(TuanVietnam) - Xuất thân là một tu sĩ trường dòng, rẽ sang làm doanh nghiệp (từng giữ vị trí Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Donatimber, liên doanh đầu tiên giữa Đồng Nai và đối tác Singapore trong lĩnh vực chế biến gỗ và song mây), thì tai nạn ập đến, vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của ông Nguyễn Quốc Phong. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ buổi tối định mệnh cách nay 20 năm.

Nhiều năm qua, Mái ấm Thiên Ân (122 Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) đã trở thành một địa chỉ tin cậy của nhiều người khiếm thị ngoại tỉnh. Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm mái ấm này là bầu không khí lạc quan và đầm ấm của những con người quanh năm làm bạn với bóng tối.

Ấn tượng thứ hai là bằng khen, huy chương treo la liệt trên tường phòng khách, ghi nhận thành tích một số thành viên của mái ấm trong những sự kiện thể thao quốc tế như ASEAN ParaGames, FESPIC Youth Games... Nhiều chủ nhân của những phần thưởng này giờ đây đã rời khỏi mái ấm, tự tạo lập được cuộc sống ổn định. Một môi trường khuyến khích sự phát triển cả về trí lực và thể lực. Ấn tượng thứ ba là người sáng lập mái ấm này, ông Nguyễn Quốc Phong, cũng là một người khiếm thị.

Ngoài việc điều hành mái ấm, từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Quốc Phong còn là tác giả của nhiều đầu sách chữ nổi, chẳng hạn như Từ điển Anh - Việt (65.000 từ), bộ sách Tin Mừng gồm 80 cuốn...

Xuất thân là một tu sĩ trường dòng, rẽ sang làm doanh nghiệp (từng giữ vị trí Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Donatimber, liên doanh đầu tiên giữa Đồng Nai và đối tác Singapore trong lĩnh vực chế biến gỗ và song mây), thì tai nạn ập đến, vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của người đàn ông này. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ buổi tối định mệnh cách nay 20 năm. Ông nói:

Lúc đó khoảng hơn 9 giờ tối. Một chiếc xe tải chở tua tủa lồ ô bị chết máy, nằm giữa đường. Do chủ phương tiện không đặt biển báo nên đến khi tôi phát hiện ra chướng ngại vật này thì tai nạn ập đến. Gãy xương bả vai, mắt phải hư hoàn toàn, mắt trái còn nguyên vẹn nhưng ống thần kinh thị giác bị giập nát, giống như "bóng đèn còn mà dây điện thì đứt". Mũi cũng hư luôn. Thành ra, vừa mù, vừa tịt. Sau hơn sáu tháng điều trị ở nhiều bệnh viện, tôi được xuất viện. Năm ấy, tôi 33 tuổi.

Bắt đầu một cuộc sống mới không có ánh sáng khi đã ngoài 30, có khi nào ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng?

Chưa đến mức tuyệt vọng, nhưng vô cùng chán nản. Từ một người bình thường, hoạt động thường xuyên, chỉ thoắt một cái mà mình suốt ngày lủi thủi ở góc nhà, ngay cả những việc nhỏ cũng không tự mình làm được, phải có sự trợ giúp. Cuộc sống tù túng, ngột ngạt. Một trong những chỗ dựa của tôi lúc ấy là đức tin, tích lũy sau gần 20 năm học tập ở trường dòng.

 
 Ông Nguyễn Quốc Phong người sáng lập Mái ấm Thiên Ân. Tranh Hoàng Tường

Xin được ngắt lời ông. Bỏ ra ngần ấy thời gian tu tập, tại sao ông không đi tiếp, để trở thành linh mục?

Việc thụ phong linh mục trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước còn khó khăn lắm. Chờ hoài vẫn chưa đến lượt mình, năm 1988, tôi quyết định ra ngoài, làm việc cho Donatimber ở Đồng Nai.

Tiếp tục với câu chuyện về những ngày đầu xuất viện. Dù muốn hay không, tôi vẫn phải chấp nhận sự thực, phải làm quen với cuộc sống không có ánh sáng. Tôi gõ cửa một số địa chỉ có chương trình đào tạo chữ nổi cho người khiếm thị nhưng đều bị khước từ. Lý do người ta đưa ra là tôi đã lớn tuổi, khó tiếp thu, khó hòa nhập với các em nhỏ tuổi. Việc tôi kiên trì xin học chữ nổi cuối cùng cũng có kết quả. Nơi chấp thuận cho tôi học là Câu lạc bộ Bừng Sáng. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ đến lớp được năm buổi sáng.

Vì "lớn tuổi, khó tiếp thu"?

Không. Sau năm buổi học, thầy giáo yêu cầu tôi làm một bài kiểm tra, gồm hai nội dung là tập đọc và chính tả. Tôi ráng làm thật tốt với hy vọng được tiếp tục học. Không ngờ ông thầy nói "anh làm tốt như vậy thì còn học làm gì". Vậy là tôi đành phải tự mày mò học.

Năm 1995, tức là một năm sau ngày thành lập mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, tôi tham gia chương trình đào tạo hàm thụ của Trường Hadley School For the Blind (bang Illinois, Hoa Kỳ). Đây là chương trình giáo dục miễn phí dành cho những người khiếm thị trên khắp thế giới, sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh. Cái hay của chương trình này là nội dung đào tạo rất phong phú và đa dạng, người khiếm thị có thể học suốt đời... Hiện tôi cũng đang theo học ba khóa về máy tính ở chương trình này.

Chuyển sang câu chuyện về sự ra đời của mái ấm Thiên Ân. Đâu là lý do khiến ông quyết định thành lập mái ấm này, khi mà bản thân ông cũng đang gặp vô vàn khó khăn?

Trong quá trình đi tìm chỗ học chữ nổi, tôi biết còn nhiều trường hợp thiệt thòi hơn mình rất nhiều, nhất là những em ở ngoại tỉnh, không có điều kiện để học hành. Dẫu sao tôi vẫn còn có hơn 30 năm sống trong ánh sáng, được học, được thấy đủ thứ... Nghĩ đến những nỗi bất hạnh của người khác khiến mình nhẹ lòng hơn, có thêm sức mạnh để đi tiếp. Bên cạnh những khó khăn, việc tôi bị mù vô tình lại là một lợi thế mà những người sáng mắt không có được. Đấy là: tôi thực sự trở thành người trong cuộc. Những gì tôi cần trong sinh hoạt hằng ngày cũng là những điều mà các em cần trợ giúp, thí dụ như thang máy có chế độ điều khiển bằng tiếng nói, lối lên cầu thang có những dấu hiệu để người khiếm thị nhận biết...

Vậy thì với những người sáng mắt, theo ông, nên trợ giúp người khiếm thị như thế nào cho đúng cách?

Có những chuyện người sáng mắt tưởng là tốt cho những người khiếm thị, nhưng thực ra lại là không tốt. Thí dụ, người ta cứ nghĩ những người khiếm thị có năng khiếu về massage và đặc biệt là âm nhạc, xuất phát từ quan niệm ông trời lấy đi đôi mắt thì bù lại cho đôi tai linh mẫn. Thế là người ta "dồn" các em vào chuyện đó. Thực tế là nhiều em khiếm thị không thể cảm thụ được âm nhạc. Môn nghệ thuật này với các em là một cực hình.

Trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều người thường trợ giúp người khiếm thị khi qua đường bằng cách cầm tay kéo đi. Nhiều trường hợp có đến hai người trợ giúp, sốt sắng kéo hai bên. Những lúc như vậy người khiếm thị rất sợ hãi, vì người khiếm thị không biết mình bị đưa đi đâu. Thêm nữa, trước khi trợ giúp, hãy hỏi xem họ có cần hay không. Nếu họ tự làm được thì hãy để họ làm, bởi trong thâm tâm, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung rất dễ bị tổn thương.

Năm 1994, tôi hợp tác với một nữ tu, thành lập mái ấm. Bà đảm đương vấn đề tài chính, còn tôi phụ trách công tác điều hành. Kể từ đó, tôi có quá nhiều việc để làm, không còn thời giờ để ngồi nghĩ vẩn vơ về nỗi bất hạnh của mình. Giúp người thực ra cũng là giúp mình. Năm 1999, chúng tôi tách ra riêng, thành lập Mái ấm Thiên Ân.

Vậy ông xoay xở thế nào để trang trải chi phí sinh hoạt cho hàng chục con người?

Thời gian đầu đúng là khá vất vả. Hằng ngày, cả thầy lẫn trò đều phải đi làm thuê ở bên ngoài. Người đến cơ sở massage trị liệu, người đi làm bàn chải chà sàn. Chiều muộn thầy trò mới về, tắm giặt ăn uống xong rồi mới ngồi vào bàn học. Cuộc sống bắt đầu dễ thở hơn khi chúng tôi kiếm được hai nghề là làm gậy dành cho người mù và làm sách chữ nổi. Gậy của chúng tôi bây giờ được bán khắp cả nước, xuất khẩu sang cả Thái Lan, Nhật Bản. Đến giờ thì chúng tôi vẫn độc quyền hai ngành này, do thị trường trong nước chưa có đơn vị khác cạnh tranh.

Xem ra, hai ngành này chẳng liên hệ gì với công việc làm bàn chải và massage trị liệu. Nhờ đâu mà ông "kiếm được hai nghề" này?

Năm 1996, tôi được cấp học bổng đi Pháp chín tháng, học về chữ nổi, vi tính và nghề in. Học bổng này do một người quen của chúng tôi là bác sĩ, đi du học ở Pháp, xin giùm. Còn cây gậy là công nghệ của Mỹ mà chúng tôi được chuyển giao.

Cái cơ ngơi này cũng từ gậy và sách chữ nổi mà có?

Năm 2007, chúng tôi mua mảnh đất này và tiến hành xây dựng. Chi phí chia làm ba phần thì chúng tôi chỉ lo được một, hai phần còn lại là nguồn tài trợ từ tổ chức Miserior (Đức) và Hội GKG (Thụy Sĩ). Do chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên chúng tôi phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Một phần đáng kể từ nguồn thu hằng tháng được dùng để trang trải chi phí sinh hoạt của mái ấm. Nhận thức được điều đó nên các em cố gắng học tập thật tốt, vừa giảm bớt gánh nặng về tài chính, vừa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống tự lập khi hòa nhập với xã hội. Đây chỉ là nơi các em sống trong một thời gian thôi. Lớp này ra đi thì mới có chỗ để cho chúng tôi tiếp nhận những em khác, vì sức chứa của cơ sở tối đa là 30 em.

Đến nay đã có bao nhiêu em rời mái ấm, thưa ông?

Có 72 người. May mắn là các em đều có công việc ổn định, trong đó phần lớn đã lập gia đình, sinh con. May mắn hơn nữa là thế hệ thứ hai đều lành lặn.

Liệu có hay không những cặp vợ chồng đều xuất thân từ mái ấm?

Cũng có. Nhưng không nhiều. Phần lớn các anh con trai đều tìm được bạn đời là người sáng mắt. Hai vợ chồng cùng khiếm thị thì cực lắm.

Vậy còn ông, có khi nào nghĩ đến hạnh phúc cá nhân?

Đâu có ai dám lấy tôi. Dù chưa có vợ nhưng tôi là cha của hơn trăm người con, là ông của hàng chục cháu nội, ngoại. Hằng năm, vào ngày truyền thống 8-12, mọi người dắt nhau về, vui như hội.

Mái ấm này là một môi trường sinh hoạt tập thể, đòi hỏi tinh thần kỷ luật cao. Ông có phải là người cha nghiêm khắc?

Quan niệm nơi đây là một mái ấm, nên kỷ luật không quá nghiêm khắc, chỉ đưa ra những nguyên tắc tối thiểu nhằm duy trì sự ổn định của ngôi nhà chung. Có lẽ một phần vì tôi được hưởng nền giáo dục khá thoáng ở nhà dòng. Tôi chủ trương khuyến khích và đánh thức ý thức tự giác của mỗi cá nhân. Các em có ăn đời ở kiếp với mình đâu. Vấn đề không phải là các em chịu trách nhiệm về hành vi của mình với tôi, mà là chịu trách nhiệm về hành vi của các em khi vào đời. Lúc đó, một ý thức tự giác tốt sẽ dẫn dắt hành vi của các em. Đấy mới là mục đích của chúng tôi.

Mọi vấn đề đều có hai mặt. Liệu có hay không những trường hợp vi phạm nội quy?

Cũng có. Tôi luôn trao đổi thẳng thắn với những cá nhân vi phạm, thường thì tái phạm đến lần thứ ba mới buộc phải xử lý. Nặng nhất là cho thôi học. Đây là việc không vui. Bỏ mặc thì dễ, nâng đỡ mới khó. Ở giác độ một người làm giáo dục, đối với tôi, khi phải kỷ luật một ai đó là thất bại của mình. Còn ở giác độ một người quản lý, tôi không thể chấp nhận đặt lợi ích cá nhân của một ai đó lên trên lợi ích tập thể. Đôi khi, có những quyết định của mình còn vội vàng, chưa thấu tình đạt lý.

Rồi ông có sửa sai không?

Tùy từng mức độ mà sửa. Có những trường hợp sau khi trả về gia đình, tôi đón trở lại. Cũng vì quan điểm giáo dục theo hướng tự do mà có những khi mình vấp phải sự phản đối từ các cộng sự.

Ngoài công việc điều hành mái ấm, ông còn là tác giả của nhiều đầu sách chữ nổi dành cho người khiếm thị. Ông sắp xếp thời gian như thế nào để có thể hoàn tất những công trình đồ sộ như vậy?

Việc tôi làm sách trước hết xuất phát từ nhu cầu thực tế. Năm 1998, tôi có dự một hội nghị toàn quốc của người khiếm thị. Một nội dung quan trọng của hội nghị là ký hiệu âm nhạc bằng chữ nổi. Thực tế lúc bấy giờ là mạnh ai nấy làm, chưa có tiếng nói thống nhất. Nghe các bên tranh luận căng quá mà vẫn chưa ngã ngũ, tôi mạnh dạn đưa ra một số tài liệu mới của thế giới mà mình mang về từ Pháp. Sau khi tham khảo, mọi người nhất trí sử dụng tài liệu này, và yêu cầu tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Khi công việc hoàn tất cũng là lúc tôi đầu tư thời gian cho công việc dịch sách một cách chủ động.

Để phục vụ nhu cầu học tập của người khiếm thị, tôi dịch một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa ra chữ nổi. Rồi kinh sách của người Công giáo. Những thành quả đạt được có đóng góp của nhiều người. Thời điểm đó sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đối với người khiếm thị còn hạn chế, phần mềm đọc chữ thường chưa có. Tài liệu bằng chữ nổi cũng không. Thành ra, mình phải nhờ bạn bè sáng mắt đọc giùm, rồi ghi lại bằng chữ nổi... Làm riết rồi trở thành niềm đam mê. Công việc điều hành mái ấm không thể bỏ được, nên tôi thường làm việc khuya. Từ ngày làm sách, hiếm khi nào tôi đi ngủ trước 12 giờ đêm.

Phải thừa nhận rằng sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp ích cho người khiếm thị rất nhiều trong quá trình tiếp cận tri thức, cũng như cải thiện kỹ năng sống. Vậy nên, tôi chỉ mong những người viết phần mềm, trước khi hoàn thiện công trình, hãy nghĩ đến đối tượng sử dụng là người khiếm thị. Chỉ cần bỏ thêm một chút thời gian, công sức là những người như chúng tôi có thể tiếp cận được liền.

Mong mỏi mà ông gửi gắm vào những người làm phần mềm hoàn toàn đúng nhưng e rằng chưa đủ. Xã hội cần phải làm nhiều hơn thế để những người khiếm thị cảm nhận được sự bình đẳng trong quá trình hòa nhập với xã hội...

Tôi cho rằng chính sách đối với người khiếm thị có những tiến bộ, luật cũng đã có, nhưng việc vận dụng vào thực tế còn hạn chế. Chẳng hạn như vấn đề giáo dục hòa nhập. Dù Nhà nước đã có chủ trương về giáo dục hòa nhập nhưng nhiều trường vẫn ngần ngại tiếp nhận học sinh khiếm thị. Lý do họ đưa ra cũng rất xác đáng là nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất hạn chế khiến không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Chương trình giáo dục quá tải, các thầy cô không đủ thì giờ để quan tâm, chăm sóc cho các em. Được tiếp nhận đã khó, trong quá trình học, người khiếm thị cũng chưa được đối xử một cách bình đẳng, chẳng hạn như chuyện kiểm tra, thi cử. Khi làm bài kiểm tra, trong khi các học sinh sáng mắt được phát đề thi, thì thí sinh khiếm thị phải chép đề, do nhà trường không chuẩn bị đề thi bằng chữ nổi. Nhiều khi chép xong đề, chẳng hạn như môn Anh văn, thì thời gian làm bài đã qua được phân nửa nhưng các em vẫn không được cộng thêm thời gian chết.

Cũng khó thể trách giáo viên vì thời gian rất hạn hẹp, không thể kéo dài, lấn sang thời gian của giờ học kế tiếp. Chỉ cần một thao tác nhỏ là chuẩn bị sẵn đề bằng chữ nổi là mọi phiền phức được giải quyết êm thắm, nhưng nhiều năm nay, chưa thấy cơ sở giáo dục nào làm được việc đó. Vấn đề trợ cấp cũng vậy. Không biết ai được, ai không. Một vấn đề nữa cũng rất thiết thực với người khiếm thị là chính sách về y tế. Đi bệnh viện, chúng tôi vẫn phải đóng viện phí như những người bình thường. Cuộc sống vốn đầy bất trắc. Để phòng xa, hằng năm chúng tôi đều mua bảo hiểm y tế cho các em, chi phí cũng khá tốn kém.

Ông là cột trụ của mái ấm. "Cây cột" năm nay đã bước sang tuổi 53. Liệu ông đã có sự chuẩn bị thế hệ kế tiếp, khi mà như ông nói, "cuộc sống vốn đầy bất trắc"?

Tôi đã nghĩ đến chuyện này từ lâu, và chuẩn bị đội ngũ kế cận. Một số em sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện ở lại giúp mái ấm, dù vấn đề quản lý điều hành vẫn còn bỡ ngỡ. Tôi cũng đã lập di chúc ngôi nhà này. Mái ấm này đứng tên tôi, nhưng thực ra không phải của tôi, mà có sự đóng góp của nhiều người. Sự ra đời của mái ấm cũng không phải là vì một cá nhân. Tôi đã tìm được một tổ chức thiện nguyện tin cậy, sẵn sàng tiếp nhận và duy trì mái ấm này trong trường hợp tôi về với Chúa.

Từ thành công của Thiên Ân, theo ông, đâu là những yếu tố cốt lõi để tạo dựng một mái ấm?

Tôi nghĩ yếu tố thứ nhất là phải có cái tâm trong sáng, không vụ lợi. Thứ hai là chuyên môn. Cộng hưởng của hai yếu tố này sẽ dẫn dắt đến yếu tố thứ ba, đó là sự trợ giúp từ cộng đồng. Thực tế là thu nhập từ công việc in sách và làm gậy chỉ giúp chúng tôi trang trải được chí phí sinh hoạt của mấy chục con người. Các trang thiết bị phục vụ việc học tập và đào tạo đều là tiền hỗ trợ của các tổ chức. Khi thiết lập được mối quan hệ với các tổ chức, hằng năm, khi có những chương trình tài trợ, họ đều thông báo cho mình. Phần việc còn lại của mình là viết dự án, nhu cầu tới đâu thì xin tới đó.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thượng Tùng

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần