Hoàng Hải đã trở thành “điểm hỏa” với khả năng bất cứ lúc nào có thể xảy ra một cuộc xung đột diện rộng hơn những gì từng diễn ra. Các vụ đụng độ xảy ra ngày một gia tăng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc - như vụ chìm tàu Cheonan hay đấu pháo tại đảo Yeonpyeong.

Biên giới hàng hải tự nhiên tranh chấp giữa hai miền, gọi là Đường giới hạn phía Bắc trở thành lằn ranh mỏng manh giữa chiến tranh và hòa bình. Sự nhạy cảm trong những thay đổi chính trị tại Triều Tiên có thể tạo ra những vụ việc xa hơn, và châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn.

Theo đánh giá của giới phân tích, nhìn vào mức độ chung, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm nay đã ở mức độ cao hơn hẳn, đặt ra sự cấp bách về việc thực hiện những biện pháp ngăn chặn đụng độ ở Hoàng Hải không trở thành điều gì đó tồi tệ hơn.

Đường giới hạn phía Bắc được vạch ra sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, nhưng chưa từng được Bình Nhưỡng công nhận. Đây cũng chưa từng được xem là biên giới hàng hải quốc tế bởi cả hai miền Triều Tiên coi vấn đề tranh cãi là chuyện nội bộ. Ranh giới tự nhiên ấy đi qua một bãi cá lớn - nguồn quan trọng đóng góp vào kinh tế Triều Tiên và kề cận các cảng nhộn nhịp phía nam.

Tranh chấp vị trí của đường giới hạn, vai trò kinh tế quan trọng của khu vực, sự mơ hồ của những quy tắc ràng buộc và lịch sử đụng độ lâu dài khiến cho ranh giới ấy trở thành một “điểm hỏa” của xung đột.

Vụ chìm tàu chiến Cheonan tháng 3, vụ nã pháo tại đảo Yeonpyeong tháng 11 và những lần đụng độ chết người gần đây nhất đều xảy ra trong khu vực này. Quan hệ hai miền Triều Tiên đang ở thời điểm tồi tệ nhất sau hơn một thập niên với rất nhiều tiến triển nhưng vài năm qua lại trở nên bế tắc. Hàn Quốc ở trong thế mắc kẹt, khó phản ứng với Triều Tiên bằng vũ lực vì lo ngại đụng độ có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Sự kiên nhẫn đã tới giới hạn, và đặt ra yêu cầu Seoul cứng rắn hơn khi cho phép quân đội tham gia trong khả năng xảy ra đụng độ tương lai.

  Ảnh: namesonpaper

Với Bình Nhưỡng, ngoài khía cạnh chính trị, ranh giới hàng hải tranh chấp hiện diện một nguy cơ thực sự. Các cuộc đàm phán về việc cùng khai thác nguồn lợi biển không hề có kết quả, tiến trình thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin cũng rất ít khả quan ví dụ như việc sử dụng tần số radio chung, hay trao đổi thông tin tốt hơn giữa các tàu bè hoạt động ở khu vực. Ở các cuộc thương lượng trước đây, Triều Tiên sẵn sàng đề cập tới hợp tác kinh tế, nhưng vấn đề an ninh lại không hề được nhắc tới.

Phản ứng với vụ chìm tàu chiến Cheonan (mà Hàn Quốc đổ lỗi cho ngư lôi Triều Tiên), Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận quân sự chung quy mô lớn, có sự tham gia của siêu tàu sân bay hạt nhân Mỹ. Nó gửi đi một dấu hiệu rõ ràng rằng, Bình Nhưỡng không thể tấn công “hàng xóm” mà không bị trừng phạt, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn cấp với việc ngăn chặn xung đột leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ tổn thất trong một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ, nhưng Seoul cũng sẽ gặp thế rất “gượng gạo” trong hành động trả đũa vì họ có thể bị tổn thất nhiều hơn. Thậm chí cả việc họp bàn sử dụng sức mạnh cũng gây chấn động thị trường và ảnh hưởng lớn tới giới lãnh đạo Hàn Quốc khi họ phải tính toán tới cảm xúc của các cử tri.

Bình Nhưỡng, khá cô lập với thị trường toàn cầu, và có ưu thế chuyện chính trị nội bộ, không phải đối mặt với những căng thẳng như vậy. Đó là chưa kể lợi thế của họ trong việc cho phép tiến hành hoạt động trả đũa bên còn lại.

Vụ tàu Cheonan và đảo Yeonpyeong là hai ví dụ điển hình trong thất bại ngăn chặn căng thẳng leo thang khi Triều Tiên tìm ra điểm yếu phòng thủ của Hàn Quốc.

Hai miền Triều Tiên đã thất bại trong việc thiết lập một biên giới hàng hải hợp lý. Và về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng thoả thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Trung Quốc ban đầu khá miễn cưỡng trong việc gây áp lực với Bình Nhưỡng vì họ tin rằng, những cuộc đụng độ ở Hoàng Hải là kết quả tự nhiên của khu vực biên giới hàng hải hai miền thường xuyên bất ổn. Song Bắc Kinh ngày càng quan ngại hơn do sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, những cuộc tập trận lớn của Mỹ và Hàn Quốc, của Mỹ với Nhật Bản.

Nỗi lo của Trung Quốc về nguy cơ xung đột trở nên rõ ràng hơn sau khi quân đội Hàn Quốc thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật ở đảo Yeonpyeong ngày 20/12, khiến họ thay đổi cách tiếp cận từ “yên lặng” và thận trọng sang nỗ lực song phương, đa phương nhiều hơn nhằm thúc đẩy mọi bên liên quan cùng tham gia giải quyết vấn đề. Cách tiếp cận của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp ở Hoàng Hải sẽ là một thử nghiệm với tính sẵn sàng, năng lực và lòng tín nhiệm của họ trong giải quyết những nguy cơ xung đột khu vực.

Tương tự như vậy, Washington cũng cần thể hiện rõ với Seoul rằng, cả hai miền cần tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Mỹ vẫn cần tuân thủ cam kết bảo vệ đồng minh, cùng Hàn Quốc sẵn sàng đối phó với Triều Tiên, cùng quay trở lại đàm phán sáu bên để hoàn thành mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình và ổn định khu vực.

Giáng sinh 2010, ngày khắp thế giới cầu nguyện bình an khoan hòa, một tia hy vọng nhỏ nhoi lóe lên trên bán đảo. Nhật báo Minju Choson của Triều Tiên tuyên bố, Bình Nhưỡng đã ngăn chặn được một cuộc chiến tàn khốc có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp kiềm chế của mình.

Minju Choson viết, một cuộc xung đột quân sự và một cuộc chiến tranh tổng lực đã được ngăn chặn bởi Triều Tiên yêu chuộng hòa bình nhờ những nỗ lực kiềm chế của họ tới thời điểm này.

Còn báo Rodong Sinmun thì khẳng định, khát khao hòa bình của Bình Nhưỡng đã ngăn chặn chiến tranh nổ ra. Báo này nhấn mạnh, Seoul không nên hiểu rằng, Bình Nhưỡng “quá yếu” để tiến hành trả đũa.

Mùa lễ an lành đã hiện diện khắp nơi, năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa, và có lẽ ai cũng mong rằng, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ không chỉ là khát vọng hay ước nguyện.

  • Thái An