- 'Ra mắt' báo giới chiều nay (6/10), người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ông Lương Thanh Nghị cho biết nhận lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 11-15/10. Hai vị lãnh đạo sẽ trao đổi về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục và những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai bên.

"Những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề trên biển, sẽ được hai bên trao đổi chân thành và thẳng thắn", ông Nghị cho biết.

"Giải quyết tranh chấp Biển Đông là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và một cách tiếp cận thực tế, khách quan của các bên, nhận thức đầy đủ các mối quan tâm của nhau, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tìm kiếm một giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì sự ổn định và phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần thiết thực vào hoà bình, ổn định , hợp tác và phát triển trong khu vực".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị.
Ảnh: Minh Thăng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết tại cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng ASEAN bên lề phiên họp lần thứ 66 Đại hội đồng LHQ tại New York, các Bộ trưởng ASEAN đã nhất trí thành lập nhóm công tác của ASEAN để khởi động bàn việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.

Cùng thời gian này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp nhà nước Ấn Độ từ 11-13/10 và Sri Lanka từ 13-15/10 theo lời mời của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Chủ tịch nước sẽ tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao hai nước, trao đổi về các biện pháp thiết thực và cụ thể nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương.

Trong khi đó, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 11 và 12/10 nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, đào tạo cũng như một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Dự kiến bà Merkel sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo người phát ngôn, kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Philippines do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 6-7/11. Hai bên sẽ thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của mỗi nước thời gian qua, đánh giá kết quả đạt được kể từ sau kỳ họp thứ 5 của ủy ban này, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Chung Hoàng