- Tổ chức đảng phải chủ động, trực tiếp bàn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc ở doanh nghiệp và của người lao động - TBT Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc.

Nhiều DN tư nhân chưa hiểu đúng công tác Đảng

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp" hôm nay (27/8), TBT Tạp chí Cộng sản, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết tính đến hết năm 2010, cả nước có 10.991 tổ chức cơ sở đảng ở các loại hình doanh nghiệp trong số khoảng 250.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, phần lớn là trong các doanh nghiệp nhà nước và một nửa vốn nhà nước.

Tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% số tổ chức cơ sở của toàn Đảng, số đảng viên trong các doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 11% số đảng viên cả nước. Số doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức Đảng chiếm tới 87,6%.

Như vậy, ông Vũ Văn Phúc nhận định, số doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng và đảng viên đang chiếm tỉ lệ lớn trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

Ảnh: Chung Hoàng

Không những thế, các tổ chức đảng ở doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài phần đông lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động, số đảng viên ít, lại chủ yếu lao động trực tiếp, vai trò lãnh đạo hạn chế.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp tư nhân còn hiểu chưa đúng bản chất, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nên e ngại, thậm chí cản trở hoặc không ủng hộ, không tạo điều kiện cho các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động, sinh hoạt.

Về phía người lao động trong các doanh nghiệp này, do quan niệm mình làm thuê để có lương, sợ bị phân biệt đối xử, thậm chí sợ bị chủ không sử dụng, nhiều người không công khai mình là đảng viên; số khác lại xác định làm ăn, chỉ chăm lo lợi ích kinh tế, ít tham gia hoạt động chính trị xã hội nên "an phận thủ thường".

Lý giải tình trạng trên, TBT Tạp chí Cộng sản cho rằng nguyên nhân chính là mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo nên những biến đổi to lớn trong xã hội và tư duy mỗi người. "Tính chất sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã hoàn toàn khác trước, mà công tác xây dựng Đảng chưa theo kịp những biến đổi của thực tế, thể hiện sự lúng túng về nhận thức, thiếu dự báo về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới", ông Vũ Văn Phúc nhận định.

Về điểm này, ông Đỗ Tuấn Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức TƯ, phân tích: "Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp chưa theo kịp mô hình quản lý điều hành của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có một nửa vốn nhà nước, công ty liên doanh, 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân".

Một nguyên nhân đáng kể khác là so với điều kiện chung ngoài xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác Đảng trong các các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước đều chưa thoả đáng.

Bệnh hình thức, bệnh thành tích chưa giảm

Đồng tình với nhận định nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, ông Đỗ Tuấn Nghĩa chỉ ra một số biểu hiện yếu kém khác của các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp.

Đó là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng này nhìn chung còn yếu, chưa đủ sức giải quyết nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, một số tổ chức cơ sở Đảng vì lợi ích cục bộ đã không làm tốt vai trò của mình, một số khác bị vô hiệu hoá... Bên cạnh đó là các hoạt động và nội dung sinh hoạt xơ cứng, theo lối mòn, chậm đổi mới, bệnh hình thức và thành tích còn phổ biến, chưa thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ...

Bản thân một số đảng viên không còn giữ được tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình, có hiện tượng nể nang, không dám bảo vệ cái đúng, không dám đấu tranh với cái sai, bệnh cơ hội, thực dụng, mê tín dị đoan ngày càng tăng, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Không những thế, việc đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm vẫn còn hình thức và chạy theo thành tích, phản ánh không đúng thực chất.

"Trong khi ở các doanh nghiệp nhà nước là tình trạng 'đảng viên đông nhưng chưa mạnh', thì ở các doanh nghiệp tư nhân và có vốn nước ngoài, số đảng viên lại quá khiêm tốn, nhiều tổ chức đảng chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, người lao động không còn tha thiết phấn đấu vào Đảng...", ông Đỗ Tuấn Nghĩa nhận xét.

Theo ông Vũ Văn Phúc, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp không chỉ là khả năng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn phải đồng hành được cùng người lao động trong thực tiễn sản xuất để nuôi sống mình và góp phần xây dựng doanh nghiệp, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động.

"Muốn vậy, bên cạnh việc nhận thức đúng vai trò và hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp, cũng như chú ý chất lượng đảng viên, tổ chức đảng còn phải chủ động, trực tiếp bàn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, bức xúc ở doanh nghiệp và của người lao động", ông Vũ Văn Phúc nói.

Chung Hoàng