- Nhiều ý kiến trong UB Pháp luật QH cho rằng cần thiết ban hành Luật biểu tình để thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước có cơ chế kiểm soát.
Chính phủ đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 gồm gồm 3 bộ luật, 104 luật, 1 nghị quyết của QH; 6 pháp lệnh và 1 nghị quyết của UBTVQH.
Tuy nhiên, UB Pháp luật đề nghị bổ sung thêm một số dự án luật nhằm phục vụ sửa đổi Hiến pháp 1992: ngoài những luật liên quan đến tổ chức Chính phủ, HĐND, UBND, Tòa án ND và Viện Kiểm sát ND, cần đưa cả các luật liên quan đến tổ chức QH, hoạt động giám sát của QH, bầu cử đại biểu QH và HĐND.
Tổng số dự án luật, pháp lệnh trong chương trình chờ UB TVQH thông qua tăng lên con số 126. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng nên xem xét tính khả thi của con số này, khi mà tỉ lệ các dự án luật được thông qua của khóa trước chỉ đạt 57%.
Ảnh: VietNamNet |
Luật biểu tình: nếu ban hành cần chuẩn bị kỹ
Nhiều ý kiến trong UB Pháp luật tán thành đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa này. Các ý kiến này cho rằng việc ban hành luật này là cần thiết để thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.
“Tất nhiên, nếu ban hành luật này thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định.
Nhưng ông Lý cũng cho biết có ý kiến đề nghị chưa ban hành luật này do lo ngại khó khăn cho các cơ quan quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ.
“Đã có luật biểu tình thì phải quy định cụ thể các điều kiện đăng ký biểu tình như nội dung, thời gian, địa điểm và các cơ quan nhà nước phải đảm bảo tạo điều kiện cho người biểu tình, như vậy sẽ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn có diện tích các địa điểm tập trung chật hẹp, giao thông tắc nghẽn như hiện nay”, ông Lý nói.
Giúp ĐBQH thực hiện quyền sáng kiến luật
Để nâng cao hiệu quả làm luật của khóa mới, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cam kết Chính phủ sẽ đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, ông Cường đề nghị UBTVQH quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo cũng như phân bổ kinh phí kịp thời hỗ trợ công tác soạn thảo.
Về phía UB Pháp luật QH, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đồng thuận với các đề nghị của chính phủ, đồng thời cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ĐBQH thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình.
“Khi ĐBQH có sáng kiến pháp luật, cần giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan giúp ĐBQH nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và bảo đảm yêu cầu theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình QH xem xét đưa vào chương trình”, ông Lý nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng ủng hộ: “Các ĐB, các ủy ban hay cơ quan đều có quyền sáng kiến luật, nhưng đến nay vẫn chưa có. Luật pháp phải đi vào cuộc sống, những cơ quan lăn lộn trong cuộc sống phải phát huy vai trò của mình, nhiệm kỳ này ta có thể làm tốt hơn không?”
Hiện đã có ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), cùng với Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị Luật nhà văn hoặc Luật phát triển văn học, ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đề nghị Luật bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, các luật này đều mới chỉ là những ý tưởng, chưa có chuẩn bị gì, không thể đưa vào chương trình khóa 13.
Chung Hoàng