(TuanVietNam) - Những cuộc chuyển nhượng bạc tỷ được ngợi ca song song với những bài học đạo đức, liệu có xứng đáng với một dân tộc sau bao nhiêu năm máu lửa đang xây dựng cuộc đời mới mang dấu vết Phan Châu Trinh - trong cuộc chấn hưng văn hóa mới - chấn hưng hay là chết - có đáng không?

LTS: Cũng là chủ đề bóng đá, mới đây, nhà giáo Phạm Toàn gửi cho Tuần Việt Nam chúng tôi bài viết, với một cách nhìn ở góc độ khác. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết dưới đây. Rất mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận, tham góp của bạn đọc gần xa về chủ đề này.

Một câu hỏi rất đáng nêu ra trước tất cả mọi người: Chúng ta nên chạy đua những gì với thế giới hiện nay? Cách đặt đảo lại câu hỏi mang cùng nội dung ấy: Có những lĩnh vực Việt Nam mình không cần chạy đua, không cần "nhất thế giới", không nên chạy đua, thậm chí có mang tiếng thua thế giới, thì cũng chẳng sao cả, được không?

Với tôi, câu trả lời thực ra đã có sẵn từ lâu: Bóng đá là lĩnh vực ta chả cần gì phải đau khổ khi thua kém thế giới hết- ta cần có giải pháp bóng đá của ta.

Tôi xin mạn phép bạn đọc nêu lập luận của mình- trái lỗ tai của ai, xin bỏ qua.

Thể thao cần mang tính giáo dục

Khi nói đến công cuộc giáo dục, nhà giáo dục (và những người có ảnh hưởng tới chính sách giáo dục) cần nghĩ tới cái điều tích cực họ có nhiệm vụ phải thực hiện. Bao trùm toàn bộ sự nghiệp văn hóa, điều tích cực đó là tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia sự nghiệp văn hóa chứ không để họ đứng ngoài vỗ tay hoan hô một nhúm những "ngôi sao".

Trong lĩnh vực bóng đá, những thanh niên và thiếu niên có giáo dục phải là những tác nhân trực tiếp tham gia sự nghiệp bóng đá. Họ phải trực tiếp đá bóng ở những sân vận động nhỏ xây dựng cho từng xã, từng cụm trường học, từng cụm xí nghiệp... thay vì thụ động ngồi thượt ra xem các câu lạc bộ tranh nhau trái bóng, rồi khi câu lạc bộ đó thua, thì họ chỉ còn biết... chửi tục, vì thần tượng bóng đá của mình bị ngã ngựa.

Họ phải khỏe mạnh nhờ bóng đá, chứ không chết mệt vì thức đêm và sau đó trình độ bóng đá cao nhất là a-dua mô tả những "thằng này thằng nọ" sút vào phút thứ bao nhiêu...

Vào những năm 1960, đoàn kịch Điện ảnh Việt Nam diễn vở kịch nổi tiếng Trung phong chết lúc bình minh. Trong vở đó, tác giả nói đến cái cuồng nhiệt của công chúng với ngôi sao bóng đá của mình, đại ý như sau: Người dân nghèo không có quyền lực gì trong tay, họ chỉ có cái ảo tưởng quyền lực khi thần tượng bóng đá của họ thắng trận trên sân cỏ.

Vậy thì, tiếp tục không để quần chúng là những người tham gia mà cứ tiếp tục là những kẻ ngợi ca vô duyên những thần tượng, sẽ chỉ có nghĩa là kéo dài cái ảo tưởng quyền lực đó...

Hãy thử nghĩ đi: Sau trận thắng không do mình làm ra, hàng trăm nghìn đứa trẻ "to xác" leo lên xe máy, chạy rông ngoài đường, miệng hô "Việt Nam, Việt Nam"...Rồi tai nạn xe cộ. Rồi cá độ và những tội ác đi kèm. Ngay cả khi những cuộc diễu hành ăn mừng "Việt Nam, Việt Nam" kia không kéo theo tai nạn, án mạng...thì sự ăn mừng vô ý thức là điều hoàn toàn xa lạ với khái niệm giáo dục.

Ảnh: Hoàng Hà - VNE

Văn hóa không được phép tiêu cực

Kéo theo lý do bên trên đây, lý do để Việt Nam không cần chạy đua bóng đá liên quan đến những tiêu cực trong "sự nghiệp" đó.

Cách nay chừng mươi năm, báo Tia sáng nhờ tôi hiệu đính bài dịch của anh Ngô Quốc Chiến về ma túy và các dạng nghiện ngập khác trong giới cầu thủ bóng đá (bên Tây, may quá!). Đó là lần đầu tiên nhờ bài báo mà tôi biết điều này: Trong não của cầu thủ ngôi sao (xin lỗi các ngôi sao Việt Nam nếu các anh chị chưa dính hoặc không dính) có một điểm gọi tên là dopamine- ngay cái tên gọi đã đầy gợi ý rồi: Dopamine và doping!

Họ có cuộc đời vật lộn quá ngắn. Kích thích chỉ bằng đam mê vào vùng dopamine nếu không đủ thì cần bổ sung bằng cái gì đó khác nữa, ta có thể đoán ra. Và thế là họ thân bại danh liệt khi về hưu (có khi còn bại và liệt ngay trước khi được về hưu nữa).

Thế rồi, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện mình được nghe từ cuối những năm 1950 thế kỷ trước, khi Việt Nam mới sửa sang sân vận động Hàng Đẫy thành địa chỉ thể thao hiện đại. Khi tôi còn bé, học tiểu học, bố tôi vẫn tìm cách cho vào cái sân có tên Septo đó để tập chạy. Tôi không thể quên những buổi chiều chuyển về tối, cha con chúng tôi cùng nhiều người khác chạy thành hàng với nhau, chẳng ai quen ai mà thân ái thánh thiện vô cùng.

Bố tôi bảo tôi nên chạy chân đất- và cái lạo xạo đâm vào gan bàn chân trên đường băng, hình như sau này có giúp tôi những năm tháng đóng quân chuyển quân ở vùng rừng và trung du tỉnh Thái.

Thế nhưng, vào cuối năm 1950, cũng trên cái sân vận động này, lần đầu tiên tôi được biết chuyện đánh người diệt chân sút "đội bạn". Dĩ nhiên, cách đánh thâm nho khó có thể từ cầu thù Việt Nam nhỏ thó khi đó vẫn luôn luôn tin tưởng vào tình hữu nghị.

Nó được "dạy" một cách trực tiếp từ những chú củ Sâm, từ những chú Khựa, những cách xưng danh mọi người chỉ rỉ tai nhau se sẽ, trong khi báo chí vẫn "hoan nghênh, hữu nghị" ... hóa ra từ ngày ấy đã thiếu chân thành thánh thiện. Rồi những cái rỉ tai của những "người am hiểu" nữa chứ: "Trận này chỉ đạo đá hòa ... Trận này chỉ đạo đá thua một trái ... Trận này chỉ đạo đá thắng sát nút ..." Hóa ra chuyện dàn xếp tỷ số (dù chưa vì tiền như bây giờ) không phải đến ngày nay mới có, mà có từ lâu rồi...

Nói làm gì nữa đến những tệ nạn khi Việt Nam đua chen vào "nền bóng đá chuyên nghiệp". Những gương mặt cầu thủ yêu mẹ đến độ thánh thiện bỗng xa mẹ để vào tù - chẳng biết có những ai còn nhớ để mà tổ chức những cuộc thi viết (chứ không cần hành động) theo gương những tấm lòng cao cả?

Điệu nhạc buồn, điệu nhạc vui

Cô giúp việc vợ chồng tôi, vào cuối năm 1990, đã xin thôi việc, về nhà kinh doanh (hàng mã). Tôi không kể chuyện kinh doanh của cô mặc dù có vô khối chuyện hay, nhưng tôi xin phép kể lại một câu chuyện buồn liên quan đến bóng đá ở quê cô (Thường Tín).

Làng cô dành ra một mảnh đất làm sân bóng cho thanh niên, thiếu niên. Sau đó, có những cái ô tô bóng lộn về thăm thú. Miếng đất rộng đó đã được đi đêm, phân lô, dĩ nhiên không làm cung thể thao văn hóa. Một bác cựu binh dẫn bà con ra vây những cái ô tô đó. Những người đi ô tô rời đi, nhưng ô tô thì để lại.

Cần có một cách "làm bóng đá" khác, thông minh hơn, dân tộc hơn, hạnh phúc hơn.

Không cần chạy đua chỉ vì vài trăm người! Hãy chạy đua vì trí tuệ và hạnh phúc của gần một trăm triệu con người!

Bác cựu binh bảo dân làng lấy rong tre bảo vệ không cho ai đến gần làm hư hại xe của các quan chức. Sau đó, sau đó ...  xảy ra vụ án làm hại tài sản xã hội chủ nghĩa. Cô giúp việc gặp chúng tôi, kể trong nước mắt về vụ xử án bác cựu binh bị bệnh tim. Đó là cú hích bắt tôi viết ra truyện ngắn Sấm trên núi mở đầu tập truyện cùng tên ... Tôi là người cầm bút, tôi chỉ có thể ủng hộ phong trào thể thao nông thôn bằng lời răn đe từ Kinh Dịch Sấm trên núi ...

Những cuộc chuyển nhượng bạc tỷ được ngợi ca song song với những bài học đạo đức, liệu có xứng đáng với một dân tộc sau bao nhiêu năm máu lửa đang xây dựng cuộc đời mới mang dấu vết Phan Châu Trinh - trong cuộc chấn hưng văn hóa mới - chấn hưng hay là chết - có đáng không?

Tiêu hàng ty tỷ tiền, trong khi trẻ em học sinh nội trú ở Suối Giàng ăn mỗi tháng hết năm nghìn đồng tiền thực phẩm. Cái từ "thực phẩm" mới xót xa làm sao!

Cần có một cách "làm bóng đá" khác, thông minh hơn, dân tộc hơn, hạnh phúc hơn.

Không cần chạy đua chỉ vì vài trăm người! Hãy chạy đua vì trí tuệ và hạnh phúc của gần một trăm triệu con người!

Phạm Toàn