Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam mới đạt quy mô GDP 100 tỷ USD. Để sản xuất ra 100 tỷ USD đó, trong nền kinh tế:
Có hơn 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. Bình quân mỗi ngân hàng phục vụ cho việc tạo ra chỉ chưa đến 1 tỉ USD trong GDP. Ngoài ra, có hàng trăm công ty tài chính và công ty chứng khoán đang hoạt động.
Có 100 cảng biển (tùy theo cách phân loại, con số này có thể tăng lên đến khoảng 260 hoặc giảm xuống đến 70 cảng). Nếu tạm lấy con số 100 cảng biển thì mỗi cảng biển cũng chỉ phục vụ cho việc sản xuất ra 1 tỷ USD.
Có 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và khoảng 650 cụm công nghiệp. Chưa tính đến sự hiện diện của các cụm công nghiệp, trong tương quan với quy mô GDP, có thể thấy cấu trúc tổ chức công nghiệp của Việt Nam rất li ti, trong đó, mỗi khu kinh tế và khu công nghiệp chỉ sản xuất một lượng GDP ít ỏi. Theo bất cứ chuẩn mực nào thì sự phân bổ công nghiệp như vậy đều cho thấy một sự dàn trải, phân tán và lãng phí nguồn lực. Ngân sách nhà nước đang nuôi các khu kinh tế, khu công nghiệp hơn là các khu này đang giúp nền kinh tế phát triển. Đó thực sự là một nghịch lí lớn, phản ánh mức độ trầm trọng của căn bệnh cơ cấu và phân bổ nguồn lực của Việt Nam hiện nay.
Sự tập trung thu hút đầu tư sản xuất thép vào một đất nước thiếu năng lượng, thiếu nguồn nước ngọt và dư thừa nhân lực chất lượng thấp cho thấy có những tín hiệu lệch lạc trong định hướng cơ cấu mà nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ tầm nhìn quy hoạch, định hướng chính sách và cơ chế điều hành ở tầm quốc gia.
Hiện nước ta có hơn 100 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động. |
Cho đến nay, cuộc tranh cãi giữa ngành thép và ngành điện mặc dù gay gắt và mang tính biểu tượng rất cao cho một hệ thống quản trị và điều hành vĩ mô vẫn chưa đến hồi kết. Dường như cách tiếp cận giải quyết vấn đề chưa được đặt ra đúng hướng, thiếu tầm nhìn phù hợp, do đó, kết quả thu được hạn chế.
Trong 10 năm 2001-2010, VN có thêm 233 trường ĐH, CĐ, trung bình mỗi tháng có thêm 2 trường. Đó thực sự là một kỉ lục về sự dễ dãi trong việc xây dựng một cấu trúc phát triển thuộc đẳng cấp cao nhất. Đáng tiếc, đó là sự dễ dãi cho sự lạm dụng nguyên tắc thị trường nhân danh sự phát triển để kinh doanh một loại sản phẩm đặc biệt. Nguồn lực xã hội đổ dồn vào, méo mó.
Trong 10 năm, nhân danh mục tiêu đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, trung bình, mỗi tháng Việt Nam có thêm 1 khu đô thị mới, thiếu hụt những yếu tố cấu trúc cơ bản và theo định hướng hiện đại: thiếu đường, hệ thống cấp thoát nước, trường học, cơ sở y tế, thiếu không gian sinh tồn cho các hoạt động sinh sống bình thường của con người: công viên, cây xanh, khoảng không mở...
Từ cách thức tăng trưởng đầy tham vọng như vậy, người ta phải tự hỏi, cần có bao nhiêu vốn bỏ ra trong quãng thời gian dự kiến để đạt được các mục tiêu dự định mà vẫn đảm bảo hiệu quả, rằng một sự dàn trải đầu tư quá rộng và mỏng trong khi năng lực quản trị có hạn, và trong bối cảnh một nền kinh tế chuyển đổi - hội nhập quốc tế nhanh thì hậu quả sẽ là gì.
Khi trả lời được câu hỏi đó, tự khắc, cũng sẽ hiện ra câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản khác: trong nền kinh tế VN hiện nay, ai là người sản xuất ra GDP và sản xuất bao nhiêu? Các câu hỏi đó cũng tương đương với các câu hỏi đang đặt ra rất gay gắt: nền kinh tế, ngân sách nhà nước, các tỉnh đang nuôi các khu kinh tế, khu công nghiệp... hay ngược lại.
Tình trạng chia cắt của một nền kinh tế thị trường, thành hơn 60 "nền kinh tế" ngày càng rõ nét, bên cạnh một thực tế khác là VN đang phấn đấu trở thành một nền kinh tế thị trường được thừa nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mâu thuẫn là ở chỗ dường như càng phát triển, càng đầu tư nhiều hạ tầng, thì nền kinh tế càng bị chia cắt, càng bị cát cứ, càng cạnh tranh theo logic ngược giữa các địa phương, ít hướng tới sự phân công và kết nối để phát huy thế mạnh mà để "cùng xuống đáy".
Mô hình tăng trưởng với các trụ cột chính là khai thác tài nguyên, lao động rẻ chất lượng thấp, đầu tư vốn lớn và dễ dàng, khu vực DNNN có thế lực mạnh nhưng với hiệu quả thấp tất nhiên dẫn tới một cơ cấu ngành ít có năng lực tự cải tạo, bị hãm lâu ở tầng đẳng cấp thấp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng xét theo quan điểm phát triển bền vững. Kéo theo đó là một cơ cấu nông nghiệp lệch lạc - thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ, thiếu lực lượng DN có khả năng liên kết và gia nhập vào chuỗi sản xuất thế giới và khu vực, do đó, không thể cạnh tranh và lớn lên một cách bình thường.
Nhập siêu ngày càng nghiêm trọng dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài một cách bất bình thường và đáng báo động là hậu quả tất yếu của một mô hình tăng trưởng và một cấu trúc kinh tế như vậy.
Nói khác đi, đó là hậu quả không thể tránh khỏi của một cách thức phân bổ nguồn lực mang nặng tính hành chính - xin cho, ít dựa trên nguyên tắc thị trường.
Có nghĩa là, bàn đến khuyết tật cấu trúc, đến các điểm yếu cơ cấu thực chất là bàn đến phương thức, cơ chế phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế - tức là phân tích, mổ xẻ hệ thống thể chế của nền kinh tế.
TS Trần Đình Thiên