- Thăm chính thức Việt Nam hôm nay (15/9), Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ sẽ gặp người đồng nhiệm Việt Nam để đánh giá toàn diện quan hệ song phương, trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M.Krishna thăm chính thức Việt Nam từ 15 đến 17/9, đồng chủ trì kỳ họp lần 14 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ.
 

Ông S.M.Krishna thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M.Krishna. Ảnh: srilankaguardian.org

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, nhân dịp này, hai bên sẽ kiểm điểm lại tình hình hợp tác giữa hai nước trong thời gian vừa qua và đề ra các phương hướng hợp tác trong thời gian tới cũng như trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Báo chí Ấn Độ đưa tin đậm nét về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Krishna. Hai Bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược giữa hai nước. Ông Krishna sẽ cùng ông Phạm Bình Minh đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ 14 tại Hà Nội để đánh giá một cách toàn diện quan hệ song phương. Các cuộc hội đàm cũng sẽ chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ trong tháng tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trang ZeeNews (Ấn Độ) cho biết, hai Bộ trưởng sẽ "đánh giá một cách toàn diện hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, văn hoá, khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và nông nghiệp".

Theo trang này, ông Krishna sẽ dự lễ khai trương Trung tâm Nguồn lực tiên tiến, một trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại Hà Nội với sự trợ giúp từ Ấn Độ và sẽ thăm di tích lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo ZeeNews, Ấn Độ và Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng.

Trước đó, xung quanh vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tuyên bố: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp thuận của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng".

Hai bên cũng sẽ thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tháng 11, nơi có sự tham dự của lãnh đạo 18 nước: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...

PV - Thái An