Cơ chế điều hành xăng dầu, nghi án mạo học vị và những tuyên bố liên quan tới tình hữu nghị và tranh chấp là những lát cắt trong mục Phát ngôn & Hành động tuần này.
Xăng dầu và dấu ấn Vương Đình Huệ
Hầu hết các vị chức sắc quốc hội đều từ chính phủ sang, chứ rất hiếm trường hợp chuyển theo chiều ngược lại.
Vương Đình Huệ là một nhân vật trong số hiếm hoi đó, khi ông từ chân Tổng Kiểm toán Nhà nước, thuộc Quốc hội, chuyển sang ngồi ghế Bộ trưởng Tài chính, thuộc Chính phủ. Mặc dù, khi ông còn làm phó ở Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này vẫn thuộc Chính phủ.
Và ông đã tạo dấu ấn riêng trước Chính phủ, với tư cách một cựu chính khách quốc hội.
Tại hội thảo "điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay", diễn ra vào sáng 20.9 vừa qua tại Hà Nội, chính sự chủ trì của ông đã thật sự biến cuộc hội thảo này thành cuộc "khẩu chiến" giữa một bên là các công ty xăng dầu và Bộ Công thương, và một bên là Bộ Tài chính. Mặc dù, ông không phải là người "khai chiến".
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, theo Báo Tuổi Trẻ tường thuật, chính là người khai hoả. Ông cho rằng chính sách xăng dầu được điều hành theo kiểu "bịt mắt bắt dê".
Tuy ông không giải thích "dê" là gì, nhưng căn cứ vào những mục tiêu mà chính phủ theo đuổi, có thể ngầm hiểu "ba con dê" đó là "đảm bảo an ninh năng lượng", "chống lạm phát" và "người tiêu dùng" được một phần bao cấp. Và, theo ông Tú, trên thực tế, "con dê" cuối cùng lại được ưu tiên nhất.
Cũng theo ông Tú, trong một thời gian dài, Bộ Tài chính điều hành giá xăng theo kiểu dư luận tới đâu, điều hành tới đó. Các mục tiêu cân đối cung cầu, hệ thống ra sao, doanh nghiệp lỗ lãi thế nào, xuất lậu ra sao đều bị bỏ qua.
(Theo thiển nghĩ của người viết, về điểm này, vị lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn toàn có lý. Và nhận xét của ông không chỉ đúng với Bộ Tài chính, hay đối với lĩnh vực xăng dầu. Riêng với lĩnh vực xăng dầu, cũng phải phân loại đối tượng tiêu dùng, để có chính sách bao cấp phù hợp. Bởi điều này cũng giúp hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng xe hơi tràn lan, và nhất là hạn chế việc nhập khẩu những trang thiết bị rẻ tiền, nhưng hao tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường từ quốc gia láng giềng phía Bắc.)
Còn một người cùng họ Vương Đình với ông Huệ là TGĐ Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Vương Đình Dung) lại cho rằng Nhà nước "vừa muốn doanh nghiệp theo cơ chế thị trường vừa muốn bình ổn giá" nên điều hành luẩn quẩn, và không bao giờ thực hiện được theo cơ chế thị trường.
Chỉ sau màn "bi ca" than lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là Petrolimex (nói lỗ 1800 tỷ đồng từ đầu năm tới nay), Tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ, người hoàn toàn không chịu trách nhiệm về sự điều hành trước đây của người tiền nhiệm và hiện cũng là thủ trưởng trực tiếp của ông, mới lên tiếng.
Ông Huệ phê phán việc Petrolimex không thể nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được. Ông còn đi xa hơn nữa khi nghi ngờ khả năng quản trị của ông Bùi Ngọc Bảo, khi không biết hạch toán từng mặt hàng...
Ông Huệ cũng cho rằng khó có thể thực hiện cơ chế thị trường hoàn toàn khi 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm tới 90% thị phần phân phối xăng dầu, và khả năng họ thông đồng với nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. "Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu", ông đoan chắc.
Đến cuối buổi hội thảo vẫn chẳng ai chịu ai, và bằng chứng là ông Bùi Ngọc Bảo đến ngày hôm sau còn tổ chức họp báo riêng để giải thích rằng số liệu hải quan mà ông Vương Đình Huệ dựa vào để phản bác rằng Petrolimex lãi chứ không lỗ chỉ là số liệu tạm khai. Tuy nhiên, nó đã để lại dư âm lớn trong dư luận và giới chuyên gia kinh tế.
TS Nguyễn Minh Phong nói rằng hội thảo này đã đưa ra hai thông điệp rất lớn.
Thông điệp đầu tiên là sự công khai, minh bạch đối với hoạt động của doanh nghiệp, để tránh câu chuyện "lãi thật, lỗ giả", khiến người tiêu dùng và bản thân nhà nước chịu thiệt.
Thông điệp tiếp theo chính là việc công khai, minh bạch chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, để rạch ròi giữa nhiệm vụ công ích là góp phần cân đối vĩ mô, trong đó có chống lạm phát, với sự điều hành yếu kém, thậm chí tham nhũng của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự công khai minh bạch chính sách nhà nước cũng là điều kiện tiên quyết buộc doanh nghiệp cũng phải công khai minh bạch.
Cũng chính vì vậy, theo thiển nghĩ của người viết, với tình trạng thiếu công khai, minh bạch từ cả hai phía, cả doanh nghiệp xăng dầu, cả bộ chủ quản của họ là Bộ Công thương, và cả Bộ Tài chính đều có những cái lý riêng của mình.
Và có lẽ có lý nhất chính là cụ Nguyễn Du, người đã từng viết: "Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ."
Xử lý được "thằng bán tơ" này mới giải quyết dứt điểm được mọi chuyện - điều nằm ngoài thẩm quyền của ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Cẩm Tú, hay tất cả những người tham dự hội thảo hôm đó.
Riêng ông Vương Đình Huệ, trước mắt, vẫn có những việc phải làm trong nội bộ của mình như Cục Quản lý giá, hay Tổng cục Hải quan, để buộc những người mà ông đã thách thức trong hội thảo phải "tâm phục khẩu phục". Và, như vậy, cái Bộ Tài chính mà ông vừa tiếp quản sẽ không phải chịu cái thái độ mà người ta đã cư xử với ông trong hội thảo. Xét cho cùng, cái gì cũng có cái lý riêng của nó.
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo |
Nghi án "mạo bằng" và dấu ấn "nổi mặt sau" ở Bộ Y tế
Một dấu ấn khác trong tuần vừa qua diễn ra ở Bộ Y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhưng là dấu ấn chìm. Bởi nó nổi ở mặt sau.
Đó là sự tiếp nối của xì căng đan liên quan đến Thứ trưởng Cao Minh Quang. Sau nghi án tham nhũng chưa được kết luận rõ ràng, ông lại bị cáo giác đã khai man rằng trong giai đoạn 1991-1994, ông là nghiên cứu sinh của Đại học Uppsala (Thuỵ Điển), và đã bảo vệ luận án tiến sỹ dược khoa tại đại học này.
Có điều những nguồn tin khác nhau của những tờ báo khác nhau lại khiến cho dư luận có cảm giác lẫn lộn về câu chuyện này.
Cách đây đúng một tuần, báo Tiền Phong đưa tin, ngày 9.9.2011, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB, xác nhận rằng cái "Licentiatexamen" về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên của ông Cao Minh Quang chỉ là chứng chỉ "để tham dự khoá học tiến sĩ", chứ không phải văn bằng học vị. Kết luận trên lại được tái khẳng định bởi Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II, theo văn bản số 3157/A83 (P5), cũng theo bài báo này.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ, ra ngày 19.9.2011, dẫn nguồn tin một cán bộ Bộ Y tế, lại khẳng định rằng về bằng cấp, do chưa có quy định về tương đương bằng cấp giữa Thụy Điển và Việt Nam, một thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo khi đó đã ký xác nhận công nhận chứng chỉ kể trên tương đương học vị tiến sĩ.
Sự rối rắm về thông tin đó chỉ được gỡ ra khi một tiến sĩ Việt Kiều ở Phần Lan vào cuộc, khi ông đặt vấn đề nghi vấn điều khẳng định của Cục KTKĐCLGD. Bởi, dù đã đi nhiều, biết nhiều, ông chưa bao giờ nghe thấy cụm từ "tham dự khoá học tiến sĩ" cả, bởi vì "cứ nghe như tiến sĩ là một khoá học ngắn hạn vài ba tháng là xong".
Theo tìm hiểu của TS Lê Văn Út, "licentiatexamen" là một văn bằng (degree), chứ không phải chứng chỉ. Bởi nó (gọi là PhL) nằm trong hệ thống văn bằng chính thức của Thuỵ Điển, và nằm giữa "thạc sĩ" (master) và "tiến sĩ" (PhD).
Lúc này, người ta có thể dễ dàng nhớ câu chuyện chuyển đổi văn bằng phó tiến sĩ, vốn phổ biến ở các nước XHCN, sau sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô. Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển tên gọi "phó tiến sĩ" thành "tiến sĩ", nhưng gọi là "tiến sĩ chuyên ngành" (sau đó bỏ bớt từ "chuyên ngành" đi) để phân biệt với tiến sĩ khoa học.
Vậy là dường như ông Cao Minh Quang đã được "giải oan" về chuyện bằng cấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ "thoát tội".
Bởi chắc chắn câu chuyện "dích dắc" của "nghi án 2 tỷ đồng" sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Nhất là mối quan hệ tay ba giữa ông Cao Minh Quang, bà Nguyễn Ngân Quyên, người tháp tòng ông Quang đến BV Pharma BV mà ông Quang dặn "đừng nói ra ngoài", và bà vợ Nguyễn Thị Ngọc Giao của ông Quang, người nghe nói cũng có nhân thân khá đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang |
Người viết chỉ thấy băn khoăn một điều là toàn bộ câu chuyện nói trên của ông Quang đã xảy ra từ đầu nhiệm kỳ của bộ trưởng y tế khoá trước mà đến đầu nhiệm kỳ của bộ trưởng y tế khoá này mới bung bét ra.
Đó là chưa kể, việc ông Cao Minh Quang từng bị Ủy ban Kiểm tra TW quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng năm 2009, bây giờ mới bị báo chí "phui" (?!) ra.
Rồi ngay cả một quan chức đã nghỉ hưu là TS Trần Đáng, nguyên viện trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, cũng vừa mới "góp gió" với một cuốn sổ tay ghi "tội vặt" của nguyên thủ trưởng trực tiếp của mình. Trong đó, có chi tiết thú vị nhất, theo ghi chép của TS Trần Đáng, là ông Cao Minh Quang nhầm lẫn giữa khái niệm "chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm" với "điều kiện của mắm tôm".
Có lẽ, cũng vì như vậy, thời đó Báo Sài Gòn Tiếp Thị có bài viết "Mắm tôm đi kiện" chăng?!
Liệu đây có là dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc cải tổ? Hay là...
Vẫn còn hơi sớm để đưa ra nhận định, nhỉ?
Về phần mình, theo thiển nghĩ người viết, có lẽ ông Cao Minh Quang nên chủ động viết đơn từ chức. Chứ đừng để đến lúc mà ở Bộ Y tế phải ép ông, như lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch đã từng làm với hai ông nguyên cục trưởng và cục phó của Cục Điện ảnh, hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đối với ông nguyên trưởng giải Dương Nghiệp Khôi.
Bởi, với cách người ta moi những câu chuyện "từ xửa từ xưa" ra để "xử" ông, chắc chắn ở Bộ Y tế người ta chẳng dành cho ông chút "tình" nào, như trường hợp của hai cơ quan kể trên. Còn trong trường hợp ngược lại, biết đâu sau này người ta sẽ lại nhắc đến tên ông, như một người khởi xướng cho một trào lưu văn hoá mới - văn hoá từ chức (tự nguyện).
Chắc ông nhớ câu chuyện "Tái ông thất mã"?!
ĐS Khổng Huyễn Hựu và dấu ấn đối ngoại
Một dấu ấn quan trọng nữa là dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, về mặt đối ngoại.
Đó là việc chiều 20.9 vừa rồi, ông đã tiếp các tân đại sứ Lào, Mỹ và Trung Quốc. Chả là theo phân công chức năng nhiệm vụ giữa các lãnh đạo chính phủ, Thủ tướng phụ trách cả mảng đối ngoại.
Trong lời đáp từ của các vị tân đại sứ trước hy vọng của Thủ tướng đối với họ trong việc góp phần làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, có lẽ Tân Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu là ấn tượng nhất.
Đại sứ Khổng Huyễn Hựu khẳng định nhiệm vụ thúc đẩy và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc là sứ mạng, là niềm vinh dự mà hai Đảng, hai Nhà nước giao cho cá nhân Đại sứ.
Trước đó, vào ngày 12.9, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong cuộc tiếp xã giao Đại sứ Khổng Huyễn Hạo đã hứa rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ Trung Quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Có vẻ như Đại sứ Khổng Huyễn Hựu, so với những người tiền nhiệm của mình, đã có sự khởi đầu thuận lợi hơn hẳn...
Thế nhưng, sự đời lại không đơn giản thế. Bởi cùng lúc đó, đã có những diễn biến không mấy thuận lợi cho mối quan hệ mà ông Khổng Huyễn Hựu coi việc thúc đẩy cũng là sứ mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam giao cho cá nhân ông.
Thứ nhất là việc Trung Quốc cử tàu cá có trọng tải 1000 tấn đến Trường Sa để hỗ trợ việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Bên cạnh việc có 500 tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị |
Thứ hai là việc hai đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao của ông Khổng Huyễn Hựu là Khương Du và Hồng Lỗi đã lớn tiếng phản đối Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại Lô 127 và Lô 128, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính vì vậy, giữa hai cuộc tiếp của người đứng đầu ngành ngoại giao và người đứng đầu chính phủ Việt Nam đối với ông Khổng Huyễn Hựu, Tân Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, người còn chưa kịp nhận đầy đủ sự bàn giao công việc từ người tiền nhiệm, đã phải lên tiếng về lập trường kiên định của phía Việt Nam, nhất là với sự tham gia của Ấn Độ vào thăm dò dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 16.9.2011, ông Lương Thanh Nghị nói: "... Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị."
Còn nhớ, người tiền nhiệm của ông Lương Thanh Nghị là Tân Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga, khi kể từ khi nhậm chức người phát ngôn cách đây hơn 2 năm, đã có tới 2 tháng để làm quen trước khi ra tuyên bố đầu tiên liên quan đến Trung Quốc.
Đó là vụ 16 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa.
Thế nhưng, trong hai năm trên cương vị này, bà đã liên tục phải làm những việc tương tự, tuy nội dung có khác nhau.
Đó là điềm báo cho một nhiệm kỳ chắc hẳn còn vất vả hơn đối với ông Lương Thanh Nghị - người, cũng như bà Nguyễn Phương Nga, sẽ có nhiều việc phải làm với Đại sứ Trung Quốc, mỗi khi có sự cố xảy ra giữa hai nước trên Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chắc ông Lương Thanh Nghị cũng cảm thấy hơi buồn, vì, trong trường hợp của ông, lại là Đại sứ Khổng Huyễn Hựu, người vừa có những lời hứa đầy xúc động và tâm huyết trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng biết làm sao được! Cho dù có là ông Khổng Huyễn Hựu, giới chức Việt Nam, trong đó có ông Lương Thanh Nghị, cũng vẫn phải tỉnh táo để không (bị) huyễn hoặc.
Huỳnh Phan