(TuanVietnam) - Vị trí tượng đài của bà mẹ Việt Nam Anh hùng, câu chuyện "nhầm chỗ" liên quan đến làng giải trí, và cuộc khủng hoảng triết lý giáo dục là những lát cắt trong Phát ngôn & Hành động tuần này.


Tượng đài của Mẹ


Trong tuần vừa rồi, báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) có đăng loạt bài với nhan đề chung là "Tượng đài của Mẹ đặt ở đâu?", kể về cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống.

Đó là mẹ Sua ở ấp Thạnh Trị 2, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là mẹ Sơn ở xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đó là mẹ Thum ở Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang...

Ba bà mẹ đã có đứa con trai duy nhất, thậm chí cả chồng, hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chỉ có một mong ước duy nhất là được Nhà nước xây lại cho những căn nhà tình nghĩa đã quá xập xệ, mục nát, do được xây đã quá lâu rồi. Để khỏi phải chui vào bụi tre núp mưa bão, đi ở nhờ, hay luôn cánh cánh nỗi lo nhà sẽ sụp bất cứ lúc nào.

Ở đoạn kết của chùm bài này, sau khi kêu gọi mọi người hãy có những hành động cụ thể để giúp các bà mẹ nói trên, tác giả Trầm Hương đã viết: "Mỗi chúng ta, những người đang được sống hôm nay, xin hãy xây dựng tượng đài Người mẹ ngay trong tấm lòng mình. Có nhiều cách để tôn vinh những bà mẹ ấy. Sao không chăm sóc những tượng đài mẹ đang sống?"

Người viết chợt nhớ lại câu chuyện đã lùm xùm suốt một tháng nay, khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh ký quyết định xin bổ sung thêm 330 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Thứ, đã được khởi công từ 27.7.2009 với số vốn ngân sách được duyệt là 81 tỷ đồng, vì lý do chính là trượt giá và Thay đổi thiết kế?!

Câu chuyện lại được phát triển theo hướng hài hước, khi ông Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Quảng Nam có tên là Đinh Hài đã lên tiếng giải thích trên công luận.

Khi phóng viên hỏi tại sao sở của ông lại bổ sung vốn trong lúc chính phủ đang tiết kiệm chi tiêu công và hạn chế đầu tư dàn trải, ông trả lời tỉnh bơ: "Thực ra đến thời điểm hoàn thành, người ta thường quan tâm đến tính mỹ thuật của tượng đài, chứ ít ai quan tâm công trình tốn bao nhiêu tiền."


Căn nhà tình nghĩa được xây đã rã mục, sắp đổ. Mỗi khi mưa giông, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sua nấp dưới lùm tre tránh bão. Ảnh: SGTT

Rồi với câu hỏi về căn cứ để đưa ra số tiền xin bổ sung, ông nói: "Sự trượt giá này nghiêng nhiều về tính mỹ thuật còn phần công trình thô khác thì không bao nhiêu."

Người viết xin được dành quyền bình luận cho quý độc giả. Còn về phần mình, người viết chỉ thấy lo lo cho anh bạn mới quen trong chuyến đi Cam Ranh vừa rồi là Đinh Tiến Dũng, được biết đến nhiều hơn với cái tên Giáo sư Cù Trọng Xoay trong mục "hỏi xoáy - đáp xoay" trên VTV3 vào tối thứ Bảy hàng tuần. Đinh Tiến Dũng thực sự sẽ có một đối thủ cạnh tranh nặng ký là ông giám đốc sở này, trong trường hợp ông này muốn nhảy vào lĩnh vực showbiz.

Thứ nhất, khả năng đối đáp của ông còn cao hơn Đinh Tiến Dũng một bậc, không chỉ là "xoay" mà phải gọi là "xoắn" mới đúng. Thứ hai, để thu hút sự chú ý của khán giả về tính hài hước của mình, ông cũng chẳng cần phải mất công nghĩ ra cái nghệ danh là GS Cù Trọng Xoay như Đinh Tiến Dũng. Nghệ danh của ông thuộc loại "của nhà trồng được" mà.

Tất nhiên, có thể là điều may mắn, là đề án này vẫn phải chờ sự thông qua của chính phủ mới, được thành lập sau cái quyết định nói trên của Chủ tịch Quảng Nam chừng hai chục ngày. Người viết còn nhớ rằng cách đây 6 năm, người đã ngồi ở cái ghế hiện nay của ông Lê Phước Thanh và hiện nay đang ngồi ở ghế Phó Thủ tướng phụ trách mảng nội chính và thanh tra, đã từng tâm sự với người viết rằng tỉnh có nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất chính là tỉnh nghèo nhất, do phải giải quyết những hậu quả khốc liệt nhất và dai dẳng nhất của cuộc chiến.

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói: "Vào những dịp đền đáp công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Quảng Nam luôn phải trích thêm ngân sách tỉnh để tặng tiền, tặng quà cho các mẹ. Bởi phần tiền, hay quà, theo qui định của Nhà nước, quá nhỏ nhoi."

Chắc hẳn ở một vai trò khá quan trọng trong việc phê chuẩn dự án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải cân nhắc kỹ. Người viết xin được mạn phép trình bày thêm đôi điều với "Ông Phúc 'Quảng Nôm' - Người đồng hành cùng cơ chế".

Về việc xây dựng tượng đài cho một người mẹ đã có 9 con ruột, 2 con rể và một cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như một sự tôn vinh cho đức hy sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam, là điều không thể bàn cãi.

Thế nhưng, việc bỏ tới hơn 400 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước như hiện nay, cho một dự án tượng đài, đã khiến dư luận và công luận đồng loạt đặt ra những băn khoăn.

Thứ nhất là trong khi nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác - những tượng đài sống - vẫn rất cần sự trợ giúp của ngân sách nhà nước, để có thể sống nốt những ngày cuối đời với một cách bớt âu lo hơn. Như ba bà mẹ mà báo SGTT đã đề cập chẳng hạn.

Thứ hai là bản thân tỉnh Quảng Nam, ngoài việc phải chăm lo cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sống, hàng năm vẫn phải đối mặt với hậu quả của thiên tai, như bão lũ, với biết bao nhiêu người dân bị mất nhà mất cửa, mất kế sinh nhai. Nếu dự án này được thông qua thì liệu mùa bão lũ sắp tới, ban lãnh đạo mới của tỉnh sẽ lấy tiền đâu lo cho dân? Hay lại trông chờ vào lòng hảo tâm của đồng bào các tỉnh bạn - những người có cuộc sống cũng ngày một khó khăn hơn?


Ảnh phác họa tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ của tác giả Đinh Gia Thắng

Thứ ba là tượng đài này cũng là biểu tượng cho lòng bất khuất và đức hy sinh cao cả của những người phụ nữ Việt Nam nói chung trong cuộc chiến đấu chung của dân tộc nhằm giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Những người con, người cháu của mẹ Thứ đã hy sinh trong hai cuộc chiến kéo dài suốt 30 năm để non sông liền một dải vào năm 1975. Thế nhưng, một phần biển đảo của Việt Nam vẫn còn bị nước ngoài chiếm đóng, hay phong toả.

Theo thiển nghĩ của người viết, mẹ Thứ, dưới suối vàng, ắt hẳn sẽ vui hơn khi biết số tiền mà người ta định xây khu tượng đài hoành tráng cho mẹ sẽ được dùng một phần để hỗ trợ cho những ngư dân Quảng Nam vẫn kiên trì bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia ở ngoài đảo xa. Bởi chính họ là những người đã tiếp nối cái sự nghiệp cao cả mà vì nó những người con, người cháu của mẹ Thứ đã hy sinh cuộc sống của mình.

Việc có tiếp tục dự án tượng đài mẹ Thứ hay không, và, nếu tiếp tục, thì với qui mô nào, người viết không dám lạm bàn thêm. Chỉ có điều, trong bất cứ trường hợp nào, mẹ Thứ, cũng như tất cả các bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, dù còn sống hay đã mất, đều phải có tượng đài trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, để họ luôn nghĩ tới trong hành động của mình. Đúng như lời kết của đồng nghiệp Trầm Hương cho loạt bài trên SGTT của chị.

"Đường cong" - cong nhầm chỗ


Các bà mẹ Việt Nam Anh hùng lại xuất hiện trong một sự kiện văn hoá khác. Đó là "Đêm Mỹ nhân", diễn ra vào 14.8 ở Sunspa Resort ở Quảng Bình, vì mục đích quyên góp từ thiện. Có điều, lần này, họ không phải là những nhân vật chính của những bài báo, mà chỉ là cái nền tương phản để dư luận và giới truyền thông trút cơn "thịnh nộ" xuống đầu những nhân vật trong giới showbiz.

Sau chương trình này, dư luận đã lên tiếng phản ứng gay gắt với cách ăn mặc mà họ coi là "phản cảm" của nhiều ca sĩ, như Minh Hằng, Hoàng Thùy Linh, Yến Trang... Đặc biệt, Thu Minh, người nổi tiếng với ca khúc "Đường cong", cũng như vương miện Nữ hoàng của "Điệu nhảy hoàn vũ", cũng nằm trong danh sách này.

Cùng với các ca sĩ nói trên, chủ nhân của ca khúc nổi tiếng "Đường cong" bị coi là ăn mặc "quá thiếu vải" trước đông đảo khán giả, trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng, và học sinh - sinh viên nghèo khó, mồ côi.

Để rồi sau đó, ngày 18.8, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) đã có công văn gửi cho Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình yêu cầu làm rõ việc nghệ sĩ mặc phản cảm trong chương trình từ thiện "Đêm mỹ nhân".

Chính điều này cũng làm nhoà đi kết quả mà ban tổ chức của chương trình "Đêm Mỹ nhân", khi họ quyên góp được 460 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. BTC đã trích ra 57 triệu đồng để trao cho các sinh viên nghèo mồ côi cha mẹ, còn lại số tiền quyên góp được đã gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình để chuyển tới các gia đình khó khăn, VTC News đưa tin.

Trao đổi với báo chí, ông Cục trưởng Vương Xuân Biên cho biết: "Quan điểm của cục là yêu cầu Sở VH-TT&DL Quảng Bình làm rõ và nếu có sai phạm thì phải xử phạt theo quy chế."

Câu chuyện các ca sĩ ăn mặc "thiếu vải" là một đề tài được bàn tán từ lâu, và tốn không ít giấy mực của báo chí, cũng như không ít cuộc hội thảo của các cơ quan quản lý, nhưng chưa có hồi kết. Bởi ăn mặc thế nào là chuyện "gu" của từng người, từng giới, từng lứa tuổi.


Hoàng Thùy Linh và Minh Hằng biểu diễn trong chương trình Đêm mỹ nhân, Ảnh: Dân trí

Vả lại, việc cục của ông Biên cho đến nay vẫn chưa ra được qui định cụ thể là váy (hay quần) của ca sĩ ngắn tới đâu, áo hở ngực tới đâu, vải mỏng tới mức nào, được coi là vi phạm, cũng cho thấy thêm khía cạnh phức tạp của vấn đề.

Hơn nữa, cũng chính ông Biên, trong cuộc trao đổi đó, có nói rằng "không phải cứ thấy đẹp ở chỗ này thì có thể mặc biểu diễn ở những chỗ khác". Nghĩa là ông cũng không thấy cách ăn mặc của những ca sĩ được nêu danh là "phản cảm", nếu ở hàng ghế khán giả không phải là các bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Nếu tinh ý một chút, có thể nhận thấy rằng khán giả chủ yếu của chương trình này là những người đến nghỉ ở Sunspa Resort, được xếp hạng 5 sao, và một số có chức vị. Tức là đối tượng chính của buổi biểu diễn là những "đại gia", hay chí ít cũng thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội.

Chắc chắn chương trình có làm hài lòng họ thì họ mới chịu bỏ tiền làm từ thiện. Vả lại, trong khung cảnh bên bãi biển thơ mộng và phóng khoáng như vậy, biểu diễn như vậy là phù hợp.

Ngoài ra, chắc chắn những ca sĩ xuất hiện trong chương trình cũng đã được thông qua từ trước, và ai cũng có thể đoán trước được phần nào Hoàng Thuỳ Linh, hay Minh Hằng, sẽ ăn mặc và nhảy nhót bốc lửa thế nào. Họ là những ngôi sao giải trí chứ mà người ta phải "mục sở thị" và "cảm nhận", chứ không phải những giọng hát mà người ta có thể thưởng thức bằng chiếc tai nghe, hay trên xe hơi.

Trong chương trình "Đêm Mỹ nhân", người viết thấy tiếc nhất cho "Đường cong" Thu Minh, một giọng ca hay và có sự truyền cảm thực sự. Nhưng, rủi thay, cô lại "cong" nhầm chỗ.

Vấn đề nằm ở chỗ có nhất thiết phải mời các mẹ Việt Nam Anh hùng và các em học sinh nghèo tới đó không? Đằng nào thì các nghệ sĩ, người mẫu, trong chương trình, cũng sẽ đến thăm họ vào ngày hôm sau.

Có vẻ như ban tổ chức đã hơi tham lam, khi tranh thủ "tri ân" các mẹ, và biểu hiện nghĩa cử với các em nhỏ nghèo luôn. Để đỡ phải tổ chức một chương trình ca nhạc khác, phù hợp hơn với những đối tượng này?

Và, vô hình trung, họ đã khiến cho những người mà họ muốn "tri ân", muốn thể hiện "nghĩa cử", cảm thấy bị thương tổn. (Tại sao các đồng nghiệp không thử phỏng vấn xem các bà mẹ và các em nghĩ gì nhỉ, thay vì "phẫn nộ" thay cho họ?)

Trong khi đó, Linh-Minh-Trang-Hằng, những người cố hết mình, trong khả năng và sở trường của họ, để "Đêm Mỹ nhân" đạt được hiệu quả cao nhất, theo mục tiêu đề ra là quyên góp từ thiện, lại trở thành những "tội đồ".

Ông Vương Xuân Biên và các cộng sự của mình đã bắt đúng huyệt, khi gửi công văn cho Sở VH-TT-DL Quảng Bình. Là những người tham gia ban tổ chức, họ là những người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. "Thậm chí nhà quản lý văn hóa ở địa phương cũng chưa ý thức được việc đó", ông Biên nói.

Đặc biệt là họ đã không chịu rút kinh nghiệm từ sự cố "Lý Nhã Kỳ" trong chương trình "Bản giao hưởng Điện Biên", cách đây ngót nửa năm.

Hồi đó, dùng cách nói của ông Vương Xuân Biên, màn tiếp thị "hàng" Việt Nam chất lượng cao của cô nữ diễn viên dòng phim giải trí này có thể tạo ấn tượng "ngọt ngào" ở những sân khấu giải trí, nhưng lại tạo cảm giác "lợm giọng" ở vở chính kịch nhằm tôn vinh Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp - người mà ngày hôm qua, 25.8.2001, vừa tròn 100 tuổi. Nhất là lại được truyền hình trực tiếp cho đồng bào cả nước, và kiều bào ở nước ngoài nữa.

Cuộc khủng hoảng triết lý giáo dục


Triết lý giáo dục Việt Nam là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại cuộc hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tại ĐH Sư phạm TP.HCM vào đúng ngày kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng. Nổi cộm nhất trong hội thảo chính là triết lý giáo dục - một vấn đề đã được đề cập tới từ hơn chục năm nay qua nhiều hội thảo.

Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều nhà giáo dục, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách tận cùng. Và kết cục là nền giáo dục đang phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Đặc biệt nhất, theo nhà giáo Nguyễn Chương Nhiếp, đến từ Trường ĐHSP TP.HCM, gần 40 năm cải cách giáo dục, không phải Việt Nam không nỗ lực, không đầu tư đúng mức, nhưng càng cải cách, giáo dục càng đuối, càng lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn.

Ông chỉ ra nguyên nhân rằng cái triết lý giáo dục mà ông cha đã xây dựng hàng ngàn năm và phát huy tác dụng trong lịch sử đã không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội của thế kỷ 21. Bởi, theo ông, nó bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và ý thức hệ phong kiến.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã tiếp tục phát triển quan điểm trên. Ông cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam dứt khoát phải trở thành thế hệ "con hơn cha", tức là muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo trước hết phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái bài văn mẫu.

"Khuyến khích tư duy độc lập là một khâu đột phá trong đổi mới giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới", TS Hồ Thiệu Hùng nói.

Một người tự nhận mình chỉ là giáo sư trên truyền hình là GS Cù Trọng Xoay (tức Bí thư Đoàn của Tập đoàn FPT Đinh Tiến Dũng), khi trao đổi với người viết về vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, đã bổ sung: "Một bế tắc lớn trong giáo dục hiện nay là thiếu tấm gương để giới trẻ noi theo, như hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ của những năm 50-70 của thế kỷ trước."

GS Xoay đưa ra một nhận định khá độc đáo rằng lỗi không chỉ ở các nhà hoạch định chính sách giáo dục, mà cả giới truyền thông. Theo ông, do cách chiều theo thị hiếu của công chúng, truyền thông thường "đẩy" quá hình ảnh những tấm gương thành công kiểu "mỳ ăn liền" của các ngôi sao giải trí dễ dãi, chẳng hạn, hay cuộc đời của những người thành đạt thực sự lại bị photoshop quá nhiều.


Triết lý giáo dục tại Trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM): Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để hoàn thiện mình - Ảnh: Tuổi Trẻ

"Điều đó khiến cho giới trẻ nhiều khi không hình dung được để thành công người ta phải lao động miệt mài và nghiêm túc như thế nào. Cũng như phải trả giá rất lớn cho cực kỳ nhiều những sai lầm, nhiều khi cực kỳ ngớ ngẩn", GS Xoay nhận xét.

Được khích lệ bởi sự thẳng thắn của GS Xoay, người viết, vốn xuất phát trong một gia đình có nhiều người theo nghiệp giáo dục, và bản thân cũng từng có những năm tháng "xoa đầu sinh viên", cũng mạnh dạn xin phép quý độc giả cho lạm bàn mấy câu.

Theo ngu ý của người viết, cái triết lý giáo dục đầy đủ nhất hiện giờ chính Bác Hồ đã đưa ra nửa thế kỷ trước. Đó là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Con người mà nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang muốn xây dựng chính là con người hội đủ 5 tiêu chí đó.

Thứ nhất, là "yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào". Phàm cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho sự phát triển đi lên của xã hội dứt khoát phải làm. Phàm cái gì có hại dứt khoát không làm. Ý thức công dân và lòng nhân ái cũng nằm ở chỗ đó.

Thứ hai là học tập tốt, lao động tốt. Học tập tốt mới có kiến thức thật, bằng cấp thật, để đóng góp cho xã hội, chứ không phải đi mua bằng giả như không ít sinh viên, hay thậm chí học "giả" hiện nay. Có lao động tốt, chăm chỉ mới khỏi ăn bám người khác, hay "ngồi mát ăn bát vàng".

Thứ ba là "đoàn kết tốt, kỷ luật tốt".

Lịch sử đã chứng minh rằng mỗi khi dân tộc chúng ta kết thành một khối, trên dưới đồng lòng, không kẻ thù nào có thể đánh bại chúng ta, còn khi dân tộc bị chia rẽ, trên dưới bất hoà, đất nước luôn gặp hoạ xâm lăng, thậm chí bị đô hộ.

Và kỷ luật là một trong những yếu tố duy trì đoàn kết. Tất nhiên, phải trên cơ sở một nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch và công bằng.

Thứ tư là "giữ gìn vệ sinh thật tốt". Ngoài nghĩa đen, điều này còn có ý nghĩa về ý thức giữ cho hai bàn tay "sạch", không bị nhúng chàm.

Thứ năm là "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".

Có khiêm tốn mới nhìn nhận đúng mình, để khỏi ưỡn ngực, chém gió, coi mình cao hơn thiên hạ. Tấm gương khiêm tốn mà đi lên của người Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng nhất.

Thật thà tức là trung thực, Bác nói cho vần thôi. Trung thực với bản thân, trung thực với cộng đồng, và với xã hội. Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là học trò không ngồi nhầm lớp, khi đi làm không ngồi nhầm ghế.

Dũng cảm là dám đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực. Một xã hội có nhiều người dũng cảm thì cái tốt mới át được cái xấu, người tốt mới không sợ kẻ xấu. Và cũng không kém phần quan trọng là dám thẳng thắn nhận trách nhiệm về những sai lầm của mình.

Đối với ngành giáo dục, bao gồm cả các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy chính là cách tốt nhất để hưởng ứng cuộc vận động "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", do Ban Bí thư phát động từ mấy năm nay.

Còn nhớ, ông Phạm Vũ Luận, khi lần đầu tiên nhậm chức bộ trưởng giáo dục - đào tạo, đã nói rằng ông không có tham vọng tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình. Nhiều người đã không hiểu hàm ý của ông: Ông muốn lặng lẽ tiếp tục thực hiện những đợt phát động "Nói Không" do người tiền nhiệm, đồng thời vẫn là thủ trưởng của ông khởi xướng.

Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn toàn có thể tự tin tạo dấu ấn của mình, bằng việc khởi xướng phong trào "Nói Có" với "5 điều Bác Hồ dạy". "Nói Có" (Say Yes to...) chính là sự bổ sung hoàn hảo cho "Nói Không" (Say No to...), cũng tương tự như "xây" và "chống".

Xã hội Việt Nam trong con mắt mọi người, nhất là giới trẻ, vì thế, chắc chắn trông sẽ tươi sáng hơn, và vận động theo chiều hướng tích cực hơn.

Thế mà sắp khai giảng năm học mới rồi nhỉ? Năm nay cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi 5 điều căn dặn đó.

  • Huỳnh Phan