- Hình thức tiểu blog (blog ngắn) ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Số lượng quan chức hay bộ ngành nước này sử dụng blog ngắn gia tăng đáng kể.


Từ cảnh sát

Mới đây, theo hãng Tân hoa, một lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc cho biết, nước này yêu cầu cảnh sát cả nước sử dụng các trang mạng xã hội để đảm bảo sự cởi mở gần gũi hơn với người dân, và “xua tan những hiểu lầm”.

Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã đưa ra thông tin này trong cuộc họp tuần trước để giúp các thành viên hành pháp sử dụng các tiểu blog rất nổi tiếng của Trung Quốc - trang tương tự như Twitter. "Người dùng Internet là một trong những nhóm lớn trong xã hội của chúng ta và họ chưa cảm thấy hài lòng”, ông Hoàng viết trên trang blog ngắn của Cục Công an Bắc Kinh. "Các tiểu blog công an nên dần dần đi tới từng tỉnh, thành phố trong cả nước và hình thành nên xương sống của công an”.
Dân số trực tuyến của Trung Quốc nhiều nhất thế giới với 485 triệu người. Ảnh: AP

Dân số trực tuyến của Trung Quốc - ở mức lớn nhất thế giới với 485 triệu người - đang ngày càng tiếp cận với các dịch vụ Internet như tiểu blog để tìm kiếm thông tin, thay vì chỉ phụ thuộc vào tin tức trên các phương tiện truyền thông chính thức.

Thứ trưởng Công an Trung Quốc cho hay, cảnh sát nước này đã mở hơn 4.000 tài khoản và gần 5.000 thành viên cả nước đang sử dụng blog.

... đến Bộ Ngoại giao

Theo Nhật báo Trung Quốc, các sự kiện của Bộ Ngoại giao nước này kiểu như họp báo trước đây được xem là “độc quyền” của nhà ngoại giao và báo chí, nhưng nhờ có công nghệ hiện đại, giờ đây bất kỳ ai quan tâm tới ngoại giao đều có thể tham dự.

Trong buổi trao đổi trực tuyến với Đại sứ Tống Triết tại Liên minh châu Âu, các công dân mạng đã đưa ra nhiều câu hỏi về các vấn đề như hợp tác nông nghiệp, trao đổi thanh niên cũng như môi trường. Họ tiếp cận với vị đại sứ này qua diễn đàn trực tuyến của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Waijiao Xiaolingtong - blog ngắn của Bộ trên trang Sina.com.

Waijiao Xiaolingtong đã thu hút hơn 220.000 người theo dõi kể từ khi ra đời ngày 13/4. Không chỉ là nền tảng cung cấp các thông tin quan trọng về những chuyến thăm của lãnh đạo, quan chức Trung Quốc, thông tin trong trường hợp khẩn cấp, tiểu blog của Bộ Ngoại giao còn chia sẻ kinh nghiệm của các nhà ngoại giao khi làm việc ở nước ngoài, chuyện hành xử như nào cho phù hợp với người dùng Internet.

Ví dụ sau chiến thắng của Li Na tại giải quần vợt Pháp mở rộng, blog này lập tức đăng tải các thông tin nước ngoài về chiến thắng của cây vợt này. Blog còn đăng tải hình ảnh, và sự thích thú với món ăn Trung Quốc của Li khi cây vợt được mời tới đại sứ quán Trung Quốc ở Paris.

Hầu hết những người theo dõi blog của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là giới trẻ, hay sinh viên quan tâm tới ngoại giao và quan hệ quốc tế. Trên thực tế, bộ này dường như dẫn đầu trong các cơ quan cấp bộ của chính phủ Trung Quốc khi sử dụng dịch vụ blog.

Ngoài ra, hàng loạt cơ quan ngoại giao, đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc cũng đã đăng ký tài khoản blog như Liên hợp quốc hay UNESCO.

"Như một công cụ thông tin, tôi nghĩ các blog rất đáng giá để thử nghiệm. Nó giúp chúng ta tiếp cận “mục tiêu cuối cùng”, đó là người Trung Quốc theo cách trực tiếp nhất”, Lí Hiểu Pha - chuyên viên báo chí tại Đại sứ quán Pháp ở Trung Quốc nói.

Còn theo Vũ Quốc Minh, giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, các tổ chức chính phủ từng giao tiếp với dân bằng kênh chính thức và chính thống. Nhưng giờ đây các công cụ số như blog đã cung cấp các kênh tương tác hiệu quả, phục vụ nhu cầu cá nhân. "Ngoại giao không còn chỉ phụ thuộc vào các kênh chính thức. Hình thức truyền thông sẽ trở nên đa dạng hơn, số hóa nhiều hơn và hướng tới con người hơn trong tương lai”, ông Vũ nói.

Còn Trương Anh, phó giáo sư Trung tâm nghiên cứu ngoại giao của Học viện Ngoại giao Bắc Kinh thì nhấn mạnh, ngoại giao không phải là điều bí ẩn. Giờ đây, với sự phát triển của blog, ngày càng có nhiều người tham gia và tiếp thu hiểu biết, kiến thức sâu hơn về chính sách ngoại giao của quốc gia.

Thái An