Là một trong 3.000 bé trai và bé gái mất cha (mẹ) trong vụ 11/9, Eamon Stewart không muốn gì hơn ngoài việc có một tuổi thơ bình thường.
Tháng 7/2001, Eamon Stewart, 11 tuổi và anh trai Francisco, 13 tuổi được cha "biệt đãi". Ông Michael Stewart mới chỉ bắt đầu công việc quản lý cấp cao tại một hãng tài chính và ông đưa con tới văn phòng, lên tầng 92 của tháp bắc, Trung tâm thương mại thế giới.
Eamon biết cha thường làm trong các tòa nhà chọc trời, nhưng lần này là một ngoại lệ. "Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và nghĩ: Ồ! Tôi có thể nhìn thấy mọi thứ", Eamon kể. Michael Stewart là một người cha năng động, yêu thể thao, thường đưa các con tới các địa điểm vui chơi hoạt động ngoài trời. Sinh ra ở Belfast, ông chuyển tới New York năm 1981 và kết hôn với mẹ của Eamon, bà Diana, một người New York khi họ gặp nhau lúc ông theo học đại học Stirling.
Khi Eamon lên 7, cha mẹ li dị, nhưng cậu vẫn gặp cha mình thường xuyên. Ngày cuối tuần trước 11/9, ông đã chơi bóng đá với hai con trai ở công viên. Ba cha con hẹn gặp lại nhau vào ngày thứ tư tiếp theo, 12/9, nhưng Michael đã không bao giờ thực hiện được điều đó.
Eamon đang trong giờ học tiếng Tây Ban Nha ở trường tại New Jersey thì một người bạn cùng lớp bước vào, nói rằng nhìn thấy trên truyền hình một máy bay đâm vào toà tháp đôi. "Ban đầu tôi không cảm thấy gì cả, đó là lúc sáng sớm và có lẽ cha không ở đó, tôi không hoảng sợ cũng chả lo lắng gì".
Giờ học tiếp theo, môn toán, có thông báo gọi Eamon tới phòng hiệu trưởng. Cậu nhìn thấy mẹ ở đó "nên tôi nghĩ phải có gì nghiêm trọng". Mãi về sau, cậu mới biết được rằng, cha mình hôm ấy đi làm rất sớm vì công ty có cuộc họp các nhà quản lý. Thông thường, ông đi làm vào khoảng 9h sáng. Chuyến bay 11 của American Airlines đâm vào toà tháp bắc tầng 94 lúc 8h46 sáng. Mặc dù Michael ở dưới đó hai tầng, nhưng tác động của vụ đâm máy bay khiến cửa phòng bị chốt chặt, không thể mở ra được. Michael và toàn bộ ban điều hành bị mắc kẹt phía trong.
Cái chết của cha mang lại cho Eamon tư cách thành viên trong một câu lạc bộ rất đặc biệt - hiệp hội những đứa trẻ 11/9. Gần 3.000 bé trai, bé gái dưới 18 tuổi đã mất cha mẹ trong các vụ tấn công, vượt qua thảm cảnh và 10 năm sau nhớ lại thời thơ ấu. Trường hợp của Eamon, những tuần đầu tiên sau 11/9, cậu không chấp nhận việc cha đã chết. Một buổi sáng, người mẹ vào phòng con và nói: "Chúng ta phải chấp nhận, chúng ta phải từ bỏ".
"Tôi đã khóc, tôi chỉ biết khóc và mẹ ôm chặt tôi. Sau đó, một người bạn tới nhà và hỏi tôi có muốn làm điều gì đó không. Tôi nói thích chơi bóng đá và chúng ta đã đi tới công viên. Tôi chỉ nhớ như thế". Rồi Eamon trở lại trường học và nhận thấy rằng, các thành viên câu lạc bộ đều mang một gánh nặng mà bất kỳ đứa trẻ mất cha nào đều phải gánh chịu.
"Thành thực mà nói, tôi không biết cái gì là tồi tệ hơn - cái nhìn khó hiểu và lặng yên khi mọi người thấy tôi, hay khi mọi người nói "tôi rất tiếc vì cha cậu", bởi cả hai kiểu ấy, đều khiến tôi đau đớn. Điều tôi muốn hơn tất cả mọi thứ khi ấy là được cư xử như bất kỳ đứa trẻ bình thường nào và cuộc sống thường nhật trở lại với tôi".
Hai năm sau vụ tấn công, một phần thi thể của Michael được nhận dạng trong núi đổ nát, và gia đình có thể chôn ông ở một nghĩa địa cách nhà không xa. "Chúng tôi còn cảm thấy may mắn, vì ít nhất có thể chôn cha".
Giờ đây, ở tuổi 21, cậu đã trở thành một thanh niên trưởng thành yêu thích thế giới chính trị. |
10 năm qua, Eamon đã học xong trung học, và hiện theo học tại đại học Fordham ở New York, nơi cậu nghiên cứu khoa học và tâm lý. Cậu hy vọng sau khi tốt nghiệp mùa xuân tới có thể làm việc vì cộng đồng như là cách trả ơn rất nhiều người đã giúp mình sau 11/9. Mặc dù nỗi buồn đã vơi đi, nhưng Eamon biết, cậu không bao giờ thoát khỏi 11/9. "
Không có điểm dừng, không có kết thúc, chỉ là một câu chuyện tiếp tục sẽ lại luôn mở ra vết thương lòng".Khi Osama bin Laden bị giết, Eamon đang ở New Zealand. Không ai biết cậu là đứa trẻ 11/9. "Tôi nhận được dòng thông báo từ anh trai, và tôi cảm thấy choáng váng, tất cả cảm xúc tôi cảm nhận ngày 11/9 lại ùa về". Giờ đây, ở tuổi 21, cậu đã trở thành một thanh niên trưởng thành yêu thích thế giới chính trị. Cậu nghĩ về cha mỗi ngày, không phải vì nỗi buồn thương, mà vì những gì cậu nghe thấy, nhìn thấy đều gợi nhớ về Michael.
Viên sĩ quan cảnh sát
Frank Lione đã hủy ca trực ở sở cảnh sát vào ngày 11/9 - nhưng ông đã tham gia việc vận chuyển những thi thể từ Vùng bình địa sau khi thảm họa xảy ra.
Frank Lione xuất thân trong một gia đình cảnh sát và cứu hỏa. Cha ông là thanh tra cảnh sát về hưu, anh là lính cứu hỏa, ông tham gia lực lượng cảnh sát New York (NYPD) năm 24 tuổi.
Vào ngày 10/9/2001, Lione gọi tới phân khu Midtown South và hủy ca trực hôm sau; ông vẫn không thể giải thích vì sao có một cảm giác bất an không xác định. Sáng hôm sau, ông nghe thấy vợ kêu to trong phòng khách: "Có chuyện gì thế, ông có thấy tòa nhà không?". Một máy bay lao vào Trung tâm thương mại thế giới. "To hay nhỏ?", Frank hỏi. "Sao cơ?", người vợ nói. "Vì nếu nhỏ, thì chắc là ai đang học bay", Frank trả lời.
Khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp, Lione nói với vợ. "Pam, chúng ta bị tấn công". Lũ trẻ bắt đầu la khóc, Lione thì gọi tới phân khu. "Anh phải đi. Ít nhất anh muốn biết nếu có gì xảy ra, hãy nói với cả nhà là anh yêu tất cả".
Chuyến đi thật lạ, tất cả các biển hiệu điện tử mà Lione đọc đều thấy dòng chữ "Toàn bộ đường tới New York bị đóng cửa". Ở cổng thu vé tại New Jersey khi ông vội vã đi qua thì thấy một cảnh sát chính phủ rút khẩu súng, ông giơ phù hiệu, viên sĩ quan nói ông đi qua cầu George Washington, nơi có rất nhiều nhân viên an ninh liên bang trang bị súng máy.
Midtown South là một trung tâm chỉ huy lớn nhất trong thành phố. Lione và các cộng sự muốn đi thẳng ra địa điểm Trung tâm thương mại thế giới. NYPD không có đơn vị cứu hộ, hầu như đều là sĩ quan, khi họ tới các toà tháp, thậm chí còn không có mũ bảo hiểm. "Giống như có chiến tranh vậy", ông nhớ lại. "Mọi người rơi xuống từ tòa tháp, có những người nắm chặt tay nhau, có những người bị chôn vùi ngay trong văn phòng. Tiếng thi thể người rơi xuống như quả bóng nước bị nổ...".
4h sáng vẫn tờ mờ tối khi ông tới Vùng số không. Ông bước vào một quán cà phê, và mọi thứ giống như vừa trải qua thảm họa núi lửa phun: bụi phủ khắp nơi, tách trà còn sót lại miếng chanh nằm chỏng chơ. Đứng trên đống đổ nát, ông không hiểu mình đang ở đâu. "Có vẻ là văn phòng, nhưng không máy fax, không bàn ghế, chỉ thấy kim loại, những rầm sắt và bụi bặm. Ngoại trừ một điều khó hiểu, đó là giấy, tài liệu photo... rồi các gia đình nạn nhân đi tới, chúng tôi giữ họ lại, họ nhìn hiện trường và chỉ biết khuỵu xuống".
Khi làm cảnh sát, Lione đã chứng kiến người bị bắn vào đầu, nhưng từng phần thi thể hiện ra trước mắt ông lại là chuyện khác.
Vợ của Lione đã không để ông mặc đồng phục vào nhà. "Tôi nghĩ có những linh hồn người tử nạn ở trên đó", Pam nói.
Frank Lione đã hủy ca trực ở sở cảnh sát vào ngày 11/9 - nhưng ông đã tham gia việc vận chuyển những thi thể từ Vùng bình địa sau khi thảm họa xảy ra. |
Mọi người tìm những đồ lưu niệm từ Vùng bình địa, hay chụp hình nhưng Lione không làm thế. Ông có những ký ức riêng mình, cho dù không muốn nó tồn tại. Nhiều tháng sau ông đều gặp ác mộng. Vợ ông kể thấy chồng nằm trên giường, cánh tay giang ra giữ chặt tấm nệm. Ông kể đã mơ thấy tòa nhà sụp xuống. Nhiều tháng sau vụ tấn công, Lione phải đi lấy sinh thiết vì bị u tuyến. Cha ông, người bảo vệ Tòa nhà Liên bang thì bị viêm phổi. Cũng từ ấy, Lione chứng kiến nhiều cộng sự, bạn bè ra đi vì mắc các chứng bệnh liên quan tới phổi. Anh trai ông làm lính cứu hỏa, đã dự 84 đám tang trong năm ấy.
Thái An (theo Guardian)