- “Thi đua không phải chỉ đơn thuần về khẩu hiệu, mà phải là hành động thực tế” - tinh thần này đã làm nên những câu chuyện thành công ngoài sức tưởng tượng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội của những cá nhân tiêu biểu, những người dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (khai mạc sáng mai, 27/12 tại Hà Nội).
Hai câu chuyện, một của một nhà giáo, bác sĩ, một của một tiểu thương ở miền Tây dưới đây chỉ là hai trong số ít những tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Nhưng nó cho thấy tinh thần sống không phải khẩu hiệu mà là hành động, ngay cả đó là điều họ “thi đua” với chính mình.
Từ thách thức sinh mạng người bệnh
Câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt - Đức, phó Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội là câu chuyện diệu kỳ về những nỗ lực của tập thể các bác sĩ Việt Nam khi thực hiện ca ghép gan thành công từ người cho chết não mà không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.
Từ một bác sĩ ngoại khoa Gan mật, PGS.TS Quyết kể lại trong hành trình làm nghề, ông và các đồng nghiệp đã luôn đau đáu hướng tới ghép gan từ người cho sống và người cho chết não, dù đây là công việc rất khó khăn cả về kỹ thuật, cũng như kinh tế, tổ chức trong điều kiện Việt Nam.
Ca ghép tạng từ người chết não tại bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội. Ảnh: Đất Việt
Những câu hỏi trở đi trở lại trong ông sau nhiều đêm rời phòng mổ thấm mệt với hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng cứ ám ảnh theo đuổi.
Ở thế giới cũng như ở Việt Nam, nguồn tạng để ghép được lấy từ người cho sống và người cho chết não, với lượng tạng từ người cho sống là rất ít, chỉ hơn 10%, muốn cứu sống bệnh nhân suy tạng nguồn chính phải từ người cho chết não.
Mặc dù đã có Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người, có văn bản hướng dẫn dưới luật, nhưng vận động được gia đình thân nhân người chết não hiến tạng là cực kì khó khăn. Bởi lẽ yếu tố xã hội, tâm linh lại không dễ vượt qua. Bản thân ông đã trải qua hàng nghìn cuộc vận động thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc làm này.
“Những lời giải thích đều "nặng trĩu" với bác sĩ và người thân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ”, bác sĩ chia sẻ.
Ngoài những công việc về xã hội, về tâm linh, người thầy thuốc phải chia sẻ nỗi đau tột cùng của thân nhân người chết não và làm cho họ hiểu được khi cái chết này lại hồi sinh một sự sống khác thì không có gì lớn lao và tốt đẹp hơn.
Sau 2 đêm thức trắng săn sóc điều trị cho bệnh nhân chết não, đúng 0h40 phút ngày 20/5/2010, tập thể bác sĩ bệnh viện Việt - Đức bắt đầu thực hiện ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
“Mặc dù chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết đến từng phút cho mọi công việc, đã cầm dao mổ cho hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo nhưng lúc này trong tôi là một cảm giác khó tả "vừa lo, vừa sợ". Sợ chỉ cần một thoáng mất tỉnh táo bệnh nhân sẽ ra đi”, ông nói.
Lo vì kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép có hạn, nhưng bằng những kiến thức tích lũy của nhiều năm tháng học tập nghiên cứu, họ đã thành công: sau 5h20 phút thực hiện ghép, đúng 6h ngày 20/5/2010 tất cả các ca ghép đã kết thúc, bệnh nhân về phòng hậu phẫu, ca ghép gan lá gan đã chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự sống đã hồi sinh.
Toàn êkíp gần 100 cán bộ y tế nhìn nhau với những bàn tay siết chặt. Ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên đã thành công mở ra triển vọng tốt đẹp để điều trị bệnh nhân xơ gan, ung thư gan, suy gan giai đoạn cuối.
Và ca ghép gan thành công từ người cho chết não do các thầy thuốc Việt Nam thực hiện không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài chỉ trong vòng 5h20 phút, ngắn hơn nhiều so với thời gian dự kiến đã khẳng định trình độ của bác sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế.
“Thương gia trứng” và bài học từ thất bại
Làm “thương gia trứng” từ năm 17 tuổi, ngang dọc các tỉnh miền Tây cung cấp sản phẩm, song bà Phạm Thị Huân (Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, TP HCM) không thể ngờ có ngày hạn lớn rơi vào mình vào năm 2003. Khi đó, dịch cúm gia cầm hoành hành, người nông dân và người kinh doanh trứng gia cầm trở nên lao đao.
Những trại gà trại vịt hàng ngàn con, những xe trứng gom đầy chuẩn bị lăn bánh, sau một đêm bỗng thành con số không, trắng tay. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có nguyên liệu trứng gia cầm cũng đứng trước muôn vàn khó khăn vì không ai dám dùng trứng do sợ dịch bệnh.
“Thương gia trứng” lúc đó chỉ còn “đóng cửa nằm nhà mà vật vã chẳng khác nào gà rù, vịt dịch”. Gom góp một ít tiền, bà Huân làm một chuyến đi nước ngoài để xem ở các nước xử lý trứng gia cầm như thế nào. Hết châu Á sang châu Âu. Rồi thật may, bà tìm ra hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm hàng đầu thế giới là Moba ở tại Hà Lan.
“Thấy cái cách ăn nói “quê một cục” của tôi, bởi tôi nói thẳng rằng tôi không nhiều tiền, nhưng đầy tâm huyết với nghề trứng, mấy ông ráng bán máy tốt cho chứ đừng bán đồ rởm lừa tôi mà tôi nghiệp…”, bà hóm hỉnh kể lại.
Và đích thân giám đốc kinh doanh của hãng đã đưa “thương gia trứng” sang Bỉ, Đức, Pháp, Luxemburg để tham quan các nhà máy xử lý trứng gia cầm.
Chứng kiến dây chuyền công nghệ, chứng kiến việc xử lý trứng hoàn hảo khi việc diệt khuẩn được các nhà chuyên môn thế giới xác nhận lên đến 99,9%, bà Huân mừng như “bắt được vàng”.
“Nhưng rồi lấy vàng (30 tỉ đồng ) ở đâu mà mua máy, làm xưởng? Bất chấp khuyên can, bất chấp khó khăn, gom góp, vay mượn, bán kho hàng… tôi cũng lận lưng đủ số tiền quay lại Hà Lan mua máy. Nhìn lá cờ Việt Nam được gắn cùng với cờ các nước tại hãng Moba (khi nước nào mua thiết bị, hãng Moba đều gắn cờ nước đó) tôi rơi lệ vì sung sướng”, bà kể lại.
Ngày những mẻ trứng đầu tiên chạy trên máy được tự động hóa 100%, bà lặng người:
“Nhớ lại cách làm thủ công trước đây thật không thể so sánh được. Bởi làm thủ công chỉ là tẩy rửa cho không còn dính phân, dính đất, chứ làm sao đảm bảo tiệt trùng. Còn quy trình xử lý trên máy qua 2 lần rửa, sấy khô, chiếu tia UV, soi tìm trứng nứt, trứng hư, cân trọng lượng để phân loại, áo một lớp dầu bảo vệ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài và bảo vệ trứng, in dấu thương hiệu lên trứng và cuối cùng là vào hộp, dán nhãn”.
Đặc biệt việc xử lý môi trường khi máy hoạt động cũng phải theo quy chuẩn quốc tế. Hệ thống nước thải đi cùng máy được thực hiện đúng quy định. Với quy trình này, người Việt Nam đã có thể sánh cùng các nước trong việc xử lý trứng gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng chuẩn quốc tế.
Công ty của bà còn đặt hàng các nhà khoa học để nghiên cứu giống vịt siêu trứng, tập huấn và hỗ trợ vốn cho hộ nông dân nuôi thí điểm. Thành công từ trang trại vịt siêu trứng liên kết giữa công ty Ba Huân và hộ bà Châu Thị Cúc tại Long An đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trong chăn nuôi.
Và hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp- nông dân- ngân hàng - địa phương trong việc nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học đã giúp cho người nông dân làm giàu, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định và người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn. Vừa qua mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều nơi thuộc Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, vốn là vùng chăn nuôi vịt truyền thống nhiều đời nay.
Trứng gia cầm qua xử lý của Ba Huân hiện đã chiếm gần 50% thị trường TP HCM, có mặt tại các siêu thị, chợ, điểm bán lẻ, trong các bếp ăn, nhà hàng, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thực phẩm.
Khai
mạc sáng mai, 27/12 tại Hà Nội, Đại
hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII có sự tham dự của 1.500 đại
biểu. Đây
là những tấm gương ưu tú, tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương và
các địa phương, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, được phong tặng,
suy tôn từ sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII. Các đại biểu sẽ cùng nhìn lại phong trào thi đua yêu nước và kết
quả thực hiện chính sách khen thưởng của Nhà nước 5 năm qua, tôn vinh
biểu dương những tấm gương tiêu biểu nhất của phong trào thi đua yêu
nước và đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công
tác thi đua, khen thưởng nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trong giai đoạn 2011 -
2015…