Trong xã hội văn minh, phải quen với chuyện biểu tình. Bởi, Nhà nước sinh ra không hoàn thiện ngay mà phải thông qua hoạt động thực tiễn để hoàn thiện dần - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học, Bộ Công an trao đổi xung quanh việc xây dựng Luật biểu tình do Chính phủ kiến nghị.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay Chính phủ đã đề xuất xây dựng Luật biểu tình và giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo đạo luật này.

Từ lâu quyền biểu tình đã được đưa vào Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp năm 1959, điều 25 ghi rõ: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình”. Hiến pháp 1980 cũng nêu: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”.


Đến Hiến pháp 1992, điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” và lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001 quy định này vẫn được giữ nguyên.


Chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất quán. Song, hiện mới chỉ có nghị định 38 về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng mà chưa có Luật biểu tình.


Dân có quyền biểu thị thái độ


Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 3/10, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học, Bộ Công an) nói, biểu tình là một trong những quyền tự do cơ bản nhất của người dân, nhìn rộng hơn, đó là câu chuyện bình thường trong các xã hội văn minh. Lý giải rõ hơn, ông cho hay:


"Chúng ta đã quen với mít tinh, biểu tình hoan nghênh, ủng hộ mà không quen biểu tình phản đối. Trong một xã hội văn minh phải quen với chuyện như vậy. Nhà nước sinh ra không hoàn thiện ngay mà phải thông qua hoạt động thực tiễn để hoàn thiện dần. Xã hội phát triển, có những điều cần trở nên bình thường thì cơ quan quản lý lại chưa quen làm, thậm chí nhận thức chưa hết. Đó là sự trì trệ của tư duy và nếp nghĩ, không theo kịp cuộc sống".
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Luật biểu tình phải ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền chứ không phải thiên về quản lý. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thực tiễn càng đa dạng, càng cần có luật pháp để điều chỉnh.Theo ông, bên cạnh nhu cầu biểu thị thái độ đối với giới chủ của người lao động, cùng với quá trình đổi mới đất nước, sự phát triển của xã hội và xu thế hội nhập toàn cầu, nhu cầu biểu tình còn có nhiều khía cạnh khác mà ngay một lúc khó liệt kê ra hết.


"Có thể đó là người dân biểu thị ủng hộ một chủ trương hoặc hoạt động nào đó của chính quyền. Hoặc là ủng hộ xu thế hợp tác, phát triển và hòa bình trên thế giới, phản đối các thế lực gây chiến tranh, mất ổn định. Chính quyền ở địa phương bên cạnh hàng trăm cái đúng chắc chắn cũng có những cái không phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do vậy nếu người dân muốn bày tỏ thái độ thì điều đó là chính đáng. Doanh nghiệp nào đó gây ô nhiễm môi trường, người dân đã gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi mà không được giải quyết, rõ ràng cộng đồng dân cư có quyền biểu thị thái độ của mình..."
.

Đại biểu từng đề nghị trước Quốc hội cần xây dựng Luật biểu tình, ông Dương Trung Quốc cũng cho hay biểu tình không phải là hoạt động xa lạ trong lịch sử loài người và nó cũng không phải chưa từng xảy ra trong đời sống xã hội nước ta. Khi chưa giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh đã vận động, tổ chức các tầng lớp nhân dân tiến hành nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành chống lại sự cai trị của thực dân Pháp, đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, dân quyền...


Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Hiến pháp còn chưa được soạn thảo và ban hành, tháng 9/1945 Hồ Chủ tịch đã ký ban hành sắc lệnh về quyền biểu tình. Sau này do hoàn cảnh chiến tranh cần có những chính sách và hành động phù hợp hơn nên quyền biểu tình trong một thời gian dài không được người dân quan tâm. Mặc dù vậy, các bản Hiến pháp từ 1946 đến nay, ở những mức độ khác nhau, quyền này của người dân luôn được thể hiện.


Dân chủ trong kỷ cương


Xã hội phát triển, có những điều cần trở nên bình thường thì cơ quan quản lý lại chưa quen làm, thậm chí nhận thức chưa hết. Đó là sự trì trệ của tư duy và nếp nghĩ, không theo kịp cuộc sống.

Khi người dân biểu tình thì cũng không nên gọi là “tụ tập đông người”. Tụ tập là mức độ thấp của biểu tình, dân ta khi nói tụ tập là có gì đó không lành mạnh. Trong khi đó chúng ta đặt vấn đề xây dựng Luật biểu tình thì có nghĩa đây là quyền chính đáng của người dân.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương

Các ý kiến bày tỏ đồng tình việc cần thiết có Luật biểu tình, cho rằng việc xây dựng luật là lẽ bình thường.

"Kinh nghiệm thực tế trong thời gian qua cho thấy khi chúng ta không có luật thì Nhà nước không điều chỉnh được hoạt động gọi là tự phát của người dân, người dân cũng không biết hành xử thế nào cho đúng. Trong khi đó, xã hội nảy sinh không ít vấn đề mà người dân thấy có nhu cầu bày tỏ thái độ của mình" - ĐB Dương Trung Quốc nhận định. Ông giải thích rõ:

"Chúng ta cần phải nhận thức rằng một khi ban hành đạo luật mới, cần có một quá trình để người dân nhận thức và làm quen. Quan trọng nhất là Nhà nước làm cho minh bạch. Có thể so sánh như có đại biểu Quốc hội nói là trước kia làm gì có bãi công, đình công, lãn công, nhưng thực tế cuộc sống nảy sinh thì chúng ta phải xây dựng luật để điều chỉnh, và thấy rằng việc đình công đặt trong khuôn khổ pháp luật là tốt cho cả nhà nước quản lý và tốt cho những người đình công
".

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh cũng nói: "Theo quan điểm của Hội, cần thiết phải có luật biểu tình, với những quy định phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, dân chủ nhưng là dân chủ trong kỷ cương chứ không phải tự do muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm".


Không nên gọi là "tụ tập đông người"


Tán thành xây dựng luật, PGS.TS Lê Văn Cương cũng lưu ý, khi người dân biểu tình thì không nên gọi là “tụ tập đông người”. "Tụ tập là mức độ thấp của biểu tình, dân ta khi nói tụ tập là có gì đó không lành mạnh. Trong khi đó chúng ta đặt vấn đề xây dựng Luật biểu tình thì có nghĩa đây là quyền chính đáng của người dân".


Trước việc bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, cũng có lo ngại nếu đạo luật này được ban hành sẽ gây thêm khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, lợi dụng biểu tình chống phá chế độ, ông Cương nói:

"Chỉ sợ tình trạng không có luật pháp. Nếu luật pháp minh định rõ ràng thì không ai có thể lợi dụng quy định pháp luật để làm hại cho xã hội, cho Nhà nước. Chúng ta xác định Nhà nước của dân, do dân và vì dân, sao lại e ngại khó khăn. Tôi luôn nghĩ rằng người dân mình rất tốt, gắn bó máu thịt với Đảng từ những ngày đầu cách mạng đến nay, cần phải tin dân chứ không phải sợ dân. Phải thấy rằng người dân bình thường không ai muốn đảo lộn gì cả, ai cũng muốn yên ổn làm ăn, người ta chỉ yêu cầu chính đáng là tổ chức, cá nhân khắc phục cái sai để làm tốt hơn...".

Góp ý về nội dung cho Luật biểu tình, ông nhấn mạnh luật phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người dân, đảm bảo hành lang pháp lý cho các bên liên quan hoạt động, bao gồm cả hai mặt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm để tránh những hành động thái quá. Hay luật cần quy định rõ nếu tổ chức, cá nhân nào đó yêu cầu biểu tình về vấn đề này, vấn đề kia mà đúng luật pháp thì trong thời gian nhất định, chính quyền phải trả lời, đồng thời công khai, minh bạch cách giải quyết của chính quyền trước công luận.


Luật cũng phải ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền chứ không phải thiên về quản lý. Nếu người dân bày tỏ thái độ đúng pháp luật và trong trật tự thì cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời và buộc lòng đáp ứng quyền cơ bản này.


L.Thư
theo Tuổi Trẻ