Nói vậy thôi, chứ vấn đề biển đảo luôn là vấn đề phức tạp, và bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Không thể lạc quan tếu, hay hô khẩu hiệu mà xong. Chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng muốn có hòa bình vững chắc, chúng ta lại cần phải chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh.


LTS: Người ta biết nhiều đến Đinh Tiến Dũng qua nhân vật Giáo sư Cù Trọng Xoay dí dỏm, hóm hỉnh và đầy bất ngờ trong mục "Hỏi Xoáy Đáp Xoay" của chương trình "Gặp nhau cuối tuần", phát vào mỗi tối Thứ Bảy.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu một góc off-line của chàng Bí thư Đoàn đa tài này qua loạt ghi chép của anh về chuyến đi Trường Sa, diễn ra trước ngày Việt Nam kỷ niệm 36 năm ngày đất nước thống nhất.

Hơn cả một chuyến đi

Tử vi của tôi là Thân cư Thiên di nên xem ra những chuyến đi với tôi là chuyện hết sức bình thường. Trở về Hà Nội với làn da đen bóng và bắt đầu bong từng mảng như rắn lột xác, ngoài cái cảm giác say đất liền biêng biêng thì trong suy nghĩ của tôi và những thành viên có mặt trên chiếc tầu HQ 936 dường như vẫn chưa nguôi ngoai cái cảm giác của 8 ngày lênh đênh trên biển khơi.

Ngày còn sinh viên, tôi cũng đã nhiều lần dẫn các đội sinh viên tình nguyện đi công tác tại những vùng sâu vùng xa với một bầu máu nóng tuổi trẻ hưởng ứng tiếng gọi xây dựng quê hương đất nước. Chúng tôi đã từng lên địa đầu Tổ quốc Đồng Văn - Mèo Vạc để phát cờ Tổ quốc và dạy hát Quốc ca, chúng tôi đã từng nằm trong bản Mường Mô - Mường Tè cả tháng trời để hướng dẫn người dân những kiến thức nông nghiệp và đời sống xã hội... và còn biết bao chuyến đi khác nữa kể không hết được. Nhưng tất cả, chưa có chuyến đi nào đặc biệt như chuyến đi này.

Người ta vẫn nói đi nước ngoài dễ hơn đi Trường Sa quả cũng đúng. Không phải dễ mà có cơ hội này, nên khi được giao thành lập đoàn công tác đi Trường Sa, tôi dù đang bận túi bụi các công việc khác, vẫn cố để có thể thực hiện nhiệm vụ này. Bao vất vả lo lắng cho chuyến đi tất cả đều được đền đáp xứng đáng, tôi đã có một chuyến đi không thể nào quên.

Tôi tự hỏi sao cảm xúc lại có trong tôi mạnh đến vậy? Nếu đúng ra, càng đi nhiều thì cảm xúc càng chai sạn hơn chứ. Nhưng không, cảm xúc này thực sự mạnh, bởi tôi được đi, được đến, được gặp và được nghe, được nhìn, được hiểu biết bao nhiêu câu chuyện mà nếu chỉ ngồi nhà đọc sách cũng không thể nào biết nổi.

 
Giáo sư Cù Trọng Xoay (giữa) tại Trường Sa

Ngoài những trải nghiệm, chuyến đi cũng cho tôi hiểu biết một cách rộng và đầy đủ hơn về chủ quyền biển đảo, không còn thấy nó "nhậy cảm" theo cái kiểu hô hào phản đối này kia nữa, nó cần những bước đi thực tiễn và vui biết bao khi biết những bước đi đó đang dần đem lại những thắng lợi bước đầu.

Chuyến đi cho tôi gặp những anh lính trẻ, những bác lính già, tôi nhìn thấy tầu tên lửa của nước ngoài đứng lừ lừ đe dọa, tôi nhìn thấy đảo mà nước ngoài chiếm đóng với quân lính chạy lố nhố bên trên, tôi được thả bông hoa cúc vàng, thắp nén hương lên vòng hoa tưởng niệm những cha anh đã mãi hòa mình cùng sóng nước cho mầu cờ Việt Nam.

Tinh thầy yêu nước không còn chỉ là những câu hô hào, những dòng chữ khô cứng trên trang sách, mà nó được hiện lên đầy sống động trên những ánh mắt và dáng đứng của những chiến sỹ nơi đảo tiền tiêu Cô Lin, hiện lên trong nụ cười tiếng hát của những anh chàng lính trẻ nơi Trường Sa Lớn, hiện lên chắc nịch trong câu nói của Thiếu tá Trang Hải Âu chỉ huy nhà dàn DK1 - 2: "Chừng nào còn chúng tôi, bà con ngư dân cứ yên tâm mà ra bắt cá".

Chúng tôi bị xúc động mạnh mẽ trước tinh thần dân tộc hiện thực trước mắt, xúc động trước mầu cờ đỏ sao vàng nổi bật giữa bạt ngàn sóng nước biển xanh, xúc động trước lý tưởng xả thân vì đất nước của những anh lính hải quân mà tôi cứ nghĩ nó vốn là điều chỉ còn trong sách dạy Sử...

Có lẽ tất cả những điều đó đã khiến cho chuyến đi Trường Sa này của tôi đọng lại nhiều cảm xúc hơn cả mọi chuyến đi từ trước đến giờ.

Tôi bỗng nhận thấy cuộc sống của mình sao mà nhạt nhòa và loanh quanh đến vậy. Ngỡ ra đảo để động viên lính đảo nhưng không phải, thì chính những anh lính tay cầm chắc súng, ánh mắt rực cháy luôn dõi theo từng con sóng nơi biển Đông kia, mới là những người động viên lại chúng tôi, dạy lại cho chúng tôi bài học về lòng yêu nước và lý tưởng sống. Nó chắc chắn sẽ là một cú hích thực sự khiến tôi quyết tâm dấn thân mình vào những dự án xã hội mà tôi đang lừng khừng, so đo trong con tính bấy lâu nay.

Với tất cả cảm xúc và trong giới hạn thông tin cho phép, tôi sẽ lần lượt kể lại chuyến đi của mình theo phong cách kể... lể, để chia sẻ cùng anh em bạn bè, trước là để cùng nhau biết thêm một vài thông tin, sau nữa là cùng nuôi ước mong có một lần lại đến với Trường Sa. Bởi sẽ chẳng lời kể nào, trang viết nào đủ cho những trải nghiệm mà đích thân mình nếm trải.

Mời anh em, bạn bè và các độc giả quan tâm cùng đón đọc.

Giáo sư Xoay đến Cam Ranh dự hội thảo

Sau đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Đà Nẵng, tôi khoác ba lô lên chiếc máy bay ATR để bay vào Cam Ranh. Trên máy bay gần như toàn Tây ba lô, vì thường thì ngoài dân du lịch chẳng mấy ai bay tuyến này để nhằm mục đích công tác như tôi cả.

Một đêm nhạc mệt mỏi khiến mắt tôi chỉ muốn díp vào. Nhưng chiếc ATR bay xóc như phi ngựa khiến tôi mấy lần phải ngó ra cửa xem nó đang bay theo thể thức quay cánh quạt, hay vỗ cánh.

Ngồi cạnh tôi là một bác người Đức to béo có mái tóc dài buộc dây chun. Chẳng ngủ được nên đành quay sang buôn chuyện với ông bác cho đỡ buồn.

Ông bác thì cứ tấm tắc khen ở Việt Nam vào internet dễ thế, sướng gấp vạn lần Ấn Độ. Tiện công bay trên vùng trời Đà Nẵng, tôi tranh thủ quảng cáo mấy chính sách du lịch và hải sản, thì ông bác lại khoe quê ông bác có nhiều bia lắm. Tôi lại khen phụ nữ nước ông bác khỏe thật, bê một đống cốc bia thế mà vẫn cười được...

Và, như để đáp lễ, ông bác lại khen ở Việt Nam mua phần mềm rẻ bèo, ông bác vừa mua cái đĩa cài lại Win hết có gần 1 đô. Tôi chém gió là ở Việt Nam người ta chỉ bỏ tiền để mua một số phần mềm trên 40 kg thôi, còn phần mềm máy tính thì miễn phí...

Rồi chả biết mình ngủ lúc nào. Giật mình tỉnh dậy thì thấy ông bác béo tốt cũng đang ngáy pho pho...

Xuống đến sân bay Cam Ranh ấn tượng đầu tiên là nắng và vị gió biển, xung quanh những dải cát trắng khiến cho cái nắng ở đây như chói chang hơn. Vì phải đợi mấy ông anh đang từ Hà Nội bay vào, tôi kiếm một quán cà phê để ngồi đợi. Quán cà phê mở trong lòng khu nhà chờ mà vẫn phải có ô che nắng, thế mới biết nắng vùng này gay gắt cỡ nào.

Đón đoàn là một thượng tá Hải quân, sau động tác chào theo quy định nhà binh, anh em chúng tôi bắt tay nhau làm quen. Con đường từ Cam Ranh về Nha Trang khoảng 30 cây, hai bên đường chủ yếu là cát và những cây bụi nhỏ, thi thoảng có vài bụi hoa giấy mầu hồng nổi bật giữa nền cát trắng. Lác đác là những khu dân cư nho nhỏ với những cửa hàng lèo tèo.

Anh tài xế chẳng biết do đợi đến quá trưa nên đói bụng, hay đau bụng mà chạy như bay. Đã thế anh còn hồ hởi: "Lắc thế này mới cỡ đi tầu khi sóng cấp 3 thôi ạ". Trên con đường ngoằn ngoèo toàn khúc cua, đoàn khách với những ông to béo xô từ bên này sang bên kia, ố á ầm ầm, vui đáo để. Nhoáng một cái chúng tôi đã đến Nhà khách Hải quân. Một nhà khách thuộc loại tiện nghi và hiện đại... của hơn 20 năm về trước.

Các chị phục vụ trung trung tuổi thấy tôi thì cứ bấm lưng nhau cười khúc khích làm tôi cũng hơi giật mình, vội len lén quay đi kiểm tra khóa quần đã cài chưa. Mãi thì mới có một chị "mạnh dạn" ra hỏi tôi có phải giáo sư Xoay không. Sau khi thông tin này được xác nhận, một cuộc loan tin rầm rộ trong toàn khu nhà nghỉ yên ắng này làm tôi cũng thấy phát ngại.

Những chiếc cửa phòng bằng kính trong suốt chốc chốc lại có chị đi qua ngó vào xem anh Xoay thế nào, chốc chốc lại vào hỏi han, có cái điều khiển điều hòa hết pin cũng có đến 3 người vào sửa. Anh bạn cùng phòng làm ở Vinaconex thì chưa bao giờ xem chương trình của tôi nên cứ nghĩ ở đây nhân viên họ nhiệt tình với khách hàng nói chung như vậy, thành ra cứ tấm tắc khen thái độ phục vụ mãi.

Các chuyến bay từ 2 đầu đất nước lần lượt tới, các vị lãnh đạo các doanh nghiệp lần lượt đến nhà khách để "nhập trại" cùng chúng tôi. Sáng mai, 19.4, chúng tôi sẽ đi thăm Vùng 4 Hải quân tại Cam Ranh - Trung tâm "tàn phá sắc đẹp" bậc nhất Việt Nam.

Gần quá hóa khó "focus"

"Rừng vàng thì chúng ta đã chặt gần hết rồi, giờ chúng ta phải quay mặt ra biển bạc" - câu phát biểu hóm hỉnh của một bác lãnh đạo Hải quân khiến đoàn công tác của các doanh nghiệp bật cười mà không khỏi suy nghĩ. Đúng là đã đến lúc chúng ta phải quay ra biển và không thể chậm trễ hơn.

Tôi được giới thiệu là Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn FPT, một tổ chức chính trị hẳn hoi, nên oai lắm, được xướng tên giới thiệu rồi được mời lên trao quà. Bác Nam già (Nguyễn Thành Nam) "chỉ là" ủy viên HĐQT FPT nên việc chủ yếu là chạy đi ... chụp ảnh. Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến nhìn tôi động viên: "Cao to như chú em phải đi lái tầu ngầm mới đúng". Tôi cười nhăn răng: "Thủ trưởng yên tâm, em vừa có bằng lái ô tô năm ngoái xong".

FPT tặng các đơn vị Hải quân ở Cam Ranh 20 chiếc máy tính "của nhà trồng được", các công ty khác thì đem tặng nào là máy phô tô, máy chiếu... Hết phần trao quà long trọng, các bác lãnh đạo các đơn vị lao ra chụp ảnh với giáo sư Xoay để về nhà khoe con. Hóa ra vai diễn của mình đã mò vào đến tận vùng nắng gió này.

Những món quà nhỏ trên chỉ là "lễ ra mắt" của các doanh nghiệp mà thôi, phần việc chính của các doanh nghiệp chúng tôi là đi thăm và khảo sát để đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng 4. Thành ra đoàn đi như tour du lịch và đích thân Phó Tư lệnh dẫn chúng tôi đi đến từng nơi và trực tiếp giới thiệu.

Cá nhân tôi thấy cũng rất bất ngờ và vui khi ở đơn vị nào "giáo sư" Xoay cũng được nhận ra, và được chụp ảnh cùng các chiến sỹ tới tấp. Tự nhiên nghĩ tới mấy số làm ẩu cho xong mà xấu hổ quá đi.

Như các phương tiện truyền thông đã có đưa tin, thời gian gần đây, theo cùng với sự quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo, hải quân Việt Nam cũng đã được đầu tư đáng kể về vũ khí và khí tài quân sự. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ đời sống cho bộ đội thì vẫn còn khá thiếu thốn, do vậy các dự án lần này chủ yếu là các công trình xây dựng phục vụ công tác chăm lo đời sống và tinh thần cho bộ đội hải quân.

Phải nói thêm một chút về lý do mà chúng tôi quan tâm đến Vùng 4 Hải quân. Trước tiên là bấy lâu nay, khi nhắc đến vấn đề biển đảo, dư luận thường quan tâm tới các chiến sỹ đang đứng canh gác nơi đầu sóng ngọn gió là chủ yếu, chứ ít ai quan tâm rằng lực lượng hải quân chủ công khi "biển động" đều đóng ở Cam Ranh.

Thành ra, anh em ở đây cứ hay nói nửa đùa nửa thật rằng được ra đảo còn "sướng" hơn ở trong đất liền. Thậm chí, thi thoảng cũng đã phải có những chuyến tầu vận tải chở ngược quà từ Trường Sa về chia sẻ cùng với các chiến sỹ trong bờ. Người ta bảo "xa mặt, cách lòng", nhưng trong trường hợp này, nơi "gần mặt" mà lại dễ bị "cách lòng" hơn.

Hay nói như dân nhiếp ảnh, gần quá rất khó "focus" (lấy nét).

Chúng tôi đến thăm các doanh trại, vào nhìn từng phòng ngủ của chiến sỹ, rồi được đi thăm từng vườn rau, từng trại chăn nuôi, từng ao thả cá... Và nghe những chia sẻ rất thật về cuộc sống của bộ đội chiến sỹ. Có những chuyện chẳng biết nên vui hay buồn, khi thi thoảng vợ của các chiến sỹ lên thăm mà đơn vị không có nhà khách để đón tiếp, thành ra con của các chiến sỹ một số cháu hay được đặt tên là Cát hoặc Bụi... (Tôi chỉ có sao kể vậy, chứ xin mạn phép không tranh nốt phần tự suy diễn của độc giả.)

Có những đơn vị đóng trong những khu vực rất hẻo lánh, phải đi xe tới hơn 20km mới tới nơi, xung quanh chẳng có gì, chỉ có cát và bụi cây cùng một con đường cái vắng hoe. Tâm sự với chiến sỹ thì anh em chỉ mong thi thoảng được "ra phố" ngắm người qua lại.

Nhưng xem ra có được nghỉ chăng nữa thì cũng biết đi thế nào mà ra phố đây? Anh em trong đoàn doanh nghiệp lại bàn bạc tranh luận giữa hai phương án là nên chở lính ra phố, hay chở phố về với lính...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với lực lượng Hải quân thì có vẻ như nó vẫn chưa ngừng, do vậy tinh thần bộ đội thời chiến được thể hiện rất rõ từ tác phong quân sự và kỷ luật. Không nói gì những nghi lễ đón tiếp trang nghiêm đúng quy cách quân sự của từng đơn vị, ngay từ anh lính gác đứng trên tận chòi canh xa tít cũng nghiêm trang chào khi đoàn xe của chúng tôi chạy qua.

Ấn tượng nhất chắc là phần đến thăm quân cảng với những chiếc tầu chiến hùng dũng đang neo đậu. Những chiếc tầu phóng lôi, tầu tên lửa chắc chắn và uy lực to lừng lững như một dãy nhà. Đặc biệt là một chiếc tầu khu trục "mới tậu" mang tên Đinh Tiên Hoàng to như cả một cái chung cư cỡ vừa, nghe đâu là chiếc hiện đại và uy phong bậc nhất hiện nay.

Một doanh nhân vốn là sĩ quan hải quân (xin phép không nêu tên ở đây), hớn hở trong ngày được quay lại thăm hạm đội, đã chỉ cho tôi xem một chiếc tầu phóng lôi và khoe: "Ngày xưa cái tầu tao làm thuyền trưởng là giống hệt con này".

Ánh mắt hấp háy như trẻ con, "Lão Đại úy" còn khoe thêm: "Bình thường một con tầu khu trục mày muốn hạ nó bằng tên lửa thì phải chơi cỡ hơn chục quả, nhưng tao chỉ cho 2 quả ngư lôi là chìm nghỉm ngay. Trên biển ngư lôi chẳng khác gì đòn đánh vào 'mục tiêu số 4'..." Anh bỏ lửng câu nói ở đó, nhưng mắt lại càng hấp háy tợn.

Cậy nhờ quen biết của ông anh, tôi leo tót lên chiếc tầu phóng lôi chụp ảnh với mấy anh hải quân. Tiện thể, tôi leo lên cả khẩu pháo, chui vào trong ụ pháo chụp cho hoành tráng. Một anh lính trẻ măng đang ngồi bên trong thấy tôi thì cười khì khì: "Chào Giáo sư".

Tôi được anh Hùng - Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Tầu tấn công tặng cho 1 bộ đồ lính hải quân đầy đủ "từ trên xuống dưới". Thấy xung quanh toàn anh em sỹ quan, nên tôi cũng không ngần ngại gì, cởi chiếc áo FPT đang mặc tặng lại anh, đúng như cái cách các cầu thủ bóng đá khi hết trận đấu vậy. Thế rồi, tôi mặc luôn chiếc áo lính hải quân vừa được tặng, đi đi lại lại trông oai vệ hẳn.

Anh Hưng - Chỉ huy Lữ đoàn Tầu ngầm - đồng hương Nam Định của tôi - thì "dọa": "Lính của anh mà râu dài như chú thì chắc phải đi dọn vệ sinh cả tháng". Ông anh cứ doạ đi, biết đâu sẽ có ngày Giáo sư Xoay mặc chiếc áo này để làm hẳn một chương trình về những câu hỏi của chiến sỹ Trường Sa cho ông anh biết mặt.

Thăm các chiến sỹ, thăm đội tầu chiến, nghe những chiến công mà chưa bao giờ được nghe, hay được đọc, trên các phương tiện truyền thông, anh em chúng tôi ai nấy mặt mũi hớn hở ánh lên vẻ tự hào. Thậm chí, có nhiều bác còn hăng máu định "giải quyết dứt điểm" mấy điểm nóng luôn "cho nó vuông".

Nói vậy thôi, chứ vấn đề biển đảo luôn là vấn đề phức tạp, và bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Không thể lạc quan tếu, hay hô khẩu hiệu mà xong. Chẳng ai muốn có xung đột, nhưng muốn có hòa bình vững chắc, chúng ta lại cần chuẩn bị tốt nhất...

Đinh Tiến Dũng

Kỳ 2: Đêm đầu tiên trên biển