Hơn cả dự đoán, chiến sự tại Libya đã không chỉ cắt đôi đất nước này giữa một bên gồm những người trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi và bên kia là những người chống đối, mà chính lực lượng nổi dậy cũng bị chia năm sẻ bảy và chưa tìm ra một gương mặt đủ tầm lãnh đạo. Đây chắc chắn không phải là kết cục mà phương Tây mong muốn.
Sự thay đổi chế độ đầu tiên trong Mùa xuân Arập
Theo một số thông tin từ Libya, phe chống đối đang thắng thế và chính thể của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sắp sụp đổ sau 42 năm. Hiện tại, vấn đề không phải là liệu có hay không, mà là khi nào chế độ này sẽ sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, Libya sẽ trở thành trường hợp thay đổi chế độ đầu tiên kể từ khi bắt đầu bùng phát làn sóng biểu tình trong thế giới Arập mùa Xuân năm nay.Trước đó, sự ra đi của cựu Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali và cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã không dẫn tới sự thay đổi chế độ. Các chính quyền ở Tunisia và Ai Cập do quân đội đứng đầu, và lực lượng này đã vượt qua các cuộc biểu tình vì họ tách biệt khỏi các đảng cầm quyền và vị trí người đứng đầu nhà nước - vốn do người thân và bạn bè của Tổng thống đảm nhiệm. Cả ông Mubarak và Ben Ali đã điều hành đất nước hàng chục năm với sự ủng hộ của cơ quan an ninh do quân đội đứng đầu. Cuối cùng, cả hai vị này đã phải từ bỏ quyền lực khi quân đội ngừng ủng hộ.
Ngược lại, chế độ ở Libya do gia đình của ông Gadhafi cai trị. Bất chấp thực tế là ông giành quyền lực thông qua một cuộc đảo chính quân sự, Gadhafi vẫn không cho phép tồn tại một thể chế quân sự tự chủ và hùng mạnh có thể đe dọa đến quyền lực của mình. Tuy nhiên, việc này dường như đã dẫn đến kết cục là hàng loạt binh sĩ trong quân đội Libya đào ngũ, mở ra một cuộc nội chiến hủy hoại chế độ mà họ đã cất công dựng nên.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của chế độ Gadhafi nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự thay đổi không triệt để. Chế độ này sẽ sụp đổ, nhưng không có nghĩa là nó sẽ sớm được thay thế bằng một nhà nước mới bởi các lực lượng đối lập - hiện đang bị chia rẽ sâu sắc - sẽ không thể sớm thành lập một nước cộng hòa mới. Vấn đề chính của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) là họ chưa phải là một nhóm có vai trò trung ương điều khiển, có thể đoàn kết các nhóm riêng lẻ khác vốn chỉ có chung hai thứ: cùng được gọi là lực lượng đối lập, và đều mong muốn phế truất ông Gadhafi.
Trong khi đó, có rất nhiều mặt trận trong cuộc chiến tại Libya, được điều khiển bởi nhiều nhóm khác nhau đến từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước. Mỗi nhóm hiện đang cảm thấy sẽ được chia sẻ quyền lực trong một nước Libya mới, cả quyền lực chính trị và phần thưởng kinh tế. Những người chiến đấu ở chiến tuyến Brega gần Benghazi nhất và lại gần các mỏ dầu của Libya. Họ sẽ cảm thấy mình là đội quân tiên phong của cuộc cách mạng Libya. Trong khi những người tham gia chiến tuyến tại Misrata nhiều tháng qua lại cảm thấy họ mới là các tay súng kiên cường nhất và xứng đáng được thưởng hậu hĩnh. Các tay súng ở mặt trận Nafusa Mountains đóng một vai trò quan trọng cho bước tiến cuối cùng trước khi vào Tripoli, trong khi các tay súng người Arập ở Zawiya và Zabrata sẽ cho rằng họ là những người tiến vào thủ đô đầu tiên. Lại còn cả các tay súng người Hồi giáo đã tham gia chiến sự ở miền Đông và cũng góp phần bảo vệ an ninh cho Benghazi. Khi đặt tất cả các nhân tố này cùng nhau, có thể thấy NTC đang phải đối mặt với một vấn đề lớn cần giải quyết: trong khi cuộc chiến Libya sắp kết thúc, có thể một trận chiến khác mới chỉ bắt đầu.
Kết cục không ai mong muốn
Rõ ràng cuộc khủng hoảng tại Libya còn kéo dài. Và một bản sao của Iraq - nơi bất ổn và bạo lực vẫn xảy ra thường ngày dù phương Tây tự khen là đã "lật đổ một chế độ độc tài" - hẳn là điều mà các nước phương Tây tham chiến ở Libya không hề mong muốn. Một Libya rối ren thời hậu chiến chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các công ty nước ngoài trong việc đầu tư vào quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi này.
Hiện tại, một câu hỏi đặt ra là ai thực sự chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Libya? Do không thể liên lạc trực tiếp với mặt trận miền Tây, vì bị ngăn cách bởi thành phố Sert quê hương của Gadhafi, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) cũng phải thừa nhận là không kiểm soát được các đơn vị chiến sự đang tiến vào thủ đô Tripoli. Dù có một sự phối hợp ở cấp cao giữa các tướng lĩnh ở trụ sở chính của lực lượng đối lập tại Benghazi với các đơn vị ở miền Đông, nhưng các chỉ huy chiến trường ở miền Tây nhiều dầu mỏ, nơi ông Gadhafi kiểm soát phần lớn lãnh thổ, vẫn chủ yếu hoạt động theo cảm tính mà không có sự hướng dẫn của các thủ lĩnh chính trị trong cái gọi là "Giải phóng Libya". Một chỉ huy chiến sự miền Tây 29 tuổi cho biết "chúng tôi tiến lên khi nghĩ là đã đến lúc". Anh này khẳng định không phối hợp phong trào của mình với bất kỳ ai ngoài Misratah.
Trong khi đó, tại chiến sự ở Western Mountains, người phát ngôn quân đội đối lập Abd al-Rahman Busin cũng thừa nhận các chỉ huy chiến sự ở miền Tây không nhận được lệnh cụ thể nào từ Benghazi ngoài một "động lực chiến lược lớn". Rõ ràng NTC không thể kiểm soát toàn bộ lực lượng đối lập. Hơn nữa, việc giải tán các binh đoàn hậu chiến sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Chưa hết, Libya còn đang phải đối mặt với nguy cơ trả thù. Các chuyên gia phân tích cảnh báo các bộ tộc ủng hộ ông Gadhafi, như bộ tộc Megraha và Warfalla ở phía Đông và Nam thủ đô Tripoli, có thể sẽ bị những người ủng hộ lực lượng đối lập trả thù. Làn sóng trả đũa lẫn nhau rất có thể đẩy Libya vào vòng xoáy bất ổn mới.
Một kịch bản rối loạn như ở Iraq thời hậu chiến đang dần lộ rõ dù các quan chức Anh nói rằng sẽ rút ra bài học kinh nghiệm từ Iraq về cách xử lý hậu quả của xung đột. Nạn nhân đầu tiên và cuối cùng vẫn là những người dân vô tội ở Libya, dù họ ủng hộ chính quyền Gadhafi hay ủng hộ lực lượng đối lập. Chưa kể đến những thương vong về người, thì nền kinh tế trì trệ, đời sống thiếu thốn cộng thêm nguy cơ bạo lực diễn ra hàng ngày sẽ là những viễn cảnh đau lòng đối với bất kỳ dân tộc nào. Và điều đáng nói là nếu không có sự can dự của NATO thì cuộc nội chiến chắc chắn không đi đến kết quả đang định hình ở Libya.
Bạch Dương