- "Thông thường, báo chí là địa chỉ cuối cùng mà người dân tiếp cận, nhưng nếu tiếp cận là được đáp ứng tích cực ngay, không chậm trễ như một số cơ quan chính quyền", một đại diện của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nhận xét trong dự thảo báo cáo về tiếp cận công lý, nhìn từ góc độ người dân.
Đây là khảo sát trong khuôn khổ dự án do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Công ty NHQuang và cộng sự đã khảo sát nhiều đối tượng dân cư khác nhau thuộc nhiều địa bàn trong Nam, ngoài Bắc để tìm hiểu về khả năng tiếp cận công lý cũng như mức độ được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.
Chỉ 8,5% người được hỏi tìm đến luật sư
Có tới 88,6% người được hỏi nhận xét rằng báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã thay đổi rất tích cực trong 5 năm qua. Đây là tỷ lệ đánh giá tích cực cao nhất so với các thiết chế khác.
Báo chí ngày càng được người dân tin tưởng trong bảo vệ công lý. Ảnh minh họa: Lê Nhung |
Hơn 90% cho rằng báo chí và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người dân.
Theo nhận xét của trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Tiến Lập, sở dĩ báo chí và truyền thông được coi là phương tiện hỗ trợ bảo vệ quyền của dân là bởi báo chí có thể tác động đến thái độ ứng xử của các cơ quan chính quyền một khi các vụ khiếu nại của dân được phổ biến công khai.
Trong trường hợp đó, uy tín chính trị của cá nhân lãnh đạo hoặc cơ quan chính quyền có thể bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng có thể vào cuộc nhằm gây sức ép để vụ việc được giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật.
Từ thái độ tin tưởng trên, đa số người dân đều ủng hộ xu thế ủng hộ báo chí và truyền thông tiếp tục sát cánh bên họ.
Nhưng, ý kiến từ nhiều đại diện phía các cơ quan pháp luật lại không đồng tình với xu thế này vì cho rằng, trong nhiều trường hợp, các phóng viên do thiếu thông tin nên thường phản ánh không trung thực, không khách quan. Hoặc lạm dụng nghiệp vụ báo chí để tạo sự giật gân, gây sức ép không tích cực đến quá trình giải quyết vụ việc theo pháp luật của cơ quan chính quyền.
Ngoài vai trò của báo chí, người dân mỗi khi vướng tranh chấp còn tìm đến cơ quan công quyền, hội đoàn hoặc tổ chức xã hội dân sự, nhưng với thái độ không mấy tin tưởng.
Chẳng hạn, chỉ có 8,5% người được hỏi tìm đến luật sư. Hơn 2% chia sẻ rằng họ tìm đến các hội đoàn như Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ... để giải quyết tranh chấp. 5,6% nói họ nhờ đến trung tâm trợ giúp pháp lý.
61% sẵn sàng kiện
Ngoài việc tìm hiểu các thiết chế nào có thể bảo vệ người dân, nhóm nghiên cứu còn đưa ra những câu hỏi liên quan đến khả năng khiếu kiện chính quyền, khả năng theo đuổi các vụ tranh chấp.
Theo đó, có 61% cho rằng họ rất sẵn sàng khiếu nại hay kiện viên chức, hoặc cơ quan nhà nước đó ra tòa. Năm 2003, cũng trong khảo sát tương tự, chỉ 45% tin rằng mình sẽ làm như vậy.
Trong số những người trả lời sẵn sàng khiếu kiện, 44,7% cho rằng họ chắc chắn sẽ thắng kiện (tỷ lệ này năm 2003 là 27%). Thống kê cho thấy, những người càng nhiều tuổi thì càng sẵn sàng đi kiện hơn.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho hay, vẫn còn rất nhiều người cho rằng họ sẽ không khiếu kiện lên chính quyền trong trường hợp quyền của mình bị xâm phạm. Rất nhiều lý do được đưa ra, chẳng hạn, dân không tin là vụ việc được xét xử công bằng, hoặc cho rằng quá mất thời gian, hoặc quá tốn kém và không biết các thủ tục khiếu kiện...
Rất nhiều người, trong đó có các luật sư, đã chia sẻ với nhóm nghiên cứu rằng, chính vấn đề thủ tục khiếu nại và khởi kiện không rõ ràng là rào cản chính cho giải quyết các vụ việc. Người dân đa phần đều muốn tiến hành khởi kiện viên chức nhà nước ra tòa án thay vì khiếu nại lên cấp trên của họ.
Nhưng, theo ý kiến một số luật sư, bản thân tòa án hành chính cũng ít khi sẵn sàng tiếp nhận các vụ kiện chính quyền như vậy. Tới nay, hầu như không có vụ án hành chính nào được công bố rộng rãi trên báo chí để người dân có thể tham khảo.
Một luật sư ở Hòa Bình còn nói
với nhóm nghiên cứu rằng các thẩm phán thường quen biết lãnh đạo chính quyền địa
phương. Do đó, họ rất ngại "va chạm".
Lê Nhung