặc ủng hộ trong suốt thập niên qua. Giới phân tích đang đề cập tới những hiệu ứng ngược nếu Thaksin đi quá giới hạn và cố gắng điều hành đất nước từ nơi lưu vong.

Yingluck đã nhận được sự đánh giá khá tích cực kể từ khi sự nghiệp chính trị của bà mới bắt đầu cách đây ba tháng. Theo kết quả một cuộc thăm dò trong tuần này, bà là thành viên được yêu mến nhất trong chính phủ mới.

Đội ngũ kinh tế của bà đã khẳng định sẽ thúc đẩy những cam kết chính sách dân túy đã từng giúp đảng của bà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 3/7 - từ việc tăng lương tối thiểu tới cắt giảm thuế tập đoàn và gia tăng quỹ phát triển nông thôn. Giờ đây, nguy cơ là ở chỗ sự tập trung vào Thaksin có thể làm chuyển hướng chú ý vào các kế hoạch của nữ Thủ tướng mới và có thể kích động những vị tướng từng tham gia lật đổ Thaksin năm năm trước đây.

Trong những ngày gần đây, báo chí đã "dội bom" nữ Thủ tướng với các câu hỏi về Thaksin, những số báo ra ngày thứ năm thậm chí còn có rất nhiều bình luận không có lợi, một số trong đó đặt ra nghi ngờ rằng liệu bà có thực sự phụng sự đất nước như đã hứa.

Rắc rối bắt đầu xảy ra với Yingluck vào ngày 9/8 khi bà công bố tên Ngoại trưởng mới của Thái Lan - một người trung thành với Thaksin và không có kinh nghiệm ngoại giao cũng như làm bộ trưởng. Bản thân Surapong Towichukchaikul đã tự khiến mình bất lợi khi ông có cuộc họp hai ngày sau đó với một quan chức ngoại giao Nhật Bản để đề xuất việc cấp visa cho Thaksin thăm Nhật. Đề nghị này được chấp nhận.

Các chính khách đối lập đã mạnh mẽ phản đối viêc cấp visa, gọi Thaksin là kẻ trốn chạy luật pháp. Chính phủ trước đã tước hộ chiếu Thái của ông. Ông đi lại nhờ các hộ chiếu do Nicaragua và Montenegro cấp với tư cách là công dân hai nước này.

Khoảng 200 người biểu tình đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bangkok để phản đối quyết định của Tokyo trong việc cấp visa và rõ ràng là đã từ bỏ quy định hạn chế người nước ngoài có "tiền án" vào Nhật.

Nhiều người Thái tin là, Surapong sẽ cố gắng đưa lại hộ chiếu Thái cho Thaksin, một động thái có thể thể hiện việc chính phủ mới không công nhận việc kết án ông. Giới phân tích cho rằng, việc hăm hở đi lại của Thaksin có thể là nỗ lực tái thiết hình ảnh của ông và gửi thông điệp tới dân Thái rằng ông là người vô tội.

Những diễn biến trên có thể gây ra phản ứng từ phe đối lập với Thaksin, và dễ dàng tạo ra vòng xoáy mới của những cuộc biểu tình và xung đột chính trị. "Cả ông và em gái ông cần phải hiểu rằng, ông vẫn là chiếc cột thu lôi có thể xóa bỏ mọi nỗ lực của đảng Puea Thai nhằm thúc đẩy hòa giải", Joshua Kurlantzick, nhà phân tích đối ngoại tại Mỹ nói. "Thaksin, một chính khách có thể không bao giờ thấy thoải mái vì sống lưu vong dường như không hiểu rằng, ông có thể chôn vùi thành công của đảng mình", Joshua nhấn mạnh.

Thái An (theo Reuters)