Mênh mông bốn bề là biển, gió, mây và những bầu trời đêm đầy sao, chỉ có 8 ngày mà chúng tôi ai cũng có lúc lòng xôn xao nhớ đất liền, nhớ gia đình. Có như vậy mới hiểu được sự thử thách lớn lao về tinh thần mà những người lính đảo đang đối mặt. Đối với họ, cuộc sống trên những hòn đảo nhỏ và nhà giàn kéo dài từ 6 - 8 tháng, có khi lâu hơn nữa mới được vào đất liền.

>> Kỳ 1: Chuyện Biển Đông qua mắt GS Cù Trọng Xoay

>> Kỳ 2: Đêm đầu tiên trên biển

>> Kỳ 3: Nhà giàn và những giọt nước mắt giữa biển khơi


Phần lớn thời gian của chuyến đi là trên tầu. Thử tượng tượng hơn 100 con người đi ra đi vào trong 15 cái phòng nhỏ và 2 tầng boong tầu lênh đênh trên sóng nước. Quả thật là chúng tôi chả khác nào các cụ già trong các Câu lạc bộ hưu trí trên đất liền. Công việc chủ yếu là đánh cờ, chơi bài, uống trà tán chuyện, nằm võng đọc sách, ca hát và cãi nhau.

Tám ngày lênh đênh trên "khu dân cư" nho nhỏ đó, tôi và mấy anh em khác luôn tìm cách có cho mình được chén trà nóng cho đỡ "vật", mỗi khi mò ra boong hóng mát, hoặc buôn chuyện. (Chả là có mấy cân chè rất ngon ôm đi từ nhà, vừa để tặng vừa để uống).

Đội nghiện cà phê thì còn "vật" ghê hơn nữa. Lão Sơn già cùng phòng cứ mỗi sáng lại chẹp chẹp miệng than thở bà chị Vân Hải quên mua cà phê cho đoàn.

Có một nhóm mang theo cà phê thì sáng nào cũng hí hoáy ngồi pha pha, ngoáy ngoáy, thơm xực cả một góc. Do số lượng có hạn nên nhóm này uống tương đối bí mật, giấu giấu, diếm diếm như chích ma túy gần đồn công an vậy. Tuy nhiên, được vài hôm thì cả tầu biết, nên hội cà phê cũng đông hẳn lên, mỗi người xếp hàng làm một hớp, thèm quá thì móc cục đá trong cốc ra ngậm một lúc cho có vị.

Do một số anh trẻ không quen với việc ngủ tập thể nên ban đêm chủ động ngồi "đan quạt" đến sáng nhường giường cho đồng bọn ngủ no mắt. Đến khi mọi người dậy ăn sáng thì các anh lại về ngủ đến trưa.

Do vậy, tại boong của khu dân cư này buổi sáng chủ yếu là các bác già rồi ngồi buôn chuyện trên giời dưới biển, được một lúc lại cãi nhau. Rồi mỗi ông lại bỏ sang một nhóm khác ngồi buôn tiếp, được một lúc lại quay lại buôn với nhau. Tiếng nói chuyện râm ran, nguồn thông tin thì vô cùng hỗn loạn. Đến giờ trưa thì đội ăn đêm đã dậy, và mật độ dân cư cũng như khối lượng thông tin tăng đột biến như một cái chợ con.

Một số anh chị, có vẻ không thích thế sự ồn ào, đã chọn cho mình những thú chơi tao nhã riêng, nên nhìn họ có vẻ như đang hưởng thụ một chuyến du lịch hơn là một chuyến công tác thăm đảo. Cách chủ yếu là đọc sách.

Đội cổ điển thì vẫn chơi sách giấy bình thường, đội hiện đại thì khuân hẳn Kindle đi đọc. Tuy nhiên với tình trạng lắc lư thường xuyên của khu dân cư HQ936 này, việc đọc sách có vẻ hơi buồn nôn, nên đội cổ điển thì chủ yếu cắp sách đi quanh tầu như trong phim về các cô giáo Nhật, còn đội hiện đại thì cắm tai nghe vào Kindle ngồi nghe nhạc.

Cờ ngoài bài trong. Ảnh: Trần Hùng

Anh em nhà anh Trung Hà và Trung Thành thì chọn một thú chơi trí tuệ hơn hẳn. Đó là sodoku. Mỗi anh đã in từ nhà đi một tập sodoku khổ A4, mỗi tờ được 4 ô sodoku nên các anh cứ gấp làm 4 đút túi áo, có chút thời gian nhàn rỗi là lại rút ra lấy bút chấm chấm, gạch xóa bét nhè. Mỗi khi tìm được một số đúng thì ngồi cười khùng khục ra chiều viên mãn lắm. Tuy nhiên, cái môn này xem ra có hơi hướng "tự kỷ", ai chơi thì biết thân người đấy, nên cũng không hấp dẫn lắm giữa cái khu dân cư đông vui này.

Cả tầu có mỗi cái bàn cờ vua. Hôm đầu mật độ quây quanh cái bàn cờ này luôn đông đặc. Hai "kỳ thủ" ngồi hai bên, mặt đỏ tía tai, chả biết là căng thẳng hay là do thiếu không khí. Xung quanh là các "quân sư" đông nghịt, có người thì ủng hộ 1 bên, có người ủng hộ cả hai bên.

Đúng là "cờ ngoài bài trong", mấy bác "quân sư" thấy ai cũng có vẻ thông tuệ sáng suốt, mách nước này nước kia loạn xạ, có khi bất đồng lại quay sang cãi nhau, hoặc thách thức thi đấu. Một số đứng quanh thì cứ tủm tỉm cười đầy bí ẩn, chẳng biết là đang ra vẻ biết, nhưng không thèm nói, hay là không biết gì đứng hóng chuyện. Tuy nhiên môn cờ chỉ "hot" mấy hôm đầu thôi, mấy hôm sau còn mỗi anh Hoàng Minh Châu thích chơi.

Một hoạt động sôi nổi bậc nhất của "khu dân cư" này là kể chuyện cười, thậm chí là chuyện rất bậy. Hôm nào đông khán giả thì có thể chia làm nhiều "sới". Khán giả tùy theo nhu cầu sẽ chọn "sới" phù hợp.

Ai thích nghe truyện cười mà lại "thâm nho", kể xong 5 phút sau mới cười thì có thể chọn anh Châu HM. Ai thích nghe truyện cười theo phong cách kiếm hiệp thì có thể chọn anh Hưng "đỉnh", phong cách kể chuyện này phải đi kèm luôn cả việc đập bàn đập ghế, chỉ mặt mắng mỏ, quát nạt rất to tiếng. Tuy nhiên, khán giả thì cứ ôm bụng lăn ra cười từng chặp.

"Lão Đại uý" chủ yếu trình bày truyện cười về các tướng lĩnh tận nước Nga xa xôi - hành trang thời sinh viên của anh. Đôi khi anh lại còn hứng thú với cả chuyện của thế giới "gay", nên đội ngũ nhiếp ảnh gia và nghệ sỹ trên tầu khoái chí lắm.

Anh Nam già thì toàn chuyện bậy. Kể trên đất liền thì có khi dân phòng bắt đi lao động công ích rồi cũng nên, nhưng trên tầu, giữa biển khơi thì có vẻ như những câu truyện này lại khá hấp dẫn. Khán giả chủ yếu của anh Nam già là chị em các lứa tuổi, nghe chuyện xong cứ cấu nhau cười rinh rích, hoặc quay sang ông nào ngồi bên cạnh mà đấm thùm thụp cho "đã" cơn cười.

Bên cạnh hoạt động kể chuyện cười, việc đàn hát đương nhiên là cũng "hot" không kém. Do trên tầu có các thành viên của Band Dao Phay luôn cống hiến nhiệt tình với phương châm "Hát hết mình vì người hát", khán giả nhiều khi tức điên đành nhảy vào hát tranh. Thế là thành dàn đồng ca.

Nhạc cụ thì có đàn guitar, trống Djember, vài nhạc cụ nhỏ thuộc bộ gõ mang theo phục vụ bọn ngứa tay. Đặc biệt lại có thêm một vài chiếc khăn sạch để nhét vào mồm "ca sĩ" nào hát "phô" quá.


Những đêm nhạc như vậy có khi đến gần sáng mới kết thúc. Giữa bầu trời sao lung linh, ngồi trên con tầu lắc lư lâu dần thành quen, nhiều lúc nhìn lên, chúng tôi nghĩ là trời sao đang chạy đi chạy lại, còn chúng tôi thì đang ngồi yên. Được cái nhạc công thì sẵn, nên cứ ai đánh đàn tím ngón tay thì chuyển sang vỗ trống, vỗ trống đỏ bàn tay thì lại đánh đàn... Khán giả ai hát thì hát, không thì ngồi uống rượu ngắm sao trời.

Thức đêm cùng với đám đờn ca sáo nhị là đám chơi bài, môn chủ yếu là binh sập sám. Do nhu cầu môn này trong đoàn khá cao, nên ngay từ khi phân công nhân sự cho đoàn công tác, "Lão Đại uý" đã tự phong làm Phó đoàn. Lý do rất đơn giản là Phó đoàn thì sẽ có phòng riêng với đầy đủ tiện nghi, thuận lợi cho việc tụ tập đánh bài.

Nhiều đêm chúng tôi thèm trà mà chả biết lấy đâu ra nước nóng, lại lúi húi gõ cửa vào phòng các anh. Cửa vừa mở là thấy khói thuốc mù mịt, các gương mặt căng thẳng đầy cơ mưu, toan tính. "Lão Đại uý", quả thật đã già, phải đeo kính trễ tận mũi ngồi đếm chi, chả thèm quan tâm chúng tôi muốn gì. Chúng tôi cứ thả sức muốn vơ gì cũng được. Có thể lấy phích nước, ấm đun, hoặc mở tủ lạnh lấy bia, hay sữa chua ra ăn thoải mái.

Ngoài các đêm giao lưu, vào một buổi chiều gió mát, mấy anh em nảy ra ý định tổ chức cuộc thi hoa hậu dành cho gần 30 chị em trên tầu. Phần là để tôn vinh tài năng và sắc đẹp của chị em, phần là để anh em cũng có dịp thưởng lãm cho đỡ nhớ đất liền. Khoảng chiều tối mời bàn bạc xong và bắt đầu triển khai thực hiện.


Ban tổ chức giới thiệu thể lệ cuộc thi

Tôi được giao làm MC kiêm luôn tổ chức sản xuất, anh Thanh "khàn" (nhà quay phim và đạo diễn Phạm Việt Thanh) làm đạo diễn, còn anh Trung Hà là nhà tài trợ chính. Bên QK4 lo âm thanh, ánh sáng và loa đài, văn nghệ, còn bên tầu HQ936 lo "vương miện". Âm nhạc sẽ có phần tham gia của ban nhạc Dao Phay.

Ngay lập tức tôi triệu tập anh em lại, đầu tiên là lên ý tưởng sân khấu. Cũng may trong đoàn có Hưng "húng lìu" và Phương "trọc" đến từ công ty chuyên tổ chức sự kiện ACSO, nên phương án đưa ra nhanh và thực hiện cũng nhanh. Các đạo cụ sẵn có như phao cứu sinh, võng dù được đem ra trang trí sân khấu và sàn catwalk. Anh Thanh "khàn" quan tâm nhất đến khâu ánh sáng, làm sao để có những thước phim hay nhất.

Ban giám khảo cũng nhanh chóng được thành lập gồm có anh Thanh "khàn", NSUT Quỳnh Như trưởng đoàn nghệ thuật QK4, chị Đinh Thị Hoa (Giám đốc công ty săn người mẫu), "Lão Đại uý" thì đại diện cho bên lãnh đạo đoàn, và cuối cùng là nhà văn, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà phê bình, nhà soạn nhạc... Đào Tiến đến từ Petrolimex. (Do anh sở hữu quá nhiều "nhà", nên chúng tôi quyết định gọi anh Tiến là Khu tập thể Đào Tiến cho tiện).

Sau bữa cơm tối nhanh gọn, 15 cô gái đã đăng ký. Đa phần các thí sinh ngoài lóa mắt vì giải thưởng khá hấp dẫn. Hơn nữa, đây cũng là một dịp hiếm có để chị em có thể tự tin tham gia một cuộc thi sắc đẹp, vì sự cạnh tranh và lựa chọn không có nhiều.

Cuộc thi đã chậm lại ít phút do chị em bận trang điểm. Điều này chỉ khiến khán giả thêm phấn khích, chứ không phàn nàn gì.

Để cho chắc, chúng tôi quy định vị trí ngồi nghiêm chỉnh cho khán giả, đọc nội quy dành cho khán giả trước khi cuộc thi diễn ra và trong khi diễn ra cuộc thi, ban tổ chức có quyền "cưỡng chế", hoặc thậm chí "trục xuất" xuống Thuỷ Cung, đối với khán giả nào có hành động quá khích. Chính vì tính chất bạo lực của chương trình nên MC không cần MC script mà chỉ cần 1 cái dùi cui, lúc nào cũng lăm lăm trên tay để "thi hành công vụ".


Phần thi tài năng

Cuộc thi bắt đầu!

Các thí sinh lần lượt bước ra từ cánh cửa bên mạn phải của tầu, đi thẳng trên sàn catwalk (chính là cái hành lang trên boong tầng 1), trong sự phấn khích hò reo của khán giả. Sau đó, thí sinh quay về sân khấu để tự giới thiệu, và phát biểu cảm nghĩ.

Thí sinh thứ 15 là một ông con trai giả gái. Cả tầu được phen kinh hoàng tí thì nôn. Thí sinh này giới thiệu tên là "Tung xà rông xem chym" khiến tôi mãi mới đọc đúng được. Sợ bị đuổi xuống nên thí sinh này xin thi tài năng luôn với màn múa cột nóng bỏng.

Có khá nhiều thí sinh xinh đẹp, nên thi thoảng tôi phải xách dùi cui xuống hộ tống, thực hiện việc "cưỡng chế" đối với những khán giả quá khích để các thí sinh biểu diễn được êm xuôi.

Năm thí sinh lọt vào vòng sau đã có màn thi ứng xử như cãi nhau với ban giám khảo làm tôi phải bất đắc dĩ vào thêm vai "tổ trưởng dân phố" để hoà giải. Kết quả là Thí sinh Phương Anh của QK4, sinh năm 1993, đã đoạt giải Hoa hậu tầu HQ936. Phần thưởng là một con ốc to tướng như cái chậu để Tân Hoa hậu dùng làm Vương miện.

Dư âm của cuộc thì còn râm ran đến tận bữa ăn đêm, và cả những ngày sau đó. Anh em thủy thủ thì bảo chưa bao giờ có đoàn nào đi mà vui đến vậy. Lãnh đạo đoàn thì cứ thắc mắc mãi là sức mạnh và tài năng nào đã khiến cho Ban tổ chức chỉ trong vòng có chưa đầy 1 giờ đã có thể làm nên một đêm diễn mà có khi trong đất liền cũng không thể làm được.


Chiếc vương miện độc đáo
Chỉ có một trục trặc nhỏ là các hoa hậu, á hậu và ớ hậu (Second Runner-up) đến tận mấy hôm sau vẫn thập thò đòi tiền thưởng của Ban tổ chức. Họ chả thèm quan tâm đến sứ mệnh đi làm từ thiện, hay chụp ảnh nude, như trên bờ.

Chúng tôi đã như những thành viên của một khu dân cư nhỏ lắc lư trong vòng 8 ngày trời trên biển. Nhiều độ tuổi, nhiều chức vụ, nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng thật vui vì chúng tôi rất đoàn kết và có ý thức chung tay xây dựng một khu dân cư văn minh.

Mênh mông bốn bề là biển, gió, mây và những bầu trời đêm đầy sao, chỉ có 8 ngày mà chúng tôi ai cũng có lúc lòng xôn xao nhớ đất liền, nhớ gia đình. Có như vậy mới hiểu được sự thử thách lớn lao về tinh thần mà những người lính đảo đang đối mặt. Đối với họ, cuộc sống trên những hòn đảo nhỏ và nhà giàn kéo dài từ 6 - 8 tháng, có khi lâu hơn nữa mới được vào đất liền.

Hiểu để mà khâm phục lính đảo hơn, và, quan trọng hơn, hành động thiết thực hơn cho họ!

Kỳ 5: Ánh mắt trên đảo Cô Lin


Đinh Tiến Dũng