Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Nam Định ngày 5/9. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao.
Hơn 60 tham luận và bài viết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học và những người từng làm việc với ông Lê Đức Thọ tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, nhưng đậm nét hơn cả vẫn là những đóng góp của ông trên mặt trận ngoại giao.
Ông Lê Đức Thọ (phải). Ảnh: tư liệu |
Tên tuổi Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành tâm điểm cuả giới truyền thông thế giới với cuộc đàm phán kéo dài tới hơn 4 năm. Một cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình năm đó cho ông Lê Đức Thọ, giải Nobel duy nhất dành cho người Việt từ trước tới nay nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.
"Kiến trúc sư" về công tác cán bộ
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho hay, đối với các nhà ngoại giao, cái khó trong đàm phán đó là lúc cương, lúc nhu. Ông Lê Đức Thọ trong đàm phán đã có lúc cương với đối phương nhưng ông đã thành công trong cách ứng xử linh hoạt khiến ông Kissinger nể và bị thuyết phục.
Ông Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh tư liệu |
"Ông ý là nhà ngoại giao khổng lồ. Ông ý khổng lồ ở chỗ đối phương đối thoại với Lê Đức Thọ là Kissinger, một học giả rất lớn của Mỹ thời đó. Lúc đó, Kissinger rất ngạo mạn, những tưởng có thể đè bẹp Lê Đức Thọ nhưng không thể được. Ví như làm thế nào để thống nhất được với Mỹ về vấn đề Mỹ phải rút quân. Mỹ muốn nếu Mỹ rút quân thì miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam, đánh đồng như thế không thể được. Cuối cùng đồng chí Lê Đức Thọ đưa ra một công thức đó là vấn đề quân đội Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Còn việc Mỹ rút quân là chuyện Mỹ phải rút. Tôi nghĩ trí tuệ của ông ý ở chỗ tìm một giải pháp đúng với lợi ích của mình" - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho hay.
Trải qua nhiều chức vụ quan trọng và sau này khi phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng trong nhiều năm, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng Đảng và tổ chức của cả hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận xét: "Vấn đề cán bộ là quyết định nhất. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Cán bộ không gương mẫu làm thế nào xây dựng Đảng tốt? Cho nên ông Thọ, yếu tố quan trọng của ông ý hàng đầu là vấn đề cán bộ. Cán bộ là quyết định nhất. Đứng đầu một cơ quan, đứng đầu một tỉnh uỷ, đứng đầu một đơn vị, ông thủ trưởng phải mẫu mực, phải trở thành một thủ lĩnh gương mẫu nhất, một thủ lĩnh kiên cường nhất, có bản lĩnh nhất. Ông Thọ thích xây dựng cán bộ kiểu như vậy".
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá ông Lê Đức Thọ là một “phái viên chiến lược toàn năng, có thể ví như một tướng quân tài ba thao lược”. Đặc biệt trong công tác cán bộ, ông có những công lao lớn trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương qua nhiều kỳ đại hội Đảng toàn quốc, đặc biệt trong công tác tổ chức - cán bộ. Được đánh giá như là một “kiến trúc sư” trong lĩnh vực này, ông Lê Đức Thọ đã để lại cho Đảng, Nhà nước những kinh nghiệm quý báu trong việc xem xét, đánh giá cán bộ.
“Trong các kỳ Đại hội IV, V, VI của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có công lớn trong việc tham gia soạn thảo xây dựng Điều lệ Đảng, xây dựng quan điểm cách mạng, đấu tranh kiên quyết chống các quan điểm sai trái, đặc biệt là trong công tác tổ chức – cán bộ. Có thể đánh giá đồng chí Sáu Thọ như một “kiến trúc sư” về lĩnh vực này.”
Nhiều tham luận tại hội thảo đi sâu nghiên cứu những đóng góp của ông Lê Đức Thọ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, nghệ thuật…, khẳng định, trong bất cứ lĩnh vực nào, ông cũng để lại những dấu ấn nổi bật, sáng tạo và sâu sắc.
Từ những luận cứ khoa học nêu ra, các tham luận đều nhất trí cho rằng, ông Lê Đức Thọ không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng mà còn là người có đóng góp to lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của đất nước, là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước với dân; là một người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng bào.
Ông Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân (TP Nam Định) trong một gia đình nho giáo, ở vùng đất có truyền thống yêu nước, hiếu học. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor...
Theo VTV, webstie Đảng cộng sản