Tôi không nghĩ sẽ thích hợp nếu đối xử với Trung Quốc chỉ đơn thuần là một đối thủ cạnh tranh và tôi không đồng tình với những người Mỹ cho rằng thế giới sẽ ít nhiều tốt đẹp hơn nếu Mỹ tìm kiếm xung đột với Trung Quốc"- GS David Pickus.

LTS: Xung quanh câu chuyện tranh cãi ở Biển  Đông, để rộng đường dư luận, Tuần  Việt Nam xin giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn riêng của GS. David Pickus, khoa Lịch sử trường Đại học bang Arizona- trường ĐH công lớn nhất Hoa Kỳ, viết riêng cho Tuần Việt Nam.

Cuộc xung đột giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng xung quanh đường chữ U của nước này trên Biển Đông đang trở thành tin tức nóng bỏng trên hầu hết các trang báo thời gian gần đây. Về bản chất của cuộc xung đột này, tôi không có gì nhiều để bổ sung thêm. Tuy nhiên, qua thời gian giảng dạy cho sinh viên đại học ở Bắc Kinh gần đây, tôi nghĩ một chút thông tin về hiện trạng văn hóa tại Trung Quốc - như tôi được chứng kiến - có thể giúp Việt Nam rút ra được một số kết luận cho riêng mình trong việc đánh giá lý do tại sao và bằng cách nào các quốc gia lựa chọn phát triển theo hướng như hiện nay.

Nếu kinh nghiệm của cá nhân tôi là đúng thì, công chúng Trung Quốc thực sự không quan tâm mấy tới các sự kiện trên Biển Đông và càng quan tâm ít hơn tới quan điểm thực tế của người dân Việt Nam. Tôi không có bằng chứng khoa học để chứng minh điều này, chỉ biết rằng đôi lần tôi đã nhắc đến tình hình hiện nay trước các sinh viên đại học Trung Quốc thì họ chỉ nhìn trừng trừng vào tôi theo cái cách như thể để thể hiện họ không biết tôi đang nói về chuyện gì. Thực tế, như tôi biết, người Trung Quốc nhìn chung không hiểu biết nhiều về Việt Nam. Điều tôi hay được nghe nhất là dường như có một nhận thức phổ biến rằng Việt Nam là một địa điểm thích hợp cho các kỳ nghỉ.

Đây chính là điểm tôi muốn phê bình người Trung Quốc. Đó không phải là sự phê bình lòng tin chính trị của người dân Trung Quốc. Họ có quyền giữ một quan điểm riêng và tôi cố gắng lắng nghe cho thật kỹ ý kiến của người Trung Quốc ngay cả khi tôi thấy thực tế hoàn toàn khác. Hơn thế nữa, vấn đề không phải là lý lẽ họ đưa ra, mà là cách họ đưa ra lý lẽ ấy.

Nói một cách dễ hiểu hơn, mặc dù những người Trung Quốc tôi tiếp xúc với cũng dường như biết rất ít về các sự kiện trên Biển Đông, nhưng họ lại nắm rất rõ về những thứ như biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc. Và dù quan điểm của họ về những điều này mang tính cá nhân, nhưng tôi cảm giác họ giữ một thái độ bề trên một cách không cần thiết đối với các quốc gia nhỏ hơn. Tôi thường nghe họ cười và tôi thấy điệu bộ của họ như thể muốn nói "những người này là ai mà dám đặt vấn đề với chúng tôi?"

Có lẽ bởi vì tôi là một người Mỹ, và đã thấy nhiều vẻ bề trên này trong các bằng hữu người Mỹ của tôi và tôi sợ rồi dần dần ngay cả bản thân tôi cũng sẽ không giữ thái độ phê phán các bạn bè Trung Quốc về sự thiếu sót mang tính con người của họ như thế nữa. Tôi đã vài lần tới thăm Trung Quốc và được đối xử với sự ân cần tuyệt đối bởi đại bộ phận người dân nơi đây. Hơn thế nữa, như tôi sẽ tiếp tục giải thích sau đây, tôi nghĩ Trung Quốc đang làm điều gì đó về cơ bản là phù hợp trong quá trình tìm kiếm sự phát triển của riêng mình. Vì thế, đây có thể không phải là quan điểm thân hoặc chống Trung Quốc. Tôi chỉ muốn giải thích tại sao thái độ của người Trung Quốc có thể thể hiện theo những hướng trái ngược.

 
Ảnh: sailblogs.com
Xin nói tiếp về thái độ bề trên với những người biểu tình Việt Nam, và có lẽ với Việt Nam nói chung. Tôi không nghĩ đây là kết quả của những định kiến hay ý đồ làm hại người khác. Có lẽ, nó xuất phát từ xu hướng rất con người là kẻ lớn thường làm ngơ trước xúc cảm của kẻ nhỏ hơn. Điều khiến các nhà quan sát Trung Quốc chỉ thấy được bức tranh mờ nhạt về các cuộc biểu tình ở Việt Nam là thực tế rằng họ nhìn vào đó từ tư thế của một người đứng trên tòa nhà cao nhìn xuống các hành động diễn ra trên phố. Ví dụ, nếu bạn ngồi ở tầng cao của một nhà hàng sang trọng nhìn xuống, những di chuyển của một con người phía dưới với điệu bộ tỏ rõ sự bực tức, với bạn, có vẻ ít nghiêm trọng hơn nhiều. Tương tự, quan điểm chính trị của những người mà bạn ít quan tâm tới cũng sẽ thường không được tiếp nhận với sự tôn trọng hoàn toàn.

Trong trường hợp của Trung Quốc, tôi không nghĩ lý do giải thích cho điều này là "sự kiêu ngạo". Người Trung Quốc không đề cao lòng kiêu ngạo và truyền thống nho học Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo cả về  những nguy hại của sự kiêu ngạo. Thay vào đó, điều Trung Quốc làm chưa đúng là đã rút ra những bài học đôi khi rất nguy hiểm từ bản chất của cạnh tranh.

Tôi tin rằng bất kỳ ai sống ở Trung Quốc cũng đều thấy rõ sự khác biệt to lớn về thái độ ứng xử trong hoàn cảnh bạn bị coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và không bị coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nếu họ không nghĩ bạn sẽ chiếm mất nguồn tài nguyên khan hiến hay phá hoại nỗ lực của họ, họ sẽ khá tử tế và nhiệt thành. Đôi khi có người bảo tôi, sự tốt bụng đó hoàn toàn là vì tôi là người phương Tây, nhưng tôi nghĩ là do cá nhân người nước ngoài phương Tây thường phải trải qua thời gian bị đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngắn hơn so với người khác. Điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn không muốn chứng tỏ sự tốt bụng và hợp tác. Chắc chắn, mọi người đều chia thế giới thành "kẻ bên trong" và "người bên ngoài", nhưng Trung Quốc là một trong số những nơi mà bạn không được phép quên sự phân chia này, bằng không họ sẽ không tha thứ cho bạn.

Điều mà Trung Quốc chưa làm đúng không phải là họ phân chia thế giới thành bạn và thù. Đó là điều mà tất cả chúng ta thường làm để tồn tại. Thay vào đó, vấn đề là họ đi đến những phân biệt này quá nhanh chóng và quá thiếu cẩn trọng đến mức khiến người khác không hiểu bản chất thực sự của cuộc xung đột, và có thể dẫn tới những leo thang không cần thiết. Tôi tin có điều gì đó như thế đằng sau thái độ bề trên phổ biến mà tôi thấy trong phản ứng với Việt Nam.

Có lẽ có thể kết thúc tại đây, nhưng tôi không nghĩ thích hợp nếu đối xử với Trung Quốc chỉ đơn thuần là một đối thủ cạnh tranh và tôi không đồng tình với những người Mỹ cho rằng thế giới sẽ ít nhiều tốt đẹp hơn nếu Mỹ tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Thực tiễn thế giới toàn cầu hóa hôm nay đòi hỏi con người phải tìm cách quản lý xung đột hơn là leo thang nó.

Nhưng ở đây cũng thấy được đôi điều Trung Quốc đã làm đúng. Đó là khả năng xác định mục tiêu phát triển của Trung Quốc và dành những nỗ lực cần thiết để đạt được chúng. Tại các trường Đại học Trung Quốc nơi tôi công tác, tôi rất ấn tượng bởi các nhà lãnh đạo nước này có tầm nhìn rất rõ ràng về những thể chế và bước đi thực tế họ cần phải tiến hành để đi đến mục tiêu. Ở các nước khác tôi từng làm việc, như Indonesia, tâm lý cạnh tranh ít mạnh mẽ hơn và không khí thoải mái hơn. Tuy nhiên, khi tôi rời khỏi cuộc thảo luận, tôi tự hỏi liệu họ đã đạt được điều gì. Ở Trung Quốc còn có nhiều khó khăn và bất ổn, nhưng trong những khu vực chủ chốt bạn biết khi nào cần đạt được điều gì - và khi nào chưa.

Có vẻ điểm tốt và xấu của Trung Quốc, như tất cả các quốc gia khác, xen kẽ lẫn nhau. Việc xác định ngay lập tức ai là đối tác hay đối thủ có thể dẫn tới hành động nhanh chóng và hiệu quả và cảm giác rõ ràng về mục đích, nhưng nó có thể tạo ra cuộc xung đột không cần thiết. Có lẽ, trong tương lai, phản ánh sâu hơn về sự đan xen giữa mặt tốt và mặt xấu của một quốc gia có thể giúp chúng ta giải quyết những xung đột đang gia tăng này.

Đình Ngân dịch theo bản gốc của tác giả