- Bàn về vấn đề khiếu nại đông người sáng nay (23/8), các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều cho rằng Quốc hội không nên quay lưng với thực tế này khi mà trong 5 năm qua đã có tới gần bốn nghìn đoàn khiếu nại đông người.

"Đừng thấy việc khó đẩy sang Chính phủ"

Bàn về dự án Luật khiếu nại, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành bổ sung điều khoản về “khiếu nại đông người” vào trong luật. Khái niệm này được viết: “Khiếu nại đông người là việc nhiều người cùng khiếu nại về một hoặc một số nội dung trong quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó”.

Luật khiếu nại, tố cáo đã được tách thành hai luật riêng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vấn đề còn gây nhiều tranh cãi là nên quy định cụ thể đến đâu trong luật hay chỉ xác định khái niệm và giao Chính phủ nghiên cứu các điều khoản cụ thể.

Như quan điểm của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì nên dành hẳn một chương riêng về khiếu kiện đông người "chứ không phải thấy việc khó quá rồi đẩy cho Chính phủ?".

Ông Ksor Phước cho rằng, Quốc hội không nên tiếp tục né tránh những phức tạp của vấn đề, kể cả chuyện biểu tình. Bởi khi đã định nghĩa được phạm vi, giới hạn của khiếu nại đông người và có biện pháp đối phó hợp lý, thì mọi hành vi quá khích đều sẽ bị xem là gây rối.

Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng thừa nhận điều này bởi thực tế hàng trăm vụ khiếu kiện đông người vẫn đang xảy ra hàng ngày, dù cơ quan công quyền thấy khó đến đâu cũng phải bàn thảo với nhau cho thấu đáo để quy định rõ trong luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa góp ý, nếu chưa nghiên cứu được chi tiết thì có thể đưa vào luật một số nguyên tắc chung. "Quốc hội không nên quay lưng hoàn toàn với vấn đề này", ông Khoa nói.

Theo thống kê của Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, trong 5 năm qua đã có tới 3829 đoàn khiếu nại đông người. Trong đó 3503 đoàn khiếu nại là các nhóm có từ 5 đến 50 người, còn lại là các đoàn trên 50 người. 3356 vụ việc đã được giải quyết, chiếm 87%.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng nghiên cứu từ thưc tiễn vẫn chưa đủ "chín" nên chưa cần thiết phải quy định rõ ràng ngay trong luật. Sắp tới, nếu Quốc hội thông qua dự án, Chính phủ sẽ nghiên cứu để quy định rõ hơn trong nghị định.

Trước các luồng ý kiến trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất, "Luật không thể không đề cập tới những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, nhất là khi các vấn đề lại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân".  Nếu các cơ quan có trách nhiệm không sớm giải quyết vấn đề thì tình hình sẽ còn căng thẳng phức tạp hơn nữa. Kinh nghiệm xử lý hàng ngàn vụ khiếu nại đông người vừa qua cũng phần nào đủ căn cứ thực tiễn để cơ quan soạn thảo đưa vào luật.

Hạn chế phát tán thông tin vu cáo trên mạng

Bàn về một dự án luật khác vừa được tách ra khỏi luật khiếu nại là Luật tố cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ băn khoăn về tính hợp pháp của đơn thư nặc danh, cơ chế bảo vệ người tố cáo và việc bổ sung các quy định mới về tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại.

Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, đây chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải thông tin tố cáo. Hình thức này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Do đó, dù tiếp nhận theo hinh thức nào, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xác minh.

Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn e ngại các thông tin tố cáo bằng thư điện tử có thể sẽ bị tung lên mạng. "Những đơn thư tố cáo lãnh đạo Đảng, nhà nước mà tung lên mạng là rất nguy hiểm, và không  loại trừ ai. Nay nếu ta công nhận hình thức tố cáo như vậy sẽ rất nguy hiểm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân vân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cũng cho rằng, cần đề phòng các trường hợp mượn hình thức gửi thư điện tử tố cáo nhưng lại tranh thủ phát tán thông tin, vu khống và bôi nhọ cá nhân.

Trong thực tế, dự án luật cũng quy định chỉ xem xét, giải quyết đơn thư có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ để tránh trường hợp lợi dụng quyền tố cáo nhằm gây mất đoàn kết nội bộ.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế bảo vệ người tố cáo. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất phải bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm  bảo cho người tố cáo không bị phân biệt, đối xử, trả thù hay trù dập. Đồng thời nên quy định một số biện pháp bảo vệ người tố cáo và thân nhân trong trường hợp bị nguy hại tính mạng, đe dọa nhân phẩm. Bởi thực tế, thông tin về người tố cáo vẫn bị lộ diện trong quá trình xác minh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những người từng viết đơn thư tố cáo các sai phạm trong nội bộ thường rất khó tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp cũng như các đời lãnh đao tiếp theo bởi ấn tượng chung của tập thể về một người hay "soi mói".

"Cho dù họ có được bảo vệ và giữ trong vòng bí mật nhưng sau đó họ cũng sẽ khó tiếp tục làm việc ở môi trường cũ", bà Ngân nói.

Thực tế, như Ủy ban Pháp luật đã phân tích, nguồn lực cũng như kinh nghiệm để bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế và vẫn đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Hai dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội cuối năm nay.

  • Lê Nhung