(TuanVietNam) - Một dân tộc Việt Nam văn hiến, trung thực và tự trọng, dứt khoát bản Hiến pháp của Việt Nam phải là bản Hiến pháp sáng ngời văn hiến, trung thực và tự trọng.

Hiến pháp là gì?

Hiến pháp là một "khế ước xã hội", nói cách khác là một bản "hợp đồng" về những vấn đề cơ bản nhất, giữa một bên là nhân dân của một nước với một bên khác là những người được nhân dân ủy quyền, trong việc tổ chức, sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành nhà nước.

Như vậy, để làm ra một bản hiến pháp thực sự phải có các điều kiện sau:

- Nhân dân nước đó muốn xây dựng và sống trong một nhà nước dân chủ; hoặc nước đó đã là một nước dân chủ, nhưng cần dân chủ nhiều hơn nữa.

- Có sự đồng thuận từ các bên tham gia về tất cả các điều khoản ghi trong bản "hợp đồng";

- Nội dung của hiến pháp là những điều luật căn bản nhất, bao quát nhất của của một quốc gia, mà nếu không có nó thì nhà nước dân chủ và xã hội không thể vận hành được.

Chính vì vậy, hiến pháp là nền tảng pháp lý - chính trị cho tất cả các thỏa ước khác (luật, các văn bản dưới luật...) của cộng đồng quốc gia. Hiến pháp phản ánh ý chí chung của toàn xã hội. Mỗi một công dân, sau khi đồng ý với những điều của luật hiến pháp, đều trở thành những chủ thể xã hội tự nguyện tôn trọng và chấp hành ý chí chung đó. Vì vậy, hiến pháp mang tính chất công cộng trên phạm vi toàn xã hội, quyền lực mà hiến pháp chế định mang tính công quyền - công bằng, bình đẳng và bao quát.

Mỗi con người trong xã hội, nhờ tự nguyện góp một phần quyền tự do tự nhiên của mình cho hiến pháp để trở thành một công dân tự do của nhà nước. Mỗi người tự nguyện trao một phần quyền tự do định đoạt của mình cho những người đại diện trong cơ quan nhà nước và trở thành người chấp hành tự nguyện các phán định chung. Nhờ đó, từng cá nhân công dân có được lợi ích công, sự che chở của quyền lực công và nhận được tự do công... Những thứ rất cần thiết trong đời sống xã hội, mà mỗi con người đơn độc không bao giờ có được.

Để cho bản "Khế ước xã hội" này đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống chung, hiến pháp cần phải định rõ các nguyên tắc. Các nguyên tắc ở mỗi nước có thể khác nhau và ngày càng hoàn thiện. Nhưng cũng có những nguyên tắc mang giá trị phổ quát toàn nhân loại, những nguyên tắc này trở thành hệ quy chiếu cho hầu hết các bản hiến pháp tiến bộ:

-         Nguyên tắc chủ quyền nhân dân (dân chủ)

-         Nguyên tắc công bằng (không thiên vị) và bình đẳng

-         Nguyên tắc pháp quyền (Trăm điều phải có "thần linh" pháp quyền - Hồ Chí Minh)

-         Nguyên tắc tiến bộ (Nội dung của hiến pháp phù hợp với xu thế tiến bộ chung của nhân loại)

-         Nguyên tắc đồng thuận (tự nguyện không áp đặt)

Từ những nguyên tắc trên, có thể phái sinh hàng loạt nguyên tắc khác trong các mối quan hệ cụ thể khác nữa.

Hiến pháp là một văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản nhất và quan trọng nhất của một quốc gia. Nó không chỉ là một "hợp đồng" giữa người dân và đại diện của mình, các cơ quan quyền lực nhà nước của mình, mà còn là những cam kết với các nước khác trên trường quốc tế. Hiến pháp là biểu tượng quốc gia dân tộc. Biểu tượng của nền văn hiến, văn minh chính trị, phẩm hạnh quốc gia.

Đối với mỗi quốc gia, tấm bản đồ, quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp, danh nhân là những thứ làm nên biểu tượng. Mỗi điều ghi trong Hiến pháp và được ký kết giữa người dân và chính quyền đều chứa đựng di sản của lịch sử, lối sống cha ông, những giá trị bền vững của văn minh nhân loại, những giá trị phổ quát và trường tồn. Làm sao cho mỗi điều của Hiến pháp Việt Nam đều lung linh ánh sáng quốc bảo của "thần linh" pháp quyền, để soi sáng, dẫn dắt mọi hành vi của mối cơ quan nhà nước, mỗi công chức nhà nước và mỗi người công dân.

Bản hiến pháp không phải là cuốn sách lịch sử mặc dù nó kết tinh lịch sử; cũng không phải là bia đá, bảng vàng để ghi danh công trạng, mặc dù Hiến pháp tỏ rõ tinh thần tri ân các thế hệ có danh và vô danh đã hiến dâng trí tuệ, tài năng, của cải choTổ quốc. Hiến pháp cũng không phải là một bản cương lĩnh chính trị hoặc một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nó vẫn chứa đựng những chỉ dẫn vạch đường cho quốc dân đi.

Chúng ta có nhiều giấy tờ và nơi để viết và viết đủ về lịch sử, về công trạng, về những cương lĩnh và kế hoạch. Mỗi người đọc Hiến pháp, cầm trong tay Hiến pháp là cầm nắm một lời thề danh dự, những cam kết mang tính sinh tử với bản thân, với Tổ quốc, với nhân loại tiến bộ về những nguyên tắc của tự do, bình đẳng, công bằng, dân chủ, pháp quyền như là những giá trị thiêng liêng và sẵn sàng hi sinh tính mệnh, tài sản để bảo vệ Hiến pháp, như là bảo vệ sự sống của bản thân mình, cộng đồng mình và dân tộc mình. Như thế, mỗi người dân Việt Nam mới tỏ rõ cho toàn thế giới biết rằng họ là con em của một dân tộc văn hiến, trung thực và tự trọng.

Hiến pháp là biểu tượng quốc gia dân tộc. Ảnh minh họa

Cái gì làm nên đời sống của một bản Hiến pháp?

Cho đến nay chúng ta thấy đời sống của các bản hiến pháp dài ngắn khác nhau. Hiến pháp Mỹ có từ năm 1787, đến nay đã 27 lần sửa đổi, nhưng vẫn là bản Hiến pháp Mỹ năm 1787. Nước Pháp đã có nhiều hiến pháp từ bản Hiến pháp năm 1791- Hiến pháp nền Cộng hòa Pháp đầu tiên đến Hiến pháp năm 1958, nền Cộng hòa thứ năm. Bản Hiến pháp này, qua 18 lần sửa đổi vẫn tồn tại đến ngày nay. . Bản Hiến pháp này, qua 18 lần sửa đổi vẫn tồn tại đến ngày nay. Nhật Bản có Hiếp pháp 1946, Nước Nga Xô viết và Liên Xô trong 74 năm tồn tại, đã có 4 bản hiến pháp: Hiếp pháp 1918, 1924, 1936, 1977. Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, đã có 4 bản hiến pháp. Đó là các Hiến pháp năm 1954, 1975, 1978 và 1982. Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (không tính Hiến pháp của chính quyền Việt Nam cộng hòa) đến nay có 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992.

Dù các bên thỏa thuận về nội dung của một bản hiến pháp đều muốn nó là một bản khế ước công bằng và những người soạn thảo ra nó, ký vào nó là đều thành thực và thông thái, thì Hiến pháp vẫn có thể là sản phẩm của một thời. Nội dung của một bản hiến pháp phụ thuộc vào bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới và bên trong nội bộ các quốc gia. Do đó, việc sửa đổi bổ sung một số điều trong một bản hiến pháp, hay thay hẳn hiến pháp cho đến nay là việc thông thường. Nhưng cũng cần thấy rằng, các hiến pháp tiến bộ, dân chủ, công bằng, bình đẳng đều là những hiến pháp có đời sống thực tế lâu dài.

Từ lịch sử lập hiến, sửa đổi bổ sung hiến pháp của các nước trên thế giới, chúng ta thấy rằng: Hiến pháp khác với và Cương lĩnh chính trị của các chính đảng nói chung, của đảng cầm quyền nói riêng. Hiến pháp cũng khác với các đạo luật và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Hiến pháp phải được bảo vệ (bởi các thể chế bảo hiến). Hiến pháp mang các "sứ mệnh chính trị" nhưng không phải để tranh giành mà để cân bằng các lợi ích chính trị. Hiến pháp mang các thông điệp văn hóa, kết tinh văn hóa dân tộc và nhân loại. Nếu là một dân tộc yêu hòa bình, tự do, bình đẳng và pháp quyền, thì hiến pháp nhất định là nơi thể hiện sáng ngời nhất bản sắc văn hóa đó. Một dân tộc Việt Nam văn hiến, trung thực và tự trọng, dứt khoát bản Hiến pháp của Việt Nam phải là bản Hiến pháp sáng ngời văn hiến, trung thực và tự trọng.

Văn hiến: Hiến pháp phản ánh những di sản quý báu trong truyền thống ông cha giữ nước và dựng nước, đã hun đúc thành văn hóa chính trị văn hóa ứng xử giữa người cầm quyền và người ủy quyền, văn hóa chính trị nhân nghĩa, trọng pháp, đoàn kết, thân dân, lấy dân làm gốc.

Trung thực: Phán ánh tính trung thực của người Việt Nam trong đấu tranh, lao động, trong sáng tạo và cả trong nghèo khó nữa. Trung thực với người, trung thực với chính bản thân mình. Khi tự nguyện nhượng một phần quyền của mình để phụng sự quyền tự do chung, ý chí chung, thì biết trung thực đấu tranh để bảo vệ những ý chí chung đó. Làm được như thế, mỗi người dân, mỗi công chức dù là người đứng đầu nhà nước hay một công dân bình thường, đều luôn luôn hứa, dù với nghi thức gì, trung thành với Hiến pháp, chứ không cần trung thành với bất kỳ một cá nhân nào. Hứa trung thành với Hiến pháp là trung thành với những giá trị bền vững của dân tộc, những giá trị và nguyên tắc pháp quyền phổ quát của nhân loại, là hứa với sự tự do, tự nguyện lựa chọn của bản thân khi phúc quyết hiến pháp. Trung thành với Hiến pháp là trung thực với bản thân, là tự tôn trọng bản thân. Vi phạm hiến pháp, là bội ước với bản thân mình và với nhân dân. Vi phạm chế độ hiến pháp vì thế là tội nặng nhất

Tự trọng: Hiến pháp phải tự bảo vệ và phải được bảo vệ. Một quốc gia tự trọng, trước hết phải có một bản Hiến pháp có thể tự bảo vệ và chỉ có như thế, hiến pháp mới có thể bảo vệ được công dân của mình khỏi những mưu toan, thủ đoạn bên trong bên ngoài, đảm bảo cho công dân của mình sống thực sự tự do, sáng tạo và hạnh phúc. Nếu Hiến pháp Việt Nam, người Việt Nam ta không đủ sức bảo vệ một biểu tượng quốc gia thiêng liêng nhất như Hiến pháp, thì không còn ai tôn trọng chúng ta nữa. Nhưng Hiến pháp có khả năng tự bảo vệ và được bảo vệ chắc chắn nhất lâu dài nhất là Hiến pháp dân chủ và tiến bộ. Hiến pháp sẽ được bảo vệ của toàn thể nhân dân khi nó là cơ sở vàng cho đồng thuận và đoàn kết xã hội

Nhân dân và Hiến pháp

Nhân dân là những người có linh cảm chính trị tuyệt vời, là những con người hướng thiện và phục thiện, là những con người suốt đời lam lũ để trả cho bất cứ thứ gì mình có được cũng bằng mồ hôi, nước mắt hoặc máu, thì không bao giờ sai. Chắc chắn không phải tất cả người dân Việt Nam đều có thể soạn thảo được Hiến pháp. Nhưng là "một bên" của bản khế ước thiêng liêng, họ có thể cảm nhận và biết chắc lẽ phải, họ có đủ năng lực để "ký" hoặc không biết chữ thì "điểm chỉ" vào "Bản khế ước" đó một cách chính xác. Một niềm tin, mãnh liệt như thế có ở Hồ Chí Minh vào năm 1946, năm có hai triệu người Việt Nam chết đói, 95% dân số mù chữ, hai mươi vạn quân Tưởng tràn qua biên giới phía Bắc, quân Anh nổ súng gây hấn ở miền Nam, thế mà Người đã tin chắc chắn rằng trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của lịch sử nước nhà, "người dân sẽ sử dụng lá phiếu của mình một cách đúng đắn nhất" để bầu ra người đại diện xứng đáng nhất cho họ vào chính quyền mới.

Nhân dân không trực tiếp soạn thảo Hiến pháp mới, nhưng nhân dân Việt Nam, dù khó đến mấy cũng cố nuôi cho con cái ăn học thành tài, để cho nước Việt này "hào kiệt đời nào cũng có". Chắc chắn sẽ có những người thay họ soạn thảo một bản Hiến pháp mới, dân chủ, pháp quyền, tiến bộ xứng đáng hơn với một dân tộc văn hiến, trung thực và tự trọng.

----

GS TSKH Phan Xuân Sơn

(Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)