Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo rằng, họ buộc phải “nhắc nhở” tới nguy cơ leo thang chạy đua vũ trang ở châu Á. Đây là một phản ứng với Nhật Bản về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ Nhật từ những cuộc tấn công của Triều Tiên.
Tuần trước, Tokyo tuyên bố có kế hoạch mua sắm hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC3, có khả năng hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, cũng như trang bị thêm hệ thống Aegis của Mỹ để bảo vệ tàu thuyền và quân đội từ các vụ tấn công tên lửa đạn đạo.
Trong chính sách quốc phòng mới, Nhật dự định triển khai một loạt hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot PAC-3 của Mỹ trên toàn quốc. Hệ thống tên lửa PAC-3 được thiết kế nhằm chặn tên lửa trước khi chúng có thể lao xuống mặt đất. Trước đó, Nhật Bản mới triển khai tổng cộng 3 hệ thống đánh chặn Patriot ở 3 điểm. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, Tokyo sẽ triển khai một loạt hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 khắp đất nước nhằm đối phó với hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ảnh Life
Hôm 17/12, Nhật Bản đã công bố chính sách quốc phòng, trong đó thay đổi mục tiêu tập trung các khả năng quân sự, khi phải đối mặt với sự gia tăng quân sự từ Trung Quốc và chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Kế hoạch nhấn mạnh việc lực lượng quân sự Nhật sẽ đẩy mạnh phòng thủ ở phía tây nam - nơi nước này cùng chia sẻ biên giới hàng hải với Trung Quốc - bằng việc gia tăng số lượng máy bay chiến đấu trên đảo Okinawa (phía nam) và đóng quân tại các đảo nhỏ hơn. Theo chính sách mới, Nhật còn dự kiến tăng số lượng tàu ngầm lên 22 chiếc, tăng số lượng tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis lên 6 chiếc.
Trung Quốc lo ngại rằng, việc mua sắm các thiết bị, vũ khí hiện đại trên, cho dù nhằm mục tiêu là chương trình hạt nhân của Triều Tiên, sẽ đe dọa tới cán cân quyền lực. "
Đầu tư mới của Nhật vào quân sự sẽ thay đổi cán cân quân sự trong khu vực”, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư thì mô tả kế hoạch của Nhật là “tắc trách”:“Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào ngoài phản ứng là tăng cường các khả năng của mình”.Các chuyên gia phân tích cho rằng, những quốc gia khác cũng sẽ làm như Trung Quốc. Ví dụ Ấn Độ có thể phản ứng với động thái của Trung Quốc hoặc Pakistan bằng cách gia tăng kho tên lửa của mình.
"Trung Quốc trông chờ vào các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân để bù đắp khiếm khuyết công nghệ của lực lượng vũ trang”,
Ashley Tellis, một chuyên gia chiến lược Mỹ nhận định. “Nên nếu Nhật có một hệ thống phòng thủ tên lửa vững mạnh thì đó là mối đe dọa thực sự với họ”.Hồi tháng 1, trong hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD giữa Mỹ và Đài Loan, có sự hiện diện của các thiết bị phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Giờ đây, Nhật tiếp tục trở thành bên tăng cường mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Trung Quốc - khác với bốn quốc gia hạt nhân khác - đã nhanh chóng mở rộng kho hạt nhân quy mô nhỏ hơn của họ - vào khoảng 25% trong 5 năm qua.
Đã xuất hiện các quan ngại rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể làm suy yếu giá trị lực lượng hạt nhân của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã triển khai khoảng 130 tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân trên đất liền, mỗi tên lửa có thể mang một đầu đạn. Các tên lửa tầm trung như Dong Feng-3A và DF-4 đang trong quá trình được thay thế bởi loại hiện đại hơn là DF 21.
Ngoài ra, loại tên lửa mới DF-41 mà Trung Quốc đang phát triển được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn tấn công mục tiêu độc lập và cũng khó đánh chặn. Nước này cũng đang gia tăng hạm đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, có thể ẩn sâu dưới nước nhiều thời gian hơn và hầu như không bị phát hiện.
-
Thái An (Theo telegraph)