- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cảnh báo các dòng sông sẽ chết, nếu cứ tùy tiện sử dụng như hiện nay hoặc để ô nhiễm.

Trong vỏn vẹn hơn một tiếng đồng hồ góp ý cho dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) chiều nay (4/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi nhiều vấn đề như thủy điện ảnh hưởng ra sao đến nguồn nước, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước...

Cần nghiêm cấm thủy điện xả lũ về hạ du

Dự án luật đưa ra 8 hành vi bị nghiêm cấm nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nên nghiên cứu bổ sung thêm danh mục điều cấm hành vi xả lũ ở các công trình thủy điện gây ngập lụt hạ du. Nhiều năm nay, câu chuyện xả lũ miền Trung luôn được đặt lên bàn nghị sự bởi liên quan đến cuộc sống, tính mạng của người dân. Thực tế, khi rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa, Chính phủ đã phải tạm đình chỉ nhiều dự án chưa hợp lý.

Bà Mai đề xuất phải giao trách nhiệm điều phối cụ thể việc xả lũ ở các công trình thủy điện về cho một đầu mối, bởi các tỉnh quản không xuể.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước dẫn một ví dụ khác cũng liên quan đến tác động của công trình thủy điện. Đó là vừa qua, một số dòng sông trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bị nắn dòng chảy tự nhiên phục vụ một dự án thủy điện miền Trung. Người dân Gia Lai đã phải gánh hậu quả từ cạn kiệt nguồn nước, và sắp tới sẽ tới lượt các tỉnh lân cận.

Như báo cáo của Chính phủ, tổng công suất thủy điện đang đóng góp 40% sản lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa cũng như chuyển nước lưu vực đang gây nhiều hậu quả. Điển hình là việc xây hồ hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du.

Do thiếu quy hoạch chung nên các công trình thủy điện đều không có lưu lượng xả để duy trì dòng chảy, thiếu quy trình vận hành hồ nên tác động đến hạ du. Tình trạng thiếu nước cũng dẫn đến tranh chấp ở một số lưu vực sông vào mùa khô.

Trong khi đó, đa phần các sông lớn đều chưa có quy hoạch lưu vực sông nên việc chống lũ mới chỉ dựa trên kinh nghiệm là chính.

Theo đề xuất của Thường vụ, các vấn đề trên cần được điều chỉnh trong luật.

Ảnh minh họa: Rác thải tại một làng nghề ở Bắc Ninh tập kết ra sông khiến dòng sông đen ngòm, cạn kiệt và bốc mùi nặng nề. Ảnh: Lê Nhung

Chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt nước

Tranh thủ những phút cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đề xuất, cần có thái độ nghiêm túc với nguy cơ đang cạn kiệt nguồn nước và hình ảnh các dòng sông chết.

Theo ông Dũng, ở nhiều quốc gia, nước là tài nguyên vô cùng quý giá. Nhiều cuộc chiến dấy lên cũng chỉ vì tranh chấp tài nguyên nước. Trong khi đó, ở Việt Nam, luật pháp chưa có chế tài xử lý các hành vi xâm hại nguồn nước dẫn đễn nguồn tài nguyên sẵn có này đang dần cạn kiệt.

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên này, theo ông Dũng, đó là các công trình thủy điện tràn lan, ô nhiễm môi trường...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu dẫn chứng, nhiều năm trước, khi khảo sát ở Tây Nguyên, chỉ cần khoan 15 - 20 mét đất đã chạm nguồn nước. Nhưng đến nay, muốn tìm nước phải đưa mũi khoan xuống sâu 150 - 200 mét.

Như khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải công nghiệp (nhất là các lĩnh vực giấy, hóa chất, sơn mạ...) chứa nhiều chất gây ô nhiễm. Cả nước có 154 khu công nghiệp và chế xuất quy mô lớn nhưng chỉ 43 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, và chỉ hoạt động 70% công suất.

Trong vài năm tới, khi 100% đất được sử dụng hết thì chỉ 31% nước thải được xử lý. DN quy mô nhỏ, trung bình thì xả trực tiếp.

Ngoài ra, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản cũng gây ô nhiễm nặng, đặc biệt lưu vực sông Cửu Long, sông Gianh và sông Hồng. Phát triển nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích rừng ngập mặn, hệ sinh thái quý cho các loài động vật, đồng thời cũng là nơi đóng vai trò sống còn trong các quy trình hoạt động của các cửa sông.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo tình trạng công trình xây dựng xâm lấn các hồ chứa nước và tình trạng lãng phí nước sạch đô thị.

Đây là những nguy cơ cần được ngăn ngừa và sớm điều chỉnh trong luật.

Bởi, như ông Phan Xuân Dũng cảnh báo: "Nước vô cùng quý. Nếu cứ tùy tiện sử dụng như hiện nay hoặc để ô nhiễm thì chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt, với các dòng sông chết. Sẽ đến lúc không còn nước để dùng".

Lê Nhung