Cùng vào một thời điểm, có hai thông tin về lúa gạo mà chúng ta không thể bỏ qua. Thông tin thứ nhất: Hãng tin Bloomberg hôm 13-9 dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan, ông Kittiratt Na-Ranong nói rằng Thái Lan sẵn sàng từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới để thực hiện kế hoạch thu mua lúa gạo mới. Ông nói nước ông "không tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo lớn mà tự hào rằng nông dân Thái Lan có thể trồng trọt và bán sản phẩm của họ ở mức giá hợp lý với nụ cười".
Thực hiện kế hoạch này, chính phủ Thái Lan sẽ mua lúa tẻ thường của nông dân với giá 15.000 baht/tấn (tương đương 446 USD). Như vậy gạo xuất khẩu của Thái theo tính toán sẽ lên đến 750 USD/tấn, cao hơn 25% so với mức hiện tại. Kế hoạch này bắt đầu từ ngày 7-10 nhằm thực hiện chính sách của bà tân thủ tướng Yingluck Shinawatra nâng cao thu nhập cho người nghèo, nhất là nông dân.Thông tin thứ hai: Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lúa gạo châu Á trong đó có Việt Nam, giá gạo sẽ tăng mạnh, cao nhất trong vòng ba năm nay. Thế nhưng tuần này giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục giảm mạnh liên tiếp trong hai tuần lễ.
Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại Tiền Giang cho biết: "Trong tháng 8, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiềm lực đã tranh thủ thu gom hàng trữ vào kho chờ mặt bằng giá gạo thế giới tăng cao qua việc Thái Lan mua lúa trong dân với giá gần 500 USD/tấn. Trước đó, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong cuộc họp báo ngày 24-8 với mục đích làm hạ nhiệt giá lúa gạo trong nước đã cho rằng đến tháng 11 Thái Lan mới tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân. Thế nhưng các công ty lương thực của nhà nước có lẽ không tin vào điều ông thứ trưởng nói nên họ đã tranh thủ thời điểm mua ép giá nông dân để sau này bán kiếm lời.
Hai thông tin rất khác nhau trên đây phản ánh thái độ đối xử với sản phẩm của nông dân cũng rất khác nhau, điều này làm rõ thêm băn khoăn lâu nay của nhiều người trong chúng ta: tại sao nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo.
Đã có một khoảng cách rất xa trong suy nghĩ chung quanh hạt gạo xuất khẩu giữa người làm ra sản phẩm (nông dân), nhà kinh doanh (những công ty lương thực) và các cấp quản lý (bộ, ngành) mà cuối cùng phần thiệt vẫn thuộc về người nông dân.
Bốc xếp gạo ở cảng Sài Gòn |
Chắc hẳn nhiều người chưa quên cách điều hành xuất khẩu gạo vào thời điểm giữa năm 2008 khiến cho nông dân phải ngậm đắng nuốt cay khi thấy hạt gạo kết tinh bao nhiêu mồ hôi và công sức của mình bị đối xử một cách phũ phàng.
Vào thời điểm ấy, giá gạo thế giới đang tăng lên đến 975 USD/tấn thì chính phủ lại có lệnh ngừng xuất khẩu với lý do bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng theo cách nhìn của người nông dân thực chất đó là nhằm khống chế giá trong nước không tăng mạnh theo giá lúa gạo thế giới. Suy nghĩ này càng được củng cố khi Bộ Công thương cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát là rất quan trọng vào lúc ấy do đó điều hành lúa gạo không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân. Thực tế diễn ra sau đó là Hiệp hội Lương thực xuất khẩu (VFA) bán lúa với giá 6.432 đồng/kg nhưng mua lúa của nông dân trước đó chỉ 4.000 đồng/kg.
Nhiều năm qua, trên các diễn đàn công khai, nhiều chuyên gia nông nghiệp và nông dân đã than phiền về tình trạng VFA được độc quyền trong mua bán lúa gạo. Là một tổ chức quy tụ các công ty kinh doanh lương thực mà lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu nên VFA thường ấn định giá có lợi cho mình.
Phải chăng do tính độc quyền này mà từ năm 2001 đến 2005 giá gạo xuất khẩu của chúng ta chỉ bằng khoảng 80% giá bình quân của thế giới. Năm 2009 và 2010, gạo xuất khẩu của chúng ta bán rẻ hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 100 đến 150 USD/tấn, điều này cho thấy nông dân luôn bị ép giá, trong khi vũ khí lợi hại nhất mà VFA và Tổng công ty Lương thực Miền Nam thường áp dụng là mua lúa tạm trữ trong khi không hề đầu tư kho chứa, nhà máy xay lúa cũng như không thiết tha đến việc tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Có năm, nông dân không có tiền ăn tết trong khi mức thưởng của các công ty quốc doanh kinh doanh lương thực thuộc vào loại cao nhất.
Mới đây trên một trang mạng xã hội có uy tín, tác giả Hoàng Kim ở Đồng Tháp có nêu lên một số nguyên nhân khiến đời sống người nông dân vẫn khó khăn trong khi năng suất trồng lúa ngày càng tăng, gạo xuất khẩu của chúng ta ngày càng nhiều. Ngoài việc giá lúa bị khống chế theo hướng lợi cho các đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo, bài viết còn đề cập đến những nguyên nhân mà ai cũng nhận ra từ lâu trong thực tế sản xuất lúa gạo ở nước ta khiến nông dân không thể làm giàu, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đó là:
- Chính phủ không có các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cụ thể là chưa xây dựng được một nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ giống cho nông dân, không tích cực xúc tiến việc cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch khiến gây thất thoát đáng kể.
- Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm dần từ năm năm nay. Cụ thể vào năm 2009, tổng nguồn vốn dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội, thấp hơn so với năm trước đó, trong khi đóng góp của lĩnh vực này vào GDP lên đến 20,91% trong khi chúng ta vẫn còn là một nước nước nông nghiệp lạc hậu.
- Sự độc quyền của Hiệp hội phân bón và các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp này ngày càng tăng cao, nhưng chưa bao giờ được sự can thiệp của chính sách bình ổn giá.
- Hội nông dân không phải là của nông dân nên không bảo vệ được quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa của họ. Điều này có những dẫn chứng trong thực tế vào những thời điểm khó khăn của nông dân như bị ép giá, chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc điều hành xuất khẩu gạo hay chủ trương mua tạm trữ, trong khi vấn đề được mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội khiến Thủ tướng phải trả lời chất vấn của các đại biểu, thì Hội nông dân vẫn không hề lên tiếng.
- Cách chỉ đạo của chính phủ chưa sâu sát. Bài viết nói trên dẫn lời ông Lê Phước Thọ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, từng là bí thư hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, phát biểu trên báo mạng Vietnamnet rằng: "Đồng bằng sông Cửu Long ở xa Trung ương quá, Bộ lâu mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì miền Tây chưa thoát nghèo được".
Những ghi nhận trên đây cho thấy thành quả của nông nghiệp sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu nông dân không được hưởng thụ tương xứng với những giá trị mà mình đã đóng góp. Trong tình hình lạm phát vẫn trì trệ và kéo dài nhiều năm nay thì nông nghiệp của chúng ta ít bị tác động nhất, sản lượng vẫn tăng đều. Nhưng không vì thế mà chúng ta bị ru ngủ bởi chủ nghĩa thành tích khi tự hào là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, mà cần có cái nhìn thực tế về chủ trương xuất khẩu gạo từng thời kỳ, từng hoàn cảnh để hướng đến sự hài hòa về quyền lợi của cả người sản xuất lẫn kinh doanh.
Phải làm sao để ngày càng bớt đi những hàng rào cản trở ước mơ làm giàu chính đáng của người nông dân trong điều kiện thu nhập bình quân của người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở mức 800 USD/đầu người, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là 1.200 USD.
Khoảng cách giữa giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang lớn dần Giá gạo Thái Lan tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng gần ba năm nay, do nhu cầu bốc xếp lớn cho các đơn đặt hàng từ Nigeria, và kỳ vọng vào chương trình can thiệp của chính phủ mới, trong khi gạo Việt Nam tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu thấp và hầu hết khách hàng chỉ đứng ngoài thị trường quan sát. Gạo 100% B của Thái hôm 7-9 tăng lên 640 đôla/tấn, mức cao chưa từng có kể từ tháng 10-2008. Một tuần trước đây loại gạo này giá 615 đôla/tấn. Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu buộc phải tăng giá chào bán bởi các nhà máy xay xát tăng giá", và thêm rằng hầu hết các nhà máy trong nước găm hàng lại chờ đến khi chính phủ mới thực hiện chương trình can thiệp như đã hứa, bắt đầu từ tháng tới. Dự báo xu hướng tăng giá gạo Thái sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng này, lên khoảng 750-800 đôla/tấn. |
- Hoàng Hải (Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)