(TuanVietNam) - Cuộc chiến chống tham nhũng từ trước đến nay cho chúng ta biết được rằng "minh bạch và trách nhiệm giải trình" là điều kiện tiên quyết để tiêu diệt nạn tham nhũng. Vì vậy, hệ miễn dịch đó phải tạo ra phải là hệ thống minh bạch, đi đôi với trách nhiệm giải trình trên cơ sở thông tin số liệu chính xác, đầy đủ...

Nhân đọc bài "Sự vô cảm nhân danh...đồng loại" của TuanVietNam.net, bản thân tôi cũng được chứng kiến nhiều việc vô cùng tồi tệ như vậy tôi rất đồng cảm với tác giả. Đó chính là sự băng hoại, sự suy thoái  đạo đức xã hội, dấu hiệu của sự bất an trầm trọng.

Để chữa trị tận gốc căn bệnh này, xin được đưa ra giải pháp "Điều chế văcxin phòng chống tham nhũng tại Việt Nam". Đề án đã được Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI 2011) trao giải ngày 17/8/2011, cũng là phần nào trả lời câu hỏi của nhà báo Kỳ Duyên: "Thuốc nào cho con bệnh vô cảm?".

Một ngày mới không... tham nhũng?

Để có "một ngày mới không tham nhũng" trở thành hiện thực chắc chắn chúng ta sẽ phải nghĩ đến một điều gì đó rất khác thường - tựa như một phép màu kỳ diệu. Vì vậy, có thể sáng kiến của chúng tôi là kỳ lạ và lãng mạn, song xin quý bạn đọc hãy kiên nhẫn cùng một chút "lãng mạn" để đọc và suy ngẫm về những gì chúng tôi dẫn ra dưới đây.

Con người ta, ai cũng có thể mắc và nhiễm bệnh. Những bệnh đặc biệt nguy hiểm mà (rất) nhiều người có thể bị lây, nhiễm là những bệnh do virus gây ra. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của ngành y, để phòng ngừa nhiều loại bệnh tật nguy hiểm, lây nhiễm, người ta đã nghiên cứu và điều chế ra hàng chục loại văcxin để tiêm/uống vào cơ thể từ đó giúp cơ thể tạo ra cơ chế/ hệ miễn nhiễm nhiều bệnh nan y một thời.

Liệu rằng chúng ta có thể hình dung tham nhũng giống như một loại virus gây bệnh - "virus tham nhũng"? Thật vậy, bất kỳ ai cũng có thể tham nhũng nếu có điều kiện thuận lợi (!) và nếu không sợ bị phát hiện (?).

Ngoại trừ ở đó, khi đó người ta "không dám, không muốn và không thể tham nhũng" (3 không). Việc xây dựng một thể chế "3 không" như trên là quá lý tưởng nhưng tốn kém, đòi hỏi rất nhiều thời gian và rủi ro lớn, giống như việc người ta phải xây dựng cả một môi trường sống/ làm việc vô trùng như các phòng hậu phẫu của bệnh viện.

Bởi vậy, nên chăng chúng ta nghĩ tới một giải pháp ít tốn kém, khả thi và thực tế hơn. Đó là việc nghiên cứu, điều chế và sử dụng loại "văcxin phòng chống tham nhũng" cho mọi người để mỗi người đều có thể miễn nhiễm với "virus tham nhũng" dù phải sống/ làm việc ở trong môi trường đầy rẫy  thứ virus đó như hiện nay.

Dĩ nhiên, thứ văcxin này không phải để uống/ tiêm cho từng người mà đó chỉ là 1 giải pháp, 1 công cụ, 1 phần mềm tin học đặc biệt để sớm có 1 môi trường sống, làm việc cho những người tham gia vào hệ thống dịch vụ công theo nguyên tắc "3 không".

Cuộc chiến chống tham nhũng từ trước đến nay cho chúng ta biết được rằng "minh bạch và trách nhiệm giải trình" là điều kiện tiên quyết để tiêu diệt nạn tham nhũng. Vì vậy, hệ miễn dịch đó phải tạo ra phải là hệ thống minh bạch, đi đôi với trách nhiệm giải trình trên cơ sở thông tin số liệu chính xác, đầy đủ và cập nhật, phản ánh đúng bản chất mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, chính trị, an ninh quốc phòng....

Ảnh minh họa

Thông tin số liệu (chính xác, đầy đủ, cập nhật) là GỐC của mọi vấn đề. Muốn giải quyết triệt để những thách thức, những "lỗi hệ thống" phát sinh trong các hoạt động kinh tế, xã hội chúng ta phải có những công cụ đặc biệt để ghi lại, mã hoá, số hoá và tổ chức, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng những mẩu tin, những con số, những sự kiện, những diễn biến, những hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Tóm lại, cần phải tiến hành lượng hoá, tin học hoá, "số hoá, ảo hoá" mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội một cách có hệ thống, hiện đại, khoa học, nhất quán để tạo ra và khai thác, sử dụng những kho thông tin. Đây là hướng đi tất yếu khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của nền kinh tế tri thức, của trí tuệ và sức sáng tạo.

Ngành công nghệ thông tin những năm qua đã làm được nhiều việc, có nhiều hệ thống phần mềm tốt sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, thuế, hải quan, thống kê, giáo dục...Nhưng chúng ta vẫn cần một loại phần mềm đặc biệt hơn, mạnh mẽ hơn, gần gũi với người dùng hơn nữa.

Để ai ai cũng có thể sử dụng chung 1 cách thức, 1 ngôn ngữ và những kinh nghiệm, kỹ năng, sự sáng tạo được phổ biến rộng rãi.

Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này và phát hiện mô hình CÂY với phép chiết hình (fractal, đệ quy, sao lặp) là mô hình phân cấp rất phổ biến trong tự nhiên cũng như trong xã hội.

Hãy lặng im quan sát thế giới xung quanh và tự nhìn sâu vào tâm thức, mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của tạo hoá, của thiên nhiên ở ngay chính bản thân mình.

Cơ thể mỗi người có từ 60 - 100 nghìn tỷ tế bào các loại! Mỗi tế bào là một hệ thống phức tạp của quá trình trao đổi chất, có input và output (đầu vào/ đầu ra), có đủ "sinh - thành - hoại - diệt".

Có các chức năng và vòng đời khác nhau nhưng chúng đều được "quản lý" một cách thống nhất, tinh vi, tài tình và hoàn toàn tự động bằng một "cái gì đó" vô cùng vi diệu mà từ xưa đến nay người ta chỉ biết gọi chung chung là "tạo hoá", là "cơ địa".

Văcxin phòng chống tham nhũng

Tôi cho rằng có "1 chương trình phần mềm (software) nào đó" trong cơ thể mỗi người đã thực hiện một cách hoàn hảo nhiệm vụ quản trị online hàng chục nghìn tỷ tế bào và chỉ có phần mềm (software) của thiên nhiên mới có thể tinh vi, hoàn hảo đến như vậy. Nên chăng, chúng ta từng bước "học tập, làm theo" cách thức của thiên nhiên, của tạo hoá trong việc quản lý xã hội, dĩ nhiên, bằng "phần mềm tin học".

Để quản lý cỡ 80.000 tỷ tế bào, mỗi tế bào sẽ được mã hoá và gắn với một số ID (đánh số, định danh, giống như số chứng minh thư nhân dân) duy nhất và thông qua ID này, thông tin số liệu về mọi mặt hoạt động của mỗi tế bào sẽ được giám sát, trao đổi (truyền tin) và lưu trữ đâu đó trong cơ thể chúng ta bằng một "chương trình phần mềm" hoạt động theo 1 cơ chế hết sức tinh vi.

Thông tin số liệu (chính xác, đầy đủ, cập nhật) là GỐC của mọi vấn đề. Muốn giải quyết triệt để những thách thức, những "lỗi hệ thống" phát sinh trong các hoạt động kinh tế, xã hội chúng ta phải có những công cụ đặc biệt để ghi lại, mã hoá, số hoá và tổ chức, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng những mẩu tin, những con số, những sự kiện, những diễn biến, những hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Đi sâu hơn nữa vào tận nhân của mỗi tế bào sống, ta có thể hết sức kinh ngạc thấy rằng chiếc thang xoắn ADN phải chăng chính là đoạn mã lệnh (CODE) quan trọng chứa đựng không chỉ các thông tin di truyền mà còn là những chương trình con (sub-broutine) cấu thành chương trình tổng thể của mỗi người.

Một tế bào nhỏ bé như vậy mà hệ giám sát của cơ thể ta đều không hề xem nhẹ, bỏ qua vì vậy chúng ta cũng sẽ phải học hỏi thiên nhiên để sao cho bất kỳ 1 con số, 1 mẩu tin, 1 hình ảnh nào... cũng đều được mã hoá, được đánh số để chúng được lưu trữ, quản lý trên một hệ thống máy chủ nào đó dưới dạng một CÂY thông tin dữ liệu.

Những phân tích ở trên đã củng cố niềm tin và tạo cảm hứng sáng tạo cho chúng tôi khi phát triển 1 sản phẩm phần mềm mà chúng tôi luôn mong ước "Phần mềm MNC - Tổ chức quản lý cây thông tin dữ liệu" - 1 phần mềm đặc biệt mà chúng tôi có thể khẳng định đây chính là loại "văcxin phòng chống tham nhũng" cần thiết cho Việt Nam nếu được sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng.

Thực tế là từ năm 2007 chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và điều chế thành công "văcxin phòng chống tham nhũng" trong phòng thí nghiệm. Nhưng nếu chỉ có sản phẩm, có công nghệ, có giải pháp kỹ thuật thì vẫn chưa đủ để đảm bảo thành công, mà cần có sự hình thành và phát triển cây thông tin dữ liệu.

Xin nêu một ví dụ: Nếu Uỷ ban Dân số Kế hoạch hoá gia đình và Tổng cục thống kê phối hợp triển khai và "trồng" một Cây Dân số (tức là sử dụng phần mềm đặc biệt đó để quản lý dân số Việt Nam) thì chỉ trong vòng 1 năm, chúng ta có thể có cơ sở dữ liệu dân số với thông tin đầy đủ và chính xác.

Điều chế thành công một loại văcxin trong y học đã là 1 thành tựu, bởi đó là những việc hết sức khó khăn, tốn kém nhưng đầy ý nghĩa. Điều chế thứ "văcxin phòng chống tham nhũng" chắc chắn không hề đơn giản, dễ dàng ngay cả việc chấp nhận khái niệm có phần "siêu tưởng, kỳ lạ" này.

Tuy nhiên, chúng ta đã, đang và sẽ có được những bước tiến rất dài và ngày càng đi nhanh đến đích bằng những công cụ, phương tiện hiện đại và những nhận thức mới do sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đem lại.

Ngô Sỹ Thuyết