Hầu hết trong số chúng ta sẽ nhớ được chính xác những gì đã làm khi các máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York. Đó là vào cuối đêm ở Australia và rất nhiều người không biết về sự kiện kinh hoàng xảy ra ở Mỹ cho tới hôm sau.
Tác giả Paul Daley có bài viết đăng trên Canberratimes.
Đó là vào giữa buổi sáng ở London và CNN bắt đầu phát đi những hình ảnh đầu tiên. Phản ứng của chúng tôi khá điển hình, chúng tôi tự hỏi về những người bạn ở New York, khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn vào lúc một chiếc máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc, chúng tôi đã lo lắng có bao người Australia đang ở thăm Washington như một phần đoàn tùy tùng của thủ tướng John Howard khi ấy.
Vùng thảm họa đã trở thành nơi tưởng nhớ. Ảnh: TIME |
Sự cảm thông lập tức không ngừng đổ về nước Mỹ.
Ngoại giao, quân sự... nước Mỹ với những áp lực an ninh mới, tất cả đều chất chứa khát vọng trả thù. Một điều rõ ràng là kể từ sự kiện 11/9/2001, Mỹ và các đồng minh đã tiến vào Afghanistan, truy đuổi Taliban được cho là che giấu hay hỗ trợ các trại huấn luyện khủng bố chống phương Tây, chống Israel của mạng lưới al-Qaeda do Osama bin Laden đứng đầu.
10 năm trôi qua, và chúng ta nên cảm nhận thế nào về tất cả những gì đã xảy ra khi theo đuổi một "cuộc chiến chống khủng bố"?
Osama bin Laden đã chết. Lãnh đạo Iraq Saddam Hussein cũng không còn.
Trong khi đó, George W. Bush giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai làm tổng thống, John Howard hơn hai lần được bầu là thủ tưóng và Tony Blair cũng tái cử.
Iraq như một đất nước chỉ còn lớp vỏ ngoài cho dù vẫn giàu dầu mỏ. Afghanistan dĩ nhiên là sa lầy vào một cuộc chiến chưa có hồi kết thúc khi Mỹ và đồng minh tiếp tục cuộc chiến chống lại quân nổi dậy Taliban và sự hồi sinh của những phần tử al-Qaeda.
Ở Mỹ, chính quyền của Obama tuyệt vọng phải dời Afghanistan và sẽ làm như thế vào năm 2014. Australia cũng rút quân vào thời điểm tương tự. Và phần lớn Afghanistan vẫn trong tay của quân nổi dậy. 29 lính Australia đã thiệt mạng ở đó cho đến nay. Cái giá cho sự "đồng lõa" của Australia trong cuộc chiến chống khủng bố vào cuối cuộc chơi có thể cao hơn nhiều.
Hỗn loạn tiếp tục diễn ra ở Afghanistan và Iraq có khiến phương Tây trở nên an toàn hơn?
Là đúng trong trường hợp của Afghanistan, và do sự cảnh giác cao hơn, những nỗ lực tình báo lớn hơn. Bất chấp những vụ tấn công ở Anh, hay nơi nào đó ở châu Âu hoặc vào người Australia ở Indonesia, nhưng chưa có thêm một vụ khủng bố kinh hoàng nào xảy ra trên chính đất Mỹ hay Australia. Biên giới được an toàn hơn, nhưng mức độ hoang tưởng cũng cao hơn.
Cảm giác chống người Hồi giáo lan khắp châu Âu, những cuộc tranh luận xảy ra về các vấn đề như người xin tị nạn, hay đối xử với các nghi phạm bị bắt giữ trong cuộc chiến chống khủng bố. Rồi chuyện nhà tù ở vịnh Guantanamo, nơi giam giữ các nghi phạm đã khiến Mỹ để mất quá nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng quốc tế mà họ có được sau khi phải hứng chịu thảm cảnh 11/9.
Các biện pháp tra tấn tàn nhẫn đã trở thành những "triệu chứng" của một nước Mỹ giận dữ, bản năng và đáng sợ, che khuất đi mong muốn quốc tế về việc trả lại công bằng cho những nạn nhân 11/9.
Mỹ đã phản ứng quá mức và cũng không thể ngăn chặn các đồng minh làm như vậy.
Và, chúng ta thực sự có thể học được gì?
Chúng ta học được rằng, Mỹ, mặc dù có những cuộc chiến ở trên nhiều mặt trận, vẫn là lực lượng quân sự mạnh mẽ nhất trên hành tinh. Nhưng cũng phải rút ra một điều rằng, vị thế quốc tế của Mỹ đã bị sụt giảm bởi chính cuộc chiến chống khủng bố
Có điều gì khác đang xảy ra, như Trung Đông trong "Mùa xuân Ảrập" mà chúng ta chưa hoàn toàn hiểu rõ. Nó có thể tạo ra những đồng minh phương Tây mạnh mẽ hơn, nhưng cũng có thể là một Chiến tranh Lạnh kiểu mới.
Những ai một thập niên trước nghĩ rằng, thế giới sẽ không bao giờ lặp lại, đã đúng. Nó có thể an toàn hơn, nhưng không cảm thấy tốt hơn.
Thái An (theo Canberratimes)