(TuanVietNam) - Để tiêu diệt tận gốc căn bệnh vô cảm thì có lẽ trước tiên từng cá nhân, cộng đồng đều phải nhận thức rõ đó là "chuyện không chỉ của riêng ai" để chung tay hành động.
LTS: Chủ đề "Thuốc nào trị bệnh vô cảm?", do Tuần Việt Nam tổ chức trong thời gian vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến, bài viết chia sẻ, đồng cảm và "hiến kế" trị bệnh. Bài viết dưới đây là sự tổng kết cuộc thảo luận sôi nổi này- với hy vọng khép lại một chủ đề, nhưng là tiếp tục mở ra những suy nghĩ, hành động hiệu quả hơn để cả xã hội chung tay ngăn ngừa và hạn chế một thực trạng đạo đức xã hội đáng lo ngại.
Vật chất dư thừa nhưng con người trống rỗng
Sau rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra gần đây, một vấn đề đã trở nên nhức nhối: Phải chăng người Việt đang ngày càng trở nên vô cảm? Sự vô cảm thể hiện ra là trạng thái dửng dưng, "đèn nhà ai nhà đấy rạng", hay như một cách nói hình tượng là con người bị "rô-bốt hóa", khiến chúng ta hành xử tàn nhẫn, vô tình.
Bản thân vô cảm không phải là tội ác, nhưng nó là con đường rất gần tiến đến tội ác. "Thái độ vô cảm và hành động vô minh sẽ dẫn đến mọi tội ác và đau khổ, dẫn đến không làm chủ được mình..." Tác giả Thái Nam Thắng đã chỉ ra như vậy trong bài viết Một dân tộc biết nói tiếng chim.
Đáng nói là, vô cảm không chỉ còn là câu chuyện cá nhân, mà nó đã dần trở thành "dấu ấn" của một xã hội hiện đại. Như tác giả Kỳ Duyên trong bài viết Sự vô cảm nhân danh đồng loại, đã nhận xét: "Sự vô cảm trong mọi lĩnh vực và ở nhiều tầng lớp xã hội cứ ngày càng tăng thêm, như một thảm họa đạo đức đến đau lòng."
Ở cấp độ cá nhân, đó là sự ích kỷ, hẹp hòi, lạnh lùng của mỗi người trước những bất hạnh của con người, trước những vấn đề xung quanh cần có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng. Nhưng ở cấp độ tập thể, đó là một trạng thái không lành mạnh đã "di căn" vào phần đông cái cơ thể "xã hội".
Bỏ mặc người bị nạn không cứu, thậm chí còn xông vào hôi của. Hay những tội ác ghê người xuất phát từ những căn cớ hết sức vụn vặt. Sự đảo lộn của nhiều giá trị đạo đức trong các mối quan hệ vốn được coi là nền tảng xã hội như bố mẹ - con cái, thầy cô - học trò... Nạn đút lót, tham nhũng xảy ra ngày càng phổ biến trên nhiều cấp độ, v.v... Đó là những biểu hiện "muôn hình vạn trạng" của tình trạng vô cảm.
Có một nghịch lý mà hầu hết chúng ta đều thừa nhận: Xã hội ngày nay đã phát triển hơn rất nhiều về vật chất. Các chỉ số dân sinh, kinh tế, hưởng thụ văn hóa, y tế, giáo dục... đều tăng cao rõ rệt so với những thập niên trước. Chất lượng cuộc sống cũng theo đó tăng lên, nhiều người giàu có, trình độ văn hóa được nâng cao ở các cấp, xã hội văn minh hơn... Nhưng vì sao khi xã hội càng văn minh, thì con người lại càng trở nên vô cảm hơn?
Đáng sợ hơn nữa, người trẻ là tương lai của đất nước, thì lại nhiễm bệnh "vô cảm" trầm kha nhất. Không ít người phải giật mình trước lối sống hưởng thụ , chạy theo kim tiền và những giá trị nhất thời của không ít bạn trẻ ngày nay.
Hậu quả của "căn bệnh" này vô cùng nghiêm trọng. Vô cảm với nước với dân thì không bao giờ làm chủ được mình, làm chủ được dân mình, nước mình... "Vô cảm càng "thịnh", có nghĩa là Việt Nam có thể rơi vào bi kịch 1 xã hội bất an trong chính tâm hồn con người". Tác giả Minh Châu nhận định một cách chua xót và đáng lo ngại trong bài viết Càng văn minh càng vô cảm?
Vô cảm không chỉ còn là câu chuyện cá nhân, mà nó đã dần trở thành "dấu ấn" của một xã hội hiện đại. Ảnh minh họa |
Để dẫn đến tình trạng này, thì không ai là vô can, ai cũng có trách nhiệm: Từ người lãnh đạo đến tận thường dân.
Vấn đề quan trọng đặt ra là tại sao sự vô cảm ngày càng trở nên phổ biến? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó? Trả lời câu hỏi này hẳn không hề dễ dàng, và cần một cái nhìn toàn diện để có thể soi rọi vào mọi khía cạnh, cả những góc khuất khó lường nhất.
Có không ít ý kiến lý giải vấn đề từ nguyên nhân nền kinh tế thị trường đã tha hóa con người, khiến chúng ta chỉ chạy theo giá trị vật chất mà quên lãng việc củng cố giá trị tinh thần. Tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau - vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt - không còn phổ biến nữa, mà xen vào đó là sự toan tính, thấy có lợi cho bản thân mới giúp, mới quan tâm hỏi han.
"Nền kinh tế thị trường theo cách ăn xổi ở thì, chụp giựt đã tàn phá văn hóa, đạo đức một cách dễ dàng hơn các quốc gia khác, hơn những nền văn hóa khác. Đó là một thực tế mà chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, chính cái nền văn hóa có quá nhiều hạn chế, đã làm cho sự rạn vỡ của các giá trị xảy ra nhanh hơn, nhiều hệ lụy hơn." Đó là sự lý giải khá xác đáng của tác giả Hà Văn Thịnh trong bài báo Căn bệnh trầm kha nhất của xã hội đương đại.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng vấn đề không đơn giản nằm ở nền kinh tế thị trường. Thực tế là "có không ít quốc gia, kinh tế thị trường phát triển sớm, nhưng xã hội ổn định, đâu có nhan nhản những chuyện vô cảm đến đau lòng như vậy?", tác giả Kỳ Duyên phản biện.
Vậy phải chăng căn bệnh trầm kha này xuất phát từ một lỗ hổng "cốt tử": Nền giáo dục- trong nhà trường cũng như trong chính mỗi gia đình. "Gia đình là "rường cột" của xã hội, nhà trường là nơi đào tạo "nguyên khí" quốc gia, thì 2 nơi này lại đang mang trong mình bao khuyết tật", tác giả Minh Châu lý giải.
Nhà trường giờ đây không còn là nơi trong sạch để "tiên học lễ, hậu học văn". Mối quan hệ thầy- trò trở nên lung lay hơn bao giờ hết trước những tác động của môi trường, sự xuống cấp đạo đức của một số người thầy, người cô.
Thêm vào đó, nhà trường lại chưa có khả năng - hoặc lơ là việc trang bị cho học sinh một nền tảng- kiến thức và cả tấm lòng, sự nhân ái từ bản năng đến ý thức, để phòng và chống căn bệnh vô cảm.
Chẳng hạn khả năng tưởng tượng - một khả năng giúp trẻ em có thể "nhìn thấy" cái vắng mặt, thậm chí nhìn thấy hậu quả của cái vắng mặt - bản chất của khả năng tự kiềm chế, khả năng tự chủ, như tác giả Phạm Anh Tuấn đã nhìn nhận. Mà nhà trường cứ loay hoay dọn dẹp bằng cách dạy cho con trẻ yêu cái tốt mà quên mất rằng cái chính yếu- căn bản là phải dạy cho chúng ghét cái xấu.
Và số đông ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị chân chính bị lung lay. "Nói chính xác, nó là hệ lụy của một xã hội hiện tại khi niềm tin thì ít và lung lay, thực dụng vừa nhiều vừa phổ biến, thói ích kỷ tràn lan và ngày càng tăng".
Vậy nhưng, phải chăng còn có nguyên nhân nào đó căn bản, tác động "khủng khiếp" hơn nằm trong cái "bàn tay vô hình" đang tha hóa chúng ta thành những rô-bốt không tình cảm? Phải chăng như tác giả Kỳ Duyên đã tổng kết: "Lỗi của căn bệnh vô cảm có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội này, mà giáo dục chỉ là một thành viên góp phần".
Nạn đút lót, tham nhũng xảy ra ngày càng phổ biến trên nhiều cấp độ. Ảnh minh họa |
Tìm vắc-xin trị bệnh
Để "tiêu diệt tận gốc" căn bệnh vô cảm thì có lẽ trước tiên từng cá nhân, cộng đồng đều phải nhận thức rõ đó là "chuyện không chỉ của riêng ai" để chung tay hành động. Sự thức tỉnh phải diễn ra trong tất cả chúng ta - để thấy tạo ra sự thay đổi không phải là trách nhiệm của ai đó - mà trước tiên là của chính mình.
Tiếp đó, tùy theo cách lý giải nguyên nhân mà mỗi người lại đề ra những giải pháp khác nhau cho tình trạng này.
Chẳng hạn, nhìn nhận vai trò trọng yếu của giáo dục, nhiều ý kiến đã chỉ ra trách nhiệm của nhà trường trong các vấn đề như nuôi dưỡng khả năng tưởng tượng từ bé cho trẻ em, hay sớm củng cố cho trẻ nền tảng vững chắc để phòng và chống căn bệnh vô cảm.
Cũng có ý kiến lại cho rằng vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người". "Chúng ta phải làm sao để mọi người đều biết và phải hiểu rõ... [nếu] họ làm điều xấu, họ sẽ bị cô lập, sẽ bị lên án thì họ sẽ không dám làm nữa". Tác giả Toàn Nguyễn trong bài Những con người đang "rô bốt hóa?" hiến kế.
Nhưng cũng đã đến lúc, những giải pháp không thể chỉ nằm ở sự tác động tự nguyện, dùng cái "tình" để sửa chữa cái "vô tình". Người Việt vốn "nổi tiếng" về tính duy tình, nhưng không ít khi đặc tính này tạo ra kẽ hở để sự vô cảm nương nhờ phát triển, và tội lỗi được dễ dàng xuê xoa bỏ qua.
Vậy, "dược phẩm đầu bảng", và không thể thiếu là cần phải tái lập các chế tài nghiêm khắc để lập lại trật tự. "Pháp luật Việt Nam phải có những quy định chế tài cụ thể về những hành vi vô cảm đối với cộng đồng" (Toàn Nguyễn).
Khi chế tài pháp luật đủ mạnh, con người sẽ nhận thức rõ được rằng khi hành động vô cảm, mình không chỉ đang đi ngược đạo lý mà còn vi phạm pháp luật và có thể phải chịu hình phạt thích đáng. Thấy người bị nạn không cứu là vi phạm pháp luật. Hôi của là phạm tội. Dùng bạo lực "tự xử", giết người sẽ phải nhận hình phạt thích đáng,v.v... Chỉ trong một xã hội kỷ cương vững mạnh, con người mới có thể ứng xử theo những tiêu chuẩn cần có.
Đối với tham nhũng - biểu hiện rõ nét và cao độ của căn bệnh vô cảm - phương thuốc này cũng sẽ hết sức hiệu quả. Đó là một loại "vắcxin" không thể thiếu trong cuộc chiến "điều trị" đầy căng go này. Khi chế tài, pháp luật quyết liệt thì buộc xã hội phải trở nên minh bạch hơn, "đất sống" của bệnh tham nhũng cũng ngày càng bị thu hẹp hơn.
Để đạt đến những kết quả mong đợi đó, cần sự chung tay của tất cả. Như quan điểm của tác giả Toàn Nguyễn là: "Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau".
Để đạt đến những kết quả mong đợi đó, cần sự chung tay của tất cả. Như quan điểm của tác giả Toàn Nguyễn là: "Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau".
Hải Tâm