Ông tự coi mình là "nhà lãnh đạo anh em" của Libya, vua của châu Phi và thậm chí vua của các vua châu Phi. Mặc dù vậy, trong thời điểm chiến sự diễn ra ác liệt, ông lại là người mà không ai biết ông đang ở đâu.

Nổi tiếng là một nhà lãnh đạo Libya với những lời hăm dọa và khoa trương suốt bốn thập niên qua, sự tồn tại của Muammar Gaddafi giờ đây hoàn toàn là bí ẩn. Thậm chí, ngay cả người dẫn đầu phong trào nổi dậy, Mustafa Abdel-Jalil , cũng thừa nhận là không biết Gaddafi đang ở bên trong khu tổng hành dinh của chính ông hay nơi nào đó tại Libya hoặc thậm chí một quốc gia nào khác. Ông bị lực lượng nổi dậy truy tìm và bị Tòa án Tội phạm Quốc tế ra lệnh bắt giữ trong tháng 6.

Xe hơi bốc cháy và súng vẫn nổ khi các chiến binh nổi dậy ở Tripoli tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Gaddafi. Ảnh: AP

Gaddafi, 69 tuổi, chưa từng xuất hiện công khai hơn hai tháng nay. Chỉ có những dấu hiệu cho thấy ông có thể ở trong khu nhà nơi hai con trai ông bị bắt giữ tại Tripoli và các cuộn băng thu âm với lời hứa ông sẽ không rời Libya, hô hào người dân chiến đấu.

Có những tin đồn rằng, ông có thể đã bí mật trốn khỏi Tripoli trước khi phong trào nổi dậy đột ngột tăng cao từ cuối tuần qua. Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm qua (22/8) công khai bác bỏ tin đồn đã gửi một máy bay tới đón Gaddafi và gia đình ông. Maite Nkoana-Mashabane, Ngoại trưởng Nam Phi nói với báo chí tại Johannesburg rằng, chính phủ điều máy bay tới chỉ để sơ tán các nhân viên trong đại sứ quán của nước này.

Những tin đồn khác hồi cuối tuần về việc Gaddafi có thể chạy tới Venezuela cũng đã bị bác bỏ. Abdel Moneim Al-Houni, đại diện Libya tại Ai Cập nói, quân nổi dậy không biết rõ nơi ở của Gaddafi. Tuy nhiên, ông cho hay: "Chúng tôi tin rằng, các thành viên gia đình ông ấy ở Tripoli và có thể ông ấy cũng ở đó". Ông nói có những thông tin nói, Gaddafi có thể tới thành phố Surt ở Địa Trung Hải, nơi sự ủng hộ với ông còn tương đối mạnh mẽ.

Phương Tây bàn thời hậu Gaddafi

Không chờ đợi sự sụp đổ của Tripoli, phương Tây đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc sống thời hậu Muammar Gaddafi với hai mối quan tâm chính: tránh sự chia cắt của Libya sau bốn thập niên dưới sự cầm quyền của Gaddafi và đảm bảo quá trình chuyển giao êm đẹp.

Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen, hôm qua đã thúc giục các nhà lãnh đạo phe nổi dậy gọi là Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (TNC) của Libya rằng: "Cần đảm bảo sự chuyển giao êm đẹp và toàn diện, đất nước vẫn thống nhất và tương lai thiết lập trên sự hòa giải, tôn trọng nhân quyền".

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ quan tâm tương tự khi kêu gọi TNC "chứng minh sự lãnh đạo là cần thiết để đưa đất nước trải qua một quá trình chuyển đổi bằng cách tôn trọng các quyền của nhân dân Libya". Và người phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton cũng thúc giục lực lượng nổi dậy "tôn trọng toàn diện luật pháp nhân đạo và nhân quyền cũng như bảo vệ người dân".

Trong khi quân nổi dậy dường như nỗ lực nắm lấy Tripoli, thì Phương Tây lo rằng, sự sụp đổ của Gaddafi sau bốn thập niên cầm quyền sẽ dẫn tới tình trạng phe cánh trong các bộ lạc, khiến cơ hội hòa giải quốc gia trở nên mỏng manh.

"Rất nhiều người Libya nói với chúng tôi rằng, sẽ rất khó ổn định vì chúng ta đang ở trong tình trạng nội chiến và xung đột chỉ làm tồi tệ thêm những căng thẳng", một quan chức ngoại giao EU nói.

Châu Âu có thể đóng góp các sứ mệnh huấn luyện quân sự cho quân đội thời hậu Gaddafi, tương tự như đã làm ở Iraq hoặc Afghanistan.

Thái An (theo timesofindia, hindustantimes)