Đêm 6/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cấp cao Chính phủ đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Uzbekistan và Ukraine.

Với những thỏa thuận cấp cao đạt được với Chính phủ các nước cùng hàng loạt hợp đồng, dự án đầu tư mà hai bên đã ký kết, chuyến công du nước ngoài lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã góp phần thắt chặt và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng giữa Việt Nam với Hà Lan, Uzbekistan và Ukraine.

Phát huy lợi thế biển

Lịch sử 38 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chưa khi nào Việt Nam - Hà Lan lại chia sẻ nhiều mối quan tâm và lợi ích chung như hiện nay. Đều là quốc gia có bờ biển dài và đồng bằng châu thổ rộng lớn, cả hai nước đang tập trung phát huy lợi thế từ biển để phát triển và đang tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Thủ tướng Uzbekistan Savkat Mizziyayev chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VOV

Một trong những mục tiêu thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa hai nước. Nữ hoàng Beatrix, Thái tử Willem Alexander, Thủ tướng Mark Rutter và lãnh đạo Nghị viện Hà Lan bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nhất là về công nghệ và kỹ thuật.
 
Với nhiều văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước, chuyến thăm cũng đã mở ra nhiều triển vọng, cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên gồm dầu khí, nông nghiệp, cảng biển, dịch vụ logictics, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Hai bên đã ký trên 10 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải hàng không Việt Nam - Hà Lan, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ khí hậu, biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng, thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Royal Dutch Shell về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí…

Hợp tác mũi nhọn về dầu khí

Cộng hòa Uzbekistan là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chính phủ hai nước cam kết dành trọng tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như: nông nghiệp, bông sợi, vật liệu xây dựng, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông...

Đặc biệt, hai bên xác định dầu khí là lĩnh vực hợp tác mũi nhọn. Với sản lượng khai thác khí tự nhiên mỗi năm tới 70 tỷ mét khối, Uzbekistan là thị trường dầu khí trọng điểm thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Uzbekistan sớm hoàn thành thủ tục nội bộ để ký chính thức hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và công ty Dầu khí Quốc gia Uzbekistan tại khu vực Bukhara Khiva (Uzbekistan), đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho công ty Dầu khí Quốc gia Uzbekistan tham gia các dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.

Về phần mình, Tổng thống Islam Karimov, Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev và Chủ tịch Thượng viện Ilgizar Sobirov khẳng định Uzbekistan luôn ủng hộ và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác dầu khí, coi đây là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Phùng Đình Thực cho biết: “Hai Thủ tướng đã thỏa thuận nguyên tắc là giữa Việt Nam và Uzbekistan sẽ tiếp tục hợp tác tại khu vực thứ hai, trong đó cụ thể là phía Việt Nam sẽ tham gia góp 50% vào dự án nghiên cứu để tham dò khai thác tại một khu vực tương đối lớn tại Uzbekistan. Phía Việt Nam và Uzbekistan sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành của Uzbekistan đàm phán để làm rõ thêm những chi tiết để ký trong đợt tiếp theo”.

Chuyến thăm lịch sử

Chuyến thăm của Thủ tướng đến Ukraine là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong vòng 17 năm qua.

Chính phủ hai nước đã thống nhất hàng loạt các biện pháp cụ thể cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường hợp tác, khai thác tối đa các lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của cả hai bên, nhất là năng lượng, cơ khí, chế tạo máy, hóa chất, nông nghiệp, viễn thông...

Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2012 tăng gấp đôi năm nay, đồng thời đẩy mạnh đàm phán để sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Ukraine.

Hai bên đã ký biên bản cuộc họp lần thứ 12 Ủy ban liên Chính phủ Ukraine - Việt Nam về quan hệ thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật, thỏa thuận liên danh giữa Tổng công ty Hàng không Việt Nam và công ty AERO Service, bản ghi nhớ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev mang tên Shevchenko.

Theo VOV, Cổng TTĐT Chính phủ