- Đại biểu dự hội thảo quốc tế ở Hà Nội hôm nay chỉ ra Quốc hội phải dân chủ hóa hơn bằng các cuộc tranh luận. Hiện các phiên họp toàn thể còn mang tính "trình diễn", càng đông người được nói càng tốt, ít khi có trao đi đổi lại làm sáng tỏ vấn đề.
>> 'Cố là tiếng nói độc lập'
>> Không thể lúc nào cũng “nhường” người khác phát biểu
Kết thúc phần "nói vo" ngắn gọn giới thiệu cách tiến hành các phiên họp toàn thể tại Quốc hội Đức, bà Marion Capsers, chuyên gia về nghị viện vui vẻ chia sẻ: "Tôi không trình bày một bài viết sẵn vì nguyên tắc làm việc của các nghị sĩ Đức chúng tôi là chỉ được nói chứ không được cầm giấy đọc như đọc chính tả".
Tham gia hội thảo quốc tế về "quy trình, thủ tục làm việc tại phiên họp toàn thể của Quốc hội" sáng nay (6/10), bà Marion Capspers, người từng có "thâm niên" 20 năm ngồi ghế nghị sĩ đã nhận được nhiều câu hỏi về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Đức và bài học nào cho Việt Nam.
Các chuyên gia của Việt Nam cùng ĐBQH đã có buổi thảo luận mổ xẻ những bất cập trong tiến hành các phiên họp toàn thể hiện nay cũng như đề xuất hướng đổi mới.
'Tư biện là chính'
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, ít có nghị viện nước nào dành nhiều thời gian cho các phiên họp toàn thể như ở Việt Nam. Điều này chiếm biết bao thời gian, tâm lực, sức khỏe của đại biểu.
Ông Trần Ngọc Đường: QH phải dân chủ hóa hơn bằng các cuộc tranh luận. Ảnh: Lê Nhung |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền chia sẻ, nhiều lúc ông muốn tranh luận với một đại biểu nào đó và cũng đăng ký bấm nút nhưng vẫn không được gọi vì không đủ thời gian. Danh sách thảo luận vẫn được sắp xếp theo trình tự bấm nút.
Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra, các phiên họp toàn thể hiện nay vẫn còn mang tính "trình diễn", sao cho càng đông người được nói càng tốt. Chính vì vậy, nhiều kỳ họp vừa qua dù vẫn kêu gọi phải đổi mới theo hướng chuyển từ việc đọc tham luận sang tranh luận mà vẫn không làm được. Ít khi có việc "trao đi đổi lại" để làm sáng tỏ vấn đề. Điều này cũng dẫn đến một rủi ro, như phân tích của ông Dũng, đó là sẽ có những trường hợp người được mời phát biểu chỉ toàn nêu ý kiến một chiều.
Chuyên gia cao cấp của Quốc hội Trần Ngọc Đường cho rằng, Quốc hội phải dân chủ hóa hơn nữa bằng các cuộc tranh luận. Và bản thân mỗi ĐBQH cũng cần tiếp tục nâng cao kỹ năng, bản lĩnh nghị trường. "Đó là các kỹ năng tranh luận, là bản lĩnh chính trị, trách nhiệm chính trị của ĐBQH", ông Đường nói.
Công khai bấm nút
Rất nhiều đề xuất đổi mới đã được nêu tại hội thảo.
Chẳng hạn, theo ông Dũng, không nên tổ chức nhiều phiên họp toàn thể mà nên dành thời gian cho các hoạt động của ủy ban hoặc hoạt động tự do của ĐBQH.
Ông Nguyễn Văn Thuận: Đây là thời cơ tốt nhất để tìm giải
pháp đổi mới, nâng hiệu quả hoạt động QH. Ảnh: Lê Nhung |
Ông Trần Ngọc Đường phân tích cụ thể hơn, có thể tính toán cụ thể về nguyên tắc rút ngắn thời gian đọc báo cáo, nguyên tắc về cách phát biểu của từng người (không xúc phạm người khác, bình đẳng trong tranh luận)...
Ngoài ra, cũng nên hoàn thiện quy định về chủ tọa phiên họp bởi đây là người đóng vai trò chính trong việc tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở. Nhưng, nhiều khi "người điểu khiển cuộc chơi" chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân khiến cử tọa có khi chưa hài lòng. Thậm chí, nhiều kết luận của người điều hành là ý kiến cá nhân chứ không mang tính đại diện.
Ông Đường cũng nhắc lại một đề xuất từng nhiều lần được ĐB Dương Trung Quốc nêu ra, đó là phải công khai hóa việc bấm nút của đại biểu.
"Điều này chẳng những nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu mà còn là thông tin để cử tri giám sát... Lịch sử sẽ phán xét những xu hướng biểu quyết khác nhau trong việc quyết định các dự án trọng đại quốc gia tại các phiên họp toàn thể Quốc hội", ông Đường nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng, quan trọng nhất, để có một quy trình hoạt động hiệu quả tại các phiên họp Quốc hội thì việc phân định trách nhiệm của đại biểu phải rõ ràng. Đại biểu phải ý thức được vai trò đại diện của mình với cử tri.
Ông Thuận cũng tha thiết cho
rằng, đây là thời cơ tốt nhất để nhìn nhận lại tổng quan các tồn tại và tìm giải
pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.
Lê Nhung