Chiều 26/12, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng tổ chức gặp mặt 5 người có thành tích phòng, chống tham nhũng dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.
Đây là lần đầu tiên có đại diện của những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng tham dự sự kiện tôn vinh những người có đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đó là ông Lê Đạo, cán bộ hưu trí ở Đức Trọng, Lâm Đồng, người đã cùng các đồng chí cựu chiến binh, thương binh 10 năm kiên trì đấu tranh giúp thu hồi gần 30 tỷ đồng tài sản trả lại cho người chủ đúng. Đó là bà Nguyễn Thị Hòa, cựu chiến binh phương Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), người đã nhiều lần tố cáo những sai phạm về lấn chiếm đất đai và tham ô dự án của cán bộ địa phương.
Đó là nhà báo Phan Thị Thanh Hương, người đã tố cáo 11 sự việc tiêu cực tham nhũng xảy ra tại báo Người cao tuổi từ năm 2001-2007; ông Phạm Thanh Bình, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), người đã cùng các cán bộ cao tuổi và cựu chiến binh trong phường đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai tại địa bàn.
Đó là ông Dương Thanh Phúc, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Cao Bằng, người đã đề xuất hàng loạt sáng kiến, giải pháp hữu ích phòng chống tham nhũng.
Làm cho dân tin
Ông Lê Đạo: Cán bộ đừng có ôtô nhà lầu nhiều quá, vào cơ quan phòng chống tham nhũng dân không tin đâu.
Ảnh: TC
Ông Đạo cho rằng muốn chống tham nhũng được thì Đảng, Nhà nước phải làm cho dân tin, mất lòng tin của dân sẽ phải trả giá đắt. Đã phát hiện tham nhũng thì các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc và giải quyết thật sớm.
Ông cũng đề nghị cần có cán bộ chuyên trách, không kiêm nhiệm, của các cấp ủy đảng tham gia cơ quan phòng chống tham nhũng. Cơ quan này cũng phải có ngân sách, bộ máy, thực quyền, với những cán bộ tâm huyết, vì dân.
“Cán bộ đừng có ôtô nhà lầu nhiều quá, vào cơ quan phòng chống tham nhũng dân không tin đâu”, ông nói.
Những người đã quyết tâm đứng lên bảo vệ cái đúng, đã bỏ lại sau lưng bao nhiêu lời khuyên can, ngăn cản của người quen, thậm chí là gia đình, con cái, cũng có những lúc cảm thấy cô đơn trong cuộc chiến của mình. “Phải làm thế nào cho toàn bộ các cơ quan, cán bộ, đảng viên đồng tâm nhất trí chống tham nhũng, đừng để một người đơn độc, bị cô lập”, ông Đạo trầm ngâm.
Ông Dương Thanh Phúc cũng cho rằng cần có cơ chế bảo vệ những người dám đấu tranh chống tham nhũng mà hiện nay số lượng còn rất ít: “Rất nhiều người tốt muốn đến với những người chống tham nhũng nhưng không dám đến; nhiều người chống tham nhũng rất tiêu biểu, tích cực lại phải sống vất vả do cơ chế chưa bảo vệ được họ”.
Rất dễ bị cô lập
Nhà báo Phan Thị Thanh Hương cũng thấy “làm báo chỉ có cái thuận hơn những người chống tham nhũng khác ở hiểu biết về phương pháp, pháp luật, chứ lợi thì chẳng thấy đâu, thậm chí còn mất mát nhiều về sức khỏe, quyền lợi, mưu sinh, chưa kể đến những trù dập, đe dọa”.
Nhưng trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đấu tranh, chị vẫn có những người đồng nghiệp trung thực, dũng cảm đứng bên cạnh và bênh vực. Chị tin rằng những nhà báo chuộng lẽ phải như thế sẽ góp phần không nhỏ giữ lửa cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Như bà Nguyễn Thị Hòa chân tình chia sẻ “nhờ có báo chí đưa tin, đăng bài mà những kẻ đe dọa tôi đã phải chùn tay, không manh động”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cũng phát biểu trong buổi gặp mặt: “Phòng chống, tham nhũng hết sức khó khăn, phức tạp, người chống tham nhũng rất dễ bị cô lập, rất cần sự quan tâm, ủng hộ, động viên, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị và xã hội”.
Ông Tuấn nhận định việc lần đầu tiên các chiến sĩ chống tham nhũng được vinh danh tại ĐH thi đua yêu nước toàn quốc là minh chứng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ông mong “các anh chị và các bác ấm lòng, luôn giữ được lòng tin và ngọn lửa quyết tâm trong cuộc đấu tranh này”.
Thủy Chung